7 cú lừa ngoạn mục nhất trên mạng xã hội năm 2015

2025-01-17 19:21:47

Trong năm 2015, rất nhiều hình ảnh và video được đăng tải rồi lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng internet. Tuy nhiên, trong đó có một số “sản phẩm” cố tình được tạo ra để làm sai lệch nội dung, hoặc thậm chí hoàn toàn không liên quan tới câu chuyện đính kèm.

Dưới đây là 7 trường hợp tiêu biểu được BBC tổng hợp:

Hình ảnh ám ảnh được chia sẻ sau trận động đất Nepal

Đây là một trong những hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất sau trận động đất ở Nepal xảy ra vào tháng 4. Dù không phải là giả mạo, nhưng nó đã gây hiểu lầm cho người xem.

Bức hình được đăng tải kèm theo chú thích: “Bé gái 2 tuổi được anh trai 4 tuổi bảo vệ ở Nepal”, nhanh chóng được chia sẻ trên các mạng xã hội Facebook, Twitter cùng lời kêu gọi quyên góp. Tuy nhiên, thực ra, bức ảnh được chụp ở một ngôi làng tại Việt Nam vào năm 2007. Nhiếp ảnh gia Na Sơn, chủ nhân của bức ảnh cho biết: “Đây có lẽ là hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất của tôi. Nhưng tiếc là nó bị đặt sai bối cảnh”.

Đoạn video quay bể bơi trong trận động đất Nepal

Cũng sau trận động đất xảy ra ở Nepal, một đoạn video xuất hiện trên Facebook và YouTube với chú thích: đây là cảnh quay từ camera an ninh của một bể bơi tại khách sạn ở Kathmandu. Đoạn băng được truyền thông quốc tế sử dụng rộng rãi để mô tả ảnh hưởng của trận động đất tồi tệ nhất 81 năm qua tại Nepal.

Mặc dù vậy, trên thực tế, đó chỉ là video cũ, được ghi từ năm 2010 trong một trận động đất ở Mexico. Thời gian trong đoạn băng đã bị thay đổi, nhưng nhiều người xem vẫn nhận ra điều đó khi họ thấy rằng: video này liên tục được đăng tải mỗi khi xảy ra động đất lớn.

Hành trình đến châu Âu của người di cư trên mạng xã hội Instagram

Trong suốt mùa hè năm 2015, trên Instagram xuất hiện những bức ảnh “tuyệt vời” dường như ghi lại hành trình của một người đàn ông từ Senegal đến Tây Ban Nha. Những bức ảnh “tự sướng” của Abdou Diouf từng gây sốt trên internet, thu hút hàng nghìn người theo dõi và bình luận.

Tuy nhiên, một số hoài nghi đã được đặt ra khi anh ta sử dụng những hashtag như #InstaLovers và #RichKidsofInstagram. Quả thật, đây là chiến dịch tiếp thị công phu cho lễ hội nhiếp ảnh ở miền Bắc Tây Ban Nha.

Người tị nạn bị cho là chiến binh IS

Khi cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu lên đến đỉnh điểm, bức ảnh chụp một người đàn ông xuất hiện, lan truyền nhanh chóng trên Facebook kèm theo cảnh báo: “Hãy nhớ rằng anh ta xuất hiện trong bức ảnh của IS vào năm ngoái, và giờ đây anh ta là người tị nạn”.

Cuối cùng, người đàn ông trong bức ảnh được xác định là Laith al-Saleh – cựu chỉ huy của Quân đội tự do Syria, lực lượng chống đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Anh này chạy trốn khỏi Syria để đến Macedonia vào tháng 8/2015. Sau khi biết sự thật, người đăng tải thông tin lên Facebook đã phải xin lỗi.

Bức ảnh chụp ban nhạc Eagles of Death Metal trong buổi hòa nhạc

Sau các vụ tấn công khủng bố liên hoàn diễn ra tại Paris hồi tháng 11, nhiều câu chuyện xuất hiện và được thêm thắt bởi các tin đồn, hình ảnh gây hiểu nhầm.

Trong đó, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là bức ảnh mô tả đám đông trong rạp hát Bataclan trước khi những kẻ khủng bố bắt đầu xả súng. Thực ra, bức ảnh được chụp trong buổi hòa nhạc ở Rạp hát Olympia tại Dublin, và được đăng lên trang Fanpage của ban nhạc trước khi vụ tấn công ở Bataclan xảy ra.

Đường phố Paris vắng tanh sau các vụ tấn công khủng bố

Hình ảnh được lan truyền trên Twitter cho thấy những con đường ở Paris vắng tanh sau các vụ đánh bom liều chết và xả súng nhằm vào người dân vô tội.

Nhưng trên thực tế, bức ảnh là sản phẩm nằm trong dự án “Thế giới im lặng”. Trong đó, các nhiếp ảnh gia dùng thủ thuật để phác họa các thành phố sẽ như thế nào vào ngày tận thế.

Ông chồng người Đức trả thù theo cách cực đoan

Hồi tháng 6, câu chuyện về người đàn ông Đức ly hôn, chia tất cả tài sản thành 2 phần, rồi rao bán đã đánh lừa được rất nhiều người. Việc đấu giá món đồ này trên Ebay là thật, nhưng câu chuyện không phải vậy.

Sau khi video lan truyền, thu hút khoảng 4,5 triệu lượt xem trên YouTube, Hiệp hội Luật sư Đức mới đứng ra thừa nhận dàn dựng video này cho chiến dịch marketing.

Trọng Sang

Nguồn bài viết : Lịch thi đấu Cúp C1

Top