Nguyễn Long Huy và giấc mơ cây chúc phủ xanh vùng Bảy Núi

2025-01-17 19:21:32

Nguyễn Long Huy: Điều tôi lo nhất là miền Tây giờ trồng gì cũng dùng thuốc dữ dằn… Có ông chú làm rẫy cái nào ăn chừa một chỗ, cái nào bán, tối xịt thuốc, sáng ra bán. Họa chân dung: Hoàng Tường

Gầy dựng lại giống cây với hương thơm nồng nàn đã không còn mọc nhiều, chàng trai 25 tuổi vùng Bảy Núi đã mang lại sự khởi sắc cho cả một vùng đất nhọc nhằn. Đằng sau dự ánTrồng 20.000 cây chúc bán giống của Nguyễn Long Huy là mơ ước đổi đời của chàng trai trẻ với bao nỗi mất mát, hy vọng.

Để làm chủ được kỹ thuật của mình, chắc là anh đã thất bại nhiều?

Ban đầu cha tôi không ủng hộ, thế là tôi tự xuất tiền túi ra, mượn thêm bạn được 1 triệu đồng. Năm đầu tiên bỏ vốn hết 700.000 đồng, mua 30.000 đồng/ký. Phải tìm tới tận gốc gác nơi cây chúc sinh ra, vùng Tịnh Biên, Campuchia, mới có được giống tốt, cất công đi lại nhiều lần. Bị thất bại một hai vụ rồi mới thành công. Mướn một miếng đất 250m2 giá 500.000 đồng, lứa đầu tôi mua mấy chục ký trái về, lẩy hột ra phơi nắng, hạt không lên, mất hết vốn. Lại đi vay mượn bạn bè, làm đi làm lại mấy lần mới phát hiện ra phải hong gió tự nhiên cây mới lên đều. Tôi không dùng phân hoá học, nhà có một loại phân chất liệu từ hoang dã do cha tự chế. Rồi phải làm giàn cho thoáng để cây không bệnh, chất liệu cũng từ vườn nhà, không tốn bao nhiêu.

Cảm giác đầu tiên nhìn cây giống lớn lên, mừng lắm, cây tốt, không bệnh hoạn, bán được nhanh. Vừa trồng, vừa chở Honda khắp An Giang để bán, đến đâu người ta cũng sẵn sàng mua. Lứa đầu thu hoạch được 37 triệu đồng, lứa thứ hai 42 triệu, mau lắm. Cha lúc đó mới nói để tao cùng làm.

Vì sao anh đánh cược tất cả tiền bạc và sức lực của mình để gầy dựng lại giống cây đã còn rất ít ở Việt Nam?

Tôi nghĩ nếu người dân vùng Bảy Núi chuyển qua trồng chúc hết, sẽ bán được giá hơn chanh nhiều. Chăn nuôi bò bây giờ đi kiếm cỏ hàng ngày rất khó vì ngày càng hiếm. Nuôi heo thì bấp bênh, năm lời năm lỗ. Bà con nông dân ở xóm tôi muốn chuyển sang trồng chúc nhưng chưa có kinh nghiệm, có người đầu tư lớn cả mấy chục ngàn cây mà chết hết trơn.

Là dân trồng cây kiểng mướn nên tôi có bí quyết để cây không chết bậy, muốn gầy dựng lại giống cây quý này, giúp cho bà con có thêm một nghề trồng cây giống ổn định để tăng thu nhập. Hiện có người ở tỉnh đặt 1 tấn lá chúc mà chưa ai đáp ứng được.Tôi tin một thời gian nữa lá chúc sẽ lên ngôi. Giờ ở quê tôi, đến nhà hàng không có lá chúc người ta không ăn nữa. Tôi mong sẽ xuất khẩu được lá chúc và trái chúc.

Nguyễn Long Huy và ước mơ đưa cây chúc vùng bảy núi đi xa hơn trong tương lai. Ảnh Ngọc Bích

Tìm tới cuộc thi “Dự án khởi nghiệp 2015” của BSA, hẳn anh… nuôi mộng làm giàu?

Qua cuộc thi này tôi học được từ cách buôn bán hàng đến chuyện giữ tiền. Không biết sao anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, tổng giám đốc Alpha Books chọn dự án của tôi, chắc muốn giúp đỡ có vốn để làm ăn. 50 triệu đồng đó tôi sẽ thuê đất thêm, mua giống, làm giàn, mướn người ta vô bầu, trồng 40.000 cây, đủ số lượng mấy anh vựa cây ở Bạc Liêu đặt. Mong ước được làm số lượng nhiều, sau này ai ăn lá chúc cũng nhớ tới quê của chúc là Bảy Núi… Mẹ mất năm tôi học lớp 9, từ đó phải nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nếu mẹ không thiếu nợ chắc tôi sẽ tự bỏ tiền đầu tư, không tham gia cuộc thi này. Nhưng biết đâu cũng là dịp may, anh Tuấn Quỳnh đầu tư sẽ giúp mình có động lực, có tinh thần mần ăn lớn.

Điều anh lo lắng nhất về cách làm nông hiện nay của bà con?

Tôi nhớ ngày xưa quê tôi cá sặt nổi lềnh mặt ruộng, cá lóc cũng nhiều lắm. Xách cái thùng đi tát cá chặn đường nước chút xíu cá nổi lóc chóc. Giờ thuốc sâu quá nhiều nước bị nhiễm độc, cá chết hết. Điều tôi lo nhất là miền Tây giờ trồng gì cũng dùng thuốc dữ dằn, nặng không à. Có ông chú làm rẫy cái nào ăn chừa một chỗ, cái nào bán, tối xịt thuốc, sáng ra bán.

Làm sao thay đổi ý thức người nông dân?

Không thay đổi được đâu, không làm thế thì không có ăn, cuộc sống ai cũng muốn mưu sinh mà. Rau quả giờ xịt thuốc có ai lại kiểm đâu, chuyển lên trên này bán cũng chẳng ai kiểm. Nhà tôi bây giờ tự trồng rau, hoặc đi hái rau ngoài đồng tự mọc.

Cùng họ với chanh nhưng chúc lại có vỏ xù xì, vị chua dùng để lấy nước, đặc biệt có mùi thơm giữ rất lâu. Tiếng Khmer gọi là Kôt–sôt, một loài cây đặc hữu của các huyện miền núi. Ảnh Zing

Điều gì về cha mẹ mà anh nhớ nhất, và coi đó là gia tài quý nhất của mình?

Cha mẹ tôi quanh năm làm mướn. Mẹ tôi vất vả hơn ba nhiều, năm nào cũng phải làm cỏ đến 30 tết. Vậy mà khi mình làm ăn có tiền thì mẹ mất. Dù nhà nghèo nhưng năm nào mẹ cũng thí gạo cho người ta. Hồi nhỏ tôi bệnh hoài, có lần năm 12 tuổi, tôi bị bệnh tưởng chết, ói ra máu. 12 giờ khuya mẹ xách xe đạp chở đi lên bệnh viện tỉnh, sau này nhắc lại mẹ mới nói lúc ấy tao sợ ma muốn chết, nhưng vì thương con nên liều đi giữa đồng vắng.

Lúc mẹ mất cả xóm đi đưa, người ta khóc còn hơn mình. Mẹ mất khiến tôi bị sốc nặng, buồn lắm, không có khả năng để đi học lại, ít tiếp xúc với bạn bè. Trong nhà mẹ thương tôi nhất, có đồ đẹp nào cũng cho tôi, đi đâu cũng dẫn đi, bị chị em phân bì hoài. Tiền thì cho cũng nhiều hơn, mà cho giấu. Nên mẹ mất mới hụt hẫng vậy, tới giờ vẫn buồn hoài, nhiều khi đi mình ên vậy đó.

Ba tôi đã giúp đỡ, động viên tôi rất nhiều, chỉ dẫn cho tôi cách giao tiếp, buôn bán. Ba nói dù người ta nói nặng nói nhẹ gì mình vẫn nhẹ nhàng với người ta thì người ta mát ruột sẽ mua. Trong buôn bán, tôi coi trọng nhất mặt hàng của mình có đạt hay không? Người ta có thích hay không? Đâu phải mình bán rồi là thôi, mua hôm nay phải nghĩ đến ngày mai người ta trở lại.

Anh nghĩ gì về thế hệ mình, những người bạn trẻ vẫn bám ruộng, làm giàu bằng nghề nông?

Là thanh niên phải tìm tòi ra điều gì đó mới mẻ, nếu chỉ làm công ngày 60.000 đồng thì mất đi tuổi trẻ của mình. Tôi không thể mần ruộng và mần thuê hoài, phải trở thành người chủ, có thất bại mới thành công.

Tôi muốn làm nên sự nghiệp, có chỗ đứng trong xã hội để không bị coi thường. Mình nghèo người ta khi dễ mình. Tôi muốn vượt lên. Tình bạn bè, tình thương yêu mới là sự giàu có mà tôi khao khát. Vì mẹ mất sớm, tôi bị thiếu hụt tình thương yêu nhiều lắm.

Nếu có điều ước, anh sẽ ước gì?

Trong lòng chỉ ước cho mẹ sống lại thôi…

Theo Kim Yến - Thế Giới Tiếp Thị

Chúc chỉ cho trái mỗi năm một lần vào mùa mưa với số lượng khiêm tốn, nên loại đặc sản này có giá bán cao (gấp 5-6 lần cây cùng họ là chanh), cho thu nhập hàng triệu đồng mỗi cây.

Trái chúc được xem là đặc sản của vùng Bảy Núi, An Giang, trồng nhiều ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Hiện nay, trái này có giá cao gấp 5-6 lần chanh.

Cùng họ với chanh nhưng chúc lại có vỏ xù xì, vị chua dùng để lấy nước, đặc biệt có mùi thơm giữ rất lâu. Tiếng Khmer gọi là Kôt–sôt, một loài cây đặc hữu của các huyện miền núi.

Hiện trái chúc bước vào mùa thu hoạch rộ nên giá bán chỉ từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg. Còn vào thời điểm nghịch vụ, những tháng nắng, giá lên 130.000 đến 140.000 đồng/kg.

Chúc rất dễ trồng, không cần chăm sóc vẫn phát triển tốt. Đây là cây có múi thích nghi tốt trong thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nhiệt. Cây chúc trồng từ 5-8 năm mới thu hoạch, và mỗi năm chỉ cho trái 1 lần vào mùa mưa, với năng suất khoảng 30 đến 50kg/cây (khoảng 8-10 trái/kg). Cây chúc càng lâu năm trái càng sai. Cứ vào mùa mưa cây bắt đầu ra hoa và cho trái rất sai. Bình quân mỗi cây chị thu 40 kg trái, tương đương gần 3 triệu đồng.

Ngoài việc bán trái, lá chúc cũng được săn mua, với giá 220.000 đến 250.000 đồng/kg. Những cây chúc loại cổ thụ trên 10 năm cũng được giới chơi kiểng săn mua, giá từ 5 đến 10 triệu đồng, loại 2 năm tuổi giá dao động khoảng 300.000 đến 600.000 đồng/cây.

Cây chúc thường được người dân Bảy Núi trồng phía trước nhà, vừa lấy lá để chế biến món ăn, vừa xua đuổi, tránh rắn bò vào nhà. Trái chúc ngoài giải khát còn nằm trong 4 vị thuốc để trị rắn cắn. Đây đang là cây được nhiều công ty ở TP.HCM và Đồng Tháp đến xin bao tiêu lá và trái để sản xuất dược liệu.

Ngoài ra, phụ nữ vùng này vẫn lấy trái chúc gội đầu cho mượt tóc.

Đặc biệt, với trâu bò bệnh, không ăn được thì trái này sẽ được vắt nước vào miệng trị bệnh rất hiệu quả. Những người nuôi cá cũng sử dụng lá giã nát rồi cho xuống đáy ao hồ để cho cá khoẻ mạnh, chóng lớn.

Cây đặc sản vùng biên này còn chế biến rất nhiều món ăn, như cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc… Chính nhờ vậy mà cây chúc, vốn là một loài cây rừng sắp tuyệt chủng lại có dịp hồi sinh và ngày càng được nhiều người quan tâm.

Ông Chau Seul, một người dân trồng chúc ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn

Ông Trần Văn Cường, Trường phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho biết, huyện đã triển khai dự án trồng, bảo tồn và phát triển trước mắt 11 loại thảo dược trên tổng số 155 loài tại vùng Bảy Núi với qui mô rộng khắp, trong đó có chúc.

Ngoài ra, thân cây chúc có nhiều gai và khỏe, được Viện cây ăn quả miền Nam khảo sát và đánh giá là một loài cây chịu hạn rất tốt nên chọn làm gốc ghép cho các loại cây có múi khác.

Theo quan niệm từ xa xưa, người Khmer thường trồng chúc để ăn trái xua rắn và lấy lá làm thuốc. Ngày nay, loại cây này được trồng để làm giàu cho gia đình. (Nguồn: Zing.vn)

Nguồn bài viết : Trực tiếp

Top