Ngày Tết ăn trộm để... lấy may

2025-01-17 19:21:32

Người Lô Lô tin rằng, ở thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nếu ai đó mang về được một cái gì đó thì gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra.

Theo phong tục, người Lô Lô đón năm mới bằng tiếng gà gáy đầu tiên. Ông Vàng Dỉ Chu (68 tuổi, nhà ở bản Lô Lô Chải, nguyên Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, Đồng Văn), kể: “Với người Lô Lô, vui nhất là đi chơi đêm 30, sau giao thừa. Mà không phải đi chơi bình thường đâu, đi lấy may, lấy lộc đem về. Đi lấy trộm của người khác ấy mà! Đi lấy may không lấy nhiều, không lấy những đồ vật có giá trị, chỉ là củ hành, củ tỏi, là cây rau, thanh củi nhỏ. Và đương nhiên là không lấy cái của gia đình mình”.

Người Lô Lô có tục ăn trộm vào Giao thừa để cầu may mắn cho 1 năm (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc ăn trộm của người Lô Lô cũng phải tuân thủ quy định các con số. Người Lô Lô ở Lũng Cú (Đồng Văn) lấy mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn người Lô Lô ở Mèo Vạc lại chọn con số 3, hoặc là 3 củ hành, 3 củ tỏi, hoặc có thể là 3 lá rau… Người Lô Lô ở Lũng Cú kiêng chuyện nhổ trộm tỏi mà không nhổ hết, bị đứt vì họ cho rằng như thế sẽ gặp điềm gở, không tốt. Nếu chẳng may nhổ không đứt thì chớ có cố mà nhổ lên. Tốt nhất là bỏ đi ngay, tìm “vận may” khác.

Điều đặc biệt, người Lô Lô đi lấy may đúng theo cách “ăn trộm”. Đó là họ đi bí mật, không công khai, không rủ nhau cùng đi. Họ sẽ cố gắng để chủ nhà không bắt được. Khi gặp người quen biết sẽ không chào và coi như người lạ. Lấy may xong, người Lô Lô đi lấy nước mới, dâng lên tổ tiên rồi mới được đun lên để uống.

Vào ngày tết, trên bàn thờ tổ tiên của dân tộc Lô Lô có bánh chưng dài, xôi nếp, rượu để cúng tổ tiên. Mỗi người đã khuất trong gia đình được biểu tượng bằng 1 thanh gỗ nhỏ, có khắc hình và tên người đặt trên bàn thờ. Mỗi hình người phải có 1 cái chén, 1 đôi đũa, 2 chai rượu. Người Lô Lô thoải mái trong việc mời tổ tiên về ăn Tết. Người khấn có thể là bất cứ ai trong gia đình miễn là thuộc hết tên người đã khuất.

Theo phong tục, vào chiều 30 Tết người Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ chức cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái, đàn bà, con gái cúng bằng gà trống.

Chiều 30 Tết là ngày "niêm phong" cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được "nghỉ Tết" và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác.

Nam Yên

Nguồn bài viết : XS Mega

Top