161 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu được tuyên dương. (Ảnh: KTĐT)
Đây là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, biểu dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, là những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 và đạt giải trong các cuộc thi đấu thể thao quốc tế.
Năm nay, 161 em được tuyên dương, đại diện 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thuộc thành phần 26 dân tộc thiểu số, trong đó có 13 dân tộc thiểu số ít người. Trong đó, có 95 học sinh dân tộc thiểu số đạt giải quốc gia các môn văn hóa, 62 học sinh dân tộc thiểu số đạt điểm cao được xét tuyển đại học năm học 2016 - 2017, 4 em đạt Huy chương trong các cuộc thi đấu thể thao khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ tuyên dương. (Ảnh: KTĐT)
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn xác định giáo dục - đào tạo cùng khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu và có chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo nói chung, giáo dục - đào tạo ở vùng DTTS và miền núi nói riêng. Đồng thời, mong muốn các học sinh, sinh viên DTTS được tuyên dương tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng không ngừng để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước, khẳng định vị thế của Việt Nam với bạn bè quốc tế. “Chúng ta cũng tin tưởng rằng, vùng dân tộc và miền núi sẽ ngày càng phát triển, các học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi sẽ góp phần làm giàu thêm nguyên khí quốc gia, làm vẻ vang cho quê hương và đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ các chính sách đổi mới nội dung, phương thức đào tạo để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cùa học sinh; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, toàn diện cả về đạo đức, trí tuệ, văn hóa ứng xử trong cuộc sống, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng vững mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Bằng khen cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu năm 2017. (Ảnh: KTĐT)
Nhiều khởi sắc về số lượng, chất lượng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhận định: Lễ tuyên dương năm nay có nhiều khởi sắc so với năm trước. Bộ trưởng biểu dương các em học sinh, sinh viên DTTS đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia, đạt huy chương trong các cuộc thi đấu thể thao khu vực Đông Nam Á và châu Á. Một số gương mặt điển hình vươn lên trong học tập, đạt kết quả cao như Lưu Thị Minh Ngọc, dân tộc Nùng (Hà Giang); Nguyễn Đức Hoàng, dân tộc Mường (Hòa Bình); Nông Ngọc Quân, dân tộc Tày (Lạng Sơn), 3 em đạt điểm cao, trên 29 điểm, được xét tuyển vào ĐH Y khoa Hà Nội…
Năm nay, có tín hiệu vui khi những bạn trẻ thuộc 16 dân tộc ít người, đã gặt hái những thành tích đáng nể trong học tập, rèn luyện: Em Lý Minh Thắng, dân tộc Cống (Mường Tè, Lai Châu), vượt khó vươn lên, đỗ đại học Luật Hà Nội với số điểm cao. Em Phù Thái Việt, dân tộc Pà Thẻn (Bắc Quang, Hà Giang) luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện, đoạt Huy chương Đồng Pencak Silat khu vực Đông Nam Á… “161 em học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc tiêu biểu đến từ mọi miền của đất nước là những tấm gương hiếu học, vượt khó vươn lên, là những bông hoa rực rỡ ngát hương trong vườn hoa đa sắc màu của cộng đồng học sinh, sinh viên DTTS”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến phát biểu tại lễ tuyên dương.
Bộ trưởng lí giải nguồn gốc của sự khởi sắc đáng mừng: “Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh và toàn xã hội luôn chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng DTTS & miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Ngân sách Nhà nước đã dành hàng nghìn tỉ đồng, đầu tư xây dựng trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ gạo, tiền ăn để các em DTTS khó khăn có điều kiện học tập… Mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp, tỉ lệ huy động học sinh ra lớp ngày càng cao, chất lượng từng bước được nâng lên; góp phần nâng cao tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương”.
An Nhi (t/h)
Nguồn bài viết : Top 10 sòng bạc online