Nghinh Ông – lễ hội dân gian lớn nhất Cà Mau

2025-01-17 19:21:32

Lễ hội Nghinh Ông được hình thành từ năm 1925, gắn liền với tín ngưỡng và lăng thờ cá Ông ở thị trấn Sông Đốc (Huyện Trần Văn Thời). Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày: 14, 15, 16 /2 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội của người Chăm được người Việt tiếp thu và phát triển.

Tương truyền, Lễ hội Nghinh Ông là tưởng nhớ công ơn của loài cá voi - vị thần Đại tướng quân Nam Hải đã không ít lần cứu giúp dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn, với mong muốn đánh được nhiều tôm, cá, đem lại điềm lành và hạnh phúc cho mọi người.

Đoàn tàu ra khơi rước ngư "Ông" về. (Ảnh: Thanh Niên)

Trong những ngày diễn ra Lễ hội, ngày 15 sẽ là ngày hội chính. Nghi lễ được bắt đầu lúc 2 giờ chiều. Chủ lễ cùng ban trị sự Lăng trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu. Những học trò lễ được chọn thường là những nữ sinh con em ngư dân ở thị trấn Sông Đốc. Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm… ăn mặc lễ phục xếp thành 2 hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân. Khi diễu hành bà con trong vùng cũng nhập đoàn đi theo. Trước đó đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh được trang trí cờ hoa neo đậu dưới bến sông.

Tàu chủ là chiếc tàu lớn (hoặc 3 chiếc) được bầu chọn đi Nghinh Ông. Tàu trang hoàng dây cờ, băng rôn lộng lẫy nhất. Các nghi lễ chính diễn ra trên tàu này. Các tàu ghe khác cũng trang trí đẹp và đều mong khách lên tàu mình càng đông thì càng vui. Đoàn tàu xuất bến ra biển, rầm rộ và sôi động cả một vùng nước.

Trước kia, ghe tàu phải nghinh cho đến khi Ông "lên vọi" (cá Ông phun nước lên trời) thì ghe mới được quay vào bờ. Ngày nay, đoàn tàu tiến ra khơi khoảng 10 cây số thì Ban chánh chủ làm lễ xin lịnh Ông bằng thể thức xin keo âm dương để cầu sự linh ứng. Xong đoàn quay về Lăng tiếp tục tế lễ. Toàn bộ những nghi thức cúng tế đều nói lên sự tôn kính vị "phúc thần Nam Hải" nhằm thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa con người với vị "ân ngư".

Nghi lễ chính tại Lăng Ông. (Ảnh: Thanh Niên)

Những vị khách dự lễ hội được nhiều gia đình cố cựu ở Sông Đốc mời cơm, lo chỗ ngủ. Gia chủ cho đó là niềm vinh dự và may mắn. Đây cũng là phong cách hào hiệp, hiếu khách vốn có của người Cà Mau.

Cũng như nhiều nơi khác, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng, gió hoà, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt an khang. Lễ được tổ chức khá lớn, có hàng chục ngàn người trong tỉnh và vùng lân cận đến cúng viếng, tham dự lễ. Trong đó có nhiều ngư phủ của các tỉnh miền Trung và phía Nam đang khai thác cá ngoài khơi cũng nhớ ngày về dự.

Nam Thanh

Nguồn bài viết : Game cờ bạc online

Top