Dạy con nối nghiệp ông cha: Tiếng sáo 3 đời

2025-01-17 19:21:32

Trong khi không ít nghệ sĩ dòng nhạc truyền thống cho con đi học nhạc cụ Tây, đi học làm ca sĩ nhạc nhẹ - những nghề đang được xã hội đề cao, trọng vọng và kiếm được rất nhiều tiền - thì có những gia đình mong muốn con mình nối nghiệp cha ông dù biết cuộc sống tương lai của con không dễ dàng gì.

Lớn lên bằng tiếng sáo

Đinh Nhật Minh - con trai NSƯT sáo trúc Đinh Linh, cháu nội NSƯT sáo trúc Đinh Thìn - vừa trở về nước không lâu sau một quãng thời gian rất dài “tầm sư học nghệ” tận Trung Quốc. Minh bảo mình yêu sáo trúc nhưng vì lý do gì thì không biết mà chỉ biết rằng từ nhỏ, tiếng sáo của ông nội rồi của bố đã ngấm vào máu thịt mình. Minh lớn lên bằng tiếng sáo từ trong nôi và nghiễm nhiên nghĩ rằng mình sẽ kế nghiệp ông nội, của bố, thế thôi!

NSƯT Tuyết Mai, NSƯT Đinh Linh và Nhật Minh (phải)

NSƯT Tuyết Mai, mẹ của Nhật Minh, kể cả gia đình chị theo nghệ thuật, lại là nghệ thuật dân tộc, nên chị thừa hiểu cuộc sống của nghệ sĩ nhạc dân tộc bấp bênh lắm. Vậy nên, khi sinh đứa con trai đầu lòng, cả gia đình mong thằng bé lớn lên sẽ theo ngành dược với suy nghĩ “mua mớ rau còn trả giá chứ mua thuốc chữa bệnh có ai trả giá bao giờ. Trong nhà có ông dược sĩ, người thân có ốm đau cũng chẳng phải lo”.

Nghĩ sao làm vậy, cả nhà chị đinh ninh Nhật Minh “rất sáng sủa và nhanh trí” sẽ không làm bố mẹ thất vọng khi đi theo con đường đã hướng nghiệp. Ngay cả khi NSƯT Đinh Linh đưa con trai vào Nhạc viện TP HCM học thổi sáo Tây, gia đình cũng chỉ nghĩ đó như một cách giúp con giải trí bổ ích trong những ngày hè thay vì để con rong chơi ngoài phố.

Nhật Minh biểu diễn một tiết mục sáo trúc

Nhưng càng tiếp xúc với sáo Tây, gia đình nghệ sĩ Đinh Linh - Tuyết Mai phát hiện ra con trai họ đang sống với tiếng sáo. Biết con có duyên phận với sáo, gia đình họp bàn lần nữa để định hướng tương lai cho con. Kết quả, Nhật Minh được bố mẹ đồng ý cho học sáo trúc như ông nội và bố thay vì sáo Tây. “Ông nội Đinh Thìn là nghệ sĩ sáo trúc tên tuổi, cha Đinh Linh cũng làm rạng danh gia đình khi không thua kém ông nội, vậy hà cớ gì Nhật Minh lại không nối nghiệp ông, cha?” - NSƯT Tuyết Mai nhớ lại những suy nghĩ của mình lúc quyết định cho con theo học sáo trúc.

Tự hào và trăn trở

Có là hậu sinh kế nghiệp hay thân sinh hướng nghiệp thì gia đình của các em đều tự hào. NSƯT Đinh Linh cũng như NSƯT Tuyết Mai đều “tự hào lắm khi gia đình có đến 3 thế hệ cùng theo đuổi nghề thực sự hiếm hoi hiện nay để góp phần bảo tồn và tôn vinh những giá trị của âm nhạc dân tộc. Truyền nghề, kế nghiệp là điều mà bất kỳ gia đình làm nghề truyền thống nào cũng coi trọng và mong muốn nhưng không phải nhà nào cũng làm được, nhất là khi cuộc sống khó khăn của người làm nghề đang bày ra trước mắt và trong tương lai” - NSƯT Tuyết Mai nói.

Chính Nhật Minh cũng nhận thức được rằng: “Nghề truyền thống rất dễ bị mai một qua từng thế hệ nhưng may mắn cho gia tộc khi bản thân tôi vẫn yêu tiếng sáo của ông, cha mình chẳng thua kém gì họ”.

Giấc mơ của Nhật Minh là làm rạng danh gia tộc bằng tiếng sáo trúc được nối nghiệp từ ông cha

Tự hào về con nhưng không thể không trăn trở cho tương lai của con. NSƯT Tuyết Mai bảo đôi khi nằm nghĩ nếu được làm lại, chắc chị và gia đình đã không hướng con theo nghiệp của bố. Nhìn lại đời bố mẹ, nếu không lăn lộn với đủ nghề, kinh tế gia đình chắc gì ổn định như hiện tại. Nỗi lòng người mẹ luôn cảm thấy xót khi nhìn thấy tương lai của con trai khá “mịt mờ”. Nhật Minh bây giờ cũng phải đi bán sáo hằng ngày bên cạnh công việc biểu diễn.

Tuy nhiên, Nhật Minh nghĩ lạc quan hơn: “Mai này, tôi có thể mở lớp dạy nhạc dân tộc, dạy thổi sáo hay đi biểu diễn. Mộng ước của cuộc đời tôi là làm rạng danh gia tộc bằng tiếng sáo trúc được nối nghiệp từ ông, cha mình. Tôi không mong mình nổi tiếng hơn ông và bố nhưng nếu không làm được những điều mà họ đã làm tốt, với tôi đó là một thất bại không thể nào chấp nhận”. Đây cũng chính là tâm tư của Sĩ Phú (đàn tam thập lục), Thảo Linh và Long Phi (đàn nhị), Bá Hưng (đàn tì bà) hay Hải Vũ (đàn tranh)- những người trẻ đang kế nghiệp truyền thống nghệ thuật của gia đình.

Chỉ có thể là duyên phận!

Tốt nghiệp cùng khóa học với Đinh Nhật Minh tại Học viện Âm nhạc dân tộc Trung Quốc rồi trở về làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen còn có Sĩ Phú - nghệ sĩ tam thập lục. Từ nhỏ, thấy bạn bè đi học đàn organ, học piano, Phú cũng nói với cha là ca sĩ - nhạc sĩ Nhất Sinh cho mình đi học đàn điện tử. Ở thời điểm đó, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đang triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trẻ ở nước ngoài, Sĩ Phú được chọn đi du học ở Trung Quốc với chuyên môn là đàn tam thập lục. Ca sĩ - nhạc sĩ Nhất Sinh kể: “Thế rồi, Phú cứ vậy trở thành một nhạc công tam thập lục, theo con đường âm nhạc dân tộc không toan tính. Mọi chuyện diễn ra nhanh đến mức gia đình tôi tin rằng đó là duyên phận được sắp đặt sẵn”.

Nhất Sinh không giấu niềm tự hào của ông về con khi cháu nối nghiệp nghệ thuật của cha, đi theo con đường âm nhạc dân tộc. “Tôi luôn động viên cháu, cuộc sống cần tiền lắm nhưng giữ tiếng tăm cho gia đình còn quan trọng hơn. Thế nên, nếu đã có duyên với nghề thì cố mà giữ” - ông Nhất Sinh tâm sự.

Theo Người Lao Động

Nguồn bài viết : Chuyển nhượng bóng đá

Top