Số liệu thống kê

Bánh chưng gắn kết người Việt xa xứ với quê hương, nguồn cội

2024-12-21 11:49:11
Kiều bào từ 23 quốc gia về Đất Tổ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Tiếng Việt kết nối kiều bào với quê hương

Emily Diễm Trần là thành viên Ban tổ chức Viet Vote San Diego, một nhóm người Việt trẻ trong cộng đồng San Diego.

Trong nỗ lực nâng cao tiếng nói và sự hiện diện của một số cộng đồng gốc Á ở Mỹ, Ban tổ chức Viet Vote San Diego đã tổ chức chương trình “Chia sẻ nguồn cội - chữa lành cộng đồng Mỹ gốc Á qua những câu chuyện” vào sáng thứ Hai hàng tuần, tại bảo tàng quốc tế Mingei, thành phố San Diego. Chương trình gồm những video chia sẻ những câu chuyện về bản sắc, văn hóa dân gian, các món ăn và thảo luận nhóm. Từ chương trình, Emily Diễm Trần biết được nguồn gốc, ý nghĩa của chiếc bánh chưng.

Emily Diễm Trần.

Theo lời kể của Emily Diễm Trần, gia đình cô thường gói bánh vào dịp Tết. Mẹ thường bảo hai chị em Emily Diễm Trần phụ bà trong các công đoạn chuẩn bị như: rửa lá, cắt lá, ngâm gạo nếp…

Emily Diễm Trần cũng không biết bánh tét là phiên bản khác của bánh chưng. Khi tham gia chương trình, cô mới biết có một vị vua đã biến tấu hình vuông của bánh chưng thành hình trụ của bánh Tét để thuận tiện trong việc di chuyển và bảo quản trong chiến tranh. Câu chuyện này rất thú vị đối với cô.

Cũng như Emily Diễm Trần, Giao Châu (Toronto, Canada) không biết sự liên hệ giữa bánh chưng và bánh tét và ý nghĩa của chúng.

Trong bài viết “Đón Tết Nguyên đán với bánh tét có thể gắn kết chúng ta với cội nguồn Việt Nam như thế nào” đăng trên CBC Life, Giao Châu kể, khi còn ở Việt Nam, năm nào cô cũng ăn bánh chưng. Khi sang Canada, một người bạn tặng tôi cặp bánh tét vào dịp Tết.

"Ở nơi cách Việt Nam hàng ngàn dặm, lần đầu tiên qua bạn bè và tài liệu nghiên cứu của nhà nhân học văn hóa Singapore Nir Avieli, tôi mới biết bánh tét là biến thể của bánh chưng. Bánh chưng vào miền Nam được thay đổi hình dáng và tên gọi. Tên gọi của bánh tét xuất phát từ việc người ta dùng sợi dây cột bánh khi gói để tét bánh thành từng lát trước khi ăn mà không cần dùng dao. Cùng với bánh chưng, bánh tét cũng đã góp phần làm nên linh hồn của Tết Việt, chiếc bánh trở thành một tác phẩm ẩm thực gợi nhắc về di sản Việt Nam", cô nói.

Một lớp học dạy gói bánh chưng tại Mỹ.

Theo Emily Diễm Trần, qua các món ăn truyền thống, thế hệ trẻ có cái nhìn trực quan về bản sắc và văn hóa dân gian. Sự tiếp biến, trao đổi văn hóa cũng mang cộng đồng xích lại gần nhau.

Cô cũng tin tưởng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để lưu truyền những câu chuyện truyền miệng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Trong mỗi video, có phụ đề bằng tiếng mẹ đẻ của người nói để đề cao bản sắc văn hóa ngôn ngữ của họ. Sự chia sẻ này không chỉ dạy cho thế hệ trẻ biết về văn hóa, mà còn tạo không gian cho các thế hệ trước chia sẻ kinh nghiệm sống, sự hiểu biết của họ. Sự chia sẻ và kết nối cũng tạo cơ hội cho các thế hệ trẻ đồng cảm, học hỏi lẫn nhau cho dù đó là trong cộng đồng mình hay với các cộng đồng và nền văn hóa khác.

Theo nhà nhân học văn hóa Nir Avieli, bánh chưng và bánh tét là biểu trưng của nền văn hóa trồng lúa nước Việt Nam. Đó là sự thu nhỏ không gian sống cổ xưa của người Việt, như cách những cánh đồng lúa ở nông thôn bao quanh những ngôi nhà, chuồng trại và những khu vườn. Không cần phải đi xa, gần như những người dân ở nông thôn Việt Nam có thể dễ dàng tìm được những nguyên liệu gói bánh chưng xung quanh ngôi nhà mình.

Khi xã hội phát triển và lối sống thay đổi, mối liên hệ nông nghiệp của bánh chưng có lẽ ít rõ ràng hơn, nhưng bánh chưng đã trở thành là một phần của truyền thống, thách thức cả thời gian và địa lý. Dù ở Mỹ, nhưng mỗi dịp lễ tết, người Việt đều có bánh chưng hoặc bánh tét dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên và nhắc nhở con cháu nhớ về quê cha đất Tổ.

Kiều bào Việt Nam tại Lào: Chuyến thăm của Chủ tịch nước sẽ thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị hai nước
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sớm 10/4, đông đảo bà con kiều bào, các doanh nghiệp, cùng các lưu học sinh Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại thủ đô Viêng Chăn đã có mặt tại sân bay quốc tế Wattay, Lào để tham dự lễ đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn cấp cao sang thăm chính thức nước CHDCND Lào theo lời mời của đồng chí Thongloun Sisoulith, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào.
Học giả Campuchia đánh giá tích cực chính sách của Việt Nam đối với kiều bào
Học giả Uch Leang, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đánh giá cao sự quan tâm và chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Top