Cha mẹ mua đồ chơi theo ý con, dễ gieo cho trẻ tính cách đòi hỏi

2025-01-17 19:21:32

Gieo cho trẻ tính cách đòi hỏi

Chuyên gia tâm lý giáo dục TS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đồ chơi là thứ dụng cụ để con vừa vui chơi vừa khám phá cuộc sống và học hỏi. Nếu thiếu 1 trong 2 chức năng trên, đồ chơi không có giá trị. Hiện nay, các bậc cha mẹ hầu như không để ý đến chức năng giúp con học hỏi và khám phá cuộc sống từ đồ chơi. Mà ngược lại, nhiều bậc phụ huynh chỉ chăm chú mua đồ chơi theo cảm hứng của chính mình hoặc của con. Điều này đã làm mất đi giá trị giáo dục của đồ chơi.

Ngoài ra, việc mua đồ chơi theo ý con có thể sẽ tạo ra tính cách hay đòi hỏi của trẻ. Đến khi cha mẹ không đáp ứng được đòi hỏi cao hơn của con, mâu thuẫn sẽ xảy ra, thậm chí có thể dẫn đến căng thẳng hoặc bạo lực. Vì thế, cha mẹ cần lưu ý tiết chế khi mua đồ chơi cho con.

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và phát triển tiềm năng con người) cho rằng, quan điểm tặng cho con món đồ chơi mà con thích là đúng nhưng chưa toàn diện. Trẻ nhỏ chưa có ý thức bảo vệ bản thân, thấy trẻ khác có là “đòi” nên cần người lớn thẩm định ý thích của trẻ có đảm bảo tính an toàn hay không.

Trẻ từ 4 tuổi đã bắt đầu thể hiện rõ tính cách, tâm lý, thích bắt chước các hành động của những nhân vật đã xem. Nếu chọn đồ chơi mang tính bạo lực như dao kiếm, súng ống… sẽ làm trẻ bị ảnh hưởng bởi đồ chơi rất nhiều. Nó không giáo dục trẻ, ngược lại vô tình hình thành trong suy nghĩ là mọi vấn đề đều được xử lý bằng bạo lực, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu.

Nên mua cho trẻ những loại đồ chơi có tính giáo dục, đảm bảo an toàn

Nhiều cha mẹ còn nghĩ, cứ chọn đồ chơi đắt cho con là tốt. Nhưng đồ chơi của trẻ em ngoài đảm bảo xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng còn phải giúp trẻ phát triển vận động, tư duy và sự sáng tạo. Đồ chơi đắt tiền, hiện đại, tự động hóa chưa chắc đã đáp ứng được những tiêu chí này, thậm chí khiến trẻ lười vận động, tư duy. Đôi khi, những vật dụng đơn giản, quen thuộc lại tạo thành những món đồ chơi lý thú cho trẻ.

“Tốt nhất, cha mẹ không nên quá chiều theo ý của trẻ. Khi mua một món đồ chơi nào đó nên định hướng và giải thích cho con vì sao nên chọn và vì sao không nên chọn đồ chơi đó để bé càng yêu quý món đồ chơi đó hơn. Điều quan trọng hơn cả là phụ huynh phải dành thời gian để hướng dẫn và cùng chơi với con, có như vậy đồ chơi mới phát huy được hết hiệu quả”, PGS. TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết.

Mua gì cho con Trung thu này?

Trung thu đang tới gần, trên nhiều tuyến phố Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Mã, chợ Hà Đông... đồ chơi được bày bán vô cùng sôi động. Các mặt hàng đa dạng mẫu mã từ các sản phẩm trong nước đến các loại đồ chơi nước ngoài.

Năm nay, thị trường đèn lồng Việt Nam có thêm sản phẩm mới là các lồng đèn xếp giấy in hình họa tiết nổi bật và các hình vẽ ngộ nghĩnh như các con vật, nhân vật hoạt hình… được nhiều người yêu thích. Bên cạnh những đồ chơi truyền thống, còn có các đồ chơi hiện đại chạy bằng pin cầm tay có phát nhạc, đèn con thú phát nhạc, đèn kéo quân giấy bóng kính… cũng khá bắt mắt.

Để chọn cho con một món quà Trung thu vừa độc đáo, vừa ý nghĩa, ThS Vũ Thu Hương cho rằng, khi các con còn bé, cha mẹ nên lựa chọn đồ chơi truyền thống để giúp trẻ tìm hiểu văn hóa dân gian. Khi các con đã đủ lớn, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tự chọn đồ chơi cho mình bằng cách giới thiệu ý nghĩa của từng món đồ chơi, cách chơi. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ làm những đồ chơi đơn giản. Với những vật liệu đơn giản, quen thuộc hàng ngày như giấy, màu vẽ, que tre, vải, phế liệu… các thành viên trong gia đình có thể cùng con cái sáng tạo ra đồ chơi. Trẻ sẽ vô cùng thích thú và hào hứng chờ đợi đêm Trung thu.

Theo các chuyên gia, mọi người cần lưu ý đến đồ chơi Trung thu thiếu an toàn, làm từ nhựa tái sinh. Qua một số kết quả giám định của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học cho thấy, nhiều đồ chơi bằng nhựa có xuất xứ Trung Quốc đều sản xuất bằng các loại nhựa tái chế. Trong đó có những loại đồ chơi có chứa chất cadimi (Cd) - là một trong 3kim loại độc hại đối với cơ thể con người, có thể gây ung thư, dị tật thai nhi... Một trong những loại đồ chơi phát hiện chứa cadimi cao gấp 123 lần là đèn lồng đồ chơi phát sáng.

Loại đồ chơi bạo lực như súng bắn đạn, cao su, súng lase, kiếm… được bán phổ biến và thu hút các trẻ trai. Nhưng chỉ cần lơ là, trẻ có thể gây tổn thương mình và người khác bất cứ lúc nào. Ngày 17/1/2014, những gói đồ chơi lạ có hình lựu đạn, bên trong chứa hóa chất gây nổ đã làm 32 học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Đắk Nông) nhập viện. Hóa chất trong túi này bắn ra làm nhiều học sinh khó thở, co giật, ngất xỉu. Loại hóa chất này có chứa Sodium bicarbonate và Acid Citric bắn vào người có thể gây kích ứng da và niêm mạc mắt.

Ba yếu tố cần lưu ý khi mua đồ chơi cho con:

1. Tính năng an toàn của đồ chơi. Khi trẻ chơi, vì khám phá, trẻ có thể gây ra nguy hiểm cho chính mình. Thực tế từng có nhiều trường hợp trẻ bị đồ chơi làm chảy máu, trầy xước da, bắn vào mắt, nuốt bị nghẹn dẫn đến ngưng thở. Vì thế, mỗi thứ đồ chơi đều chỉ được sản xuất dành riêng cho một lứa tuổi nhất định nào đó. Cha mẹ cần cân nhắc kĩ càng từng món đồ chơi để không gây họa cho con.

2. Tính giáo dục của đồ chơi. Các cha mẹ cần cân nhắc lựa chọn những đồ chơi có tính giáo dục cao. Những em búp bê sẽ giúp bé gái học thực hành kĩ năng chăm sóc em bé cũng là một dạng đồ chơi có tính giáo dục tốt và được các bé gái vô cùng yêu thích. Đồ chơi có tính năng bạo lực không những không có giá trị giáo dục mà lại tạo ra sở thích bạo lực cho trẻ.

3.Vấn đề giới tính. Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi chưa thực sự nhận thức tốt về giới tính. Nếu chọn cho trẻ những món đồ chơi không hợp với giới tính sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính của trẻ sau này. Đây là điều quan trọng đầu tiên mà bố mẹ cần quan tâm khi mua đồ chơi cho trẻ.

(Theo chuyên gia tâm lý giáo dục ThS Vũ Thu Hương)

Theo Gia Đình & Xã Hội

Nguồn bài viết : GEM Điện Tử

Top