Nghề đấu vật nữ ở Nhật Bản

2025-01-17 19:21:47

Đấu vật vốn được coi là một nghề nguy hiểm, đầy bạo lực và không phù hợp với nữ giới. Thông qua câu chuyện dưới đây của nữ đô vật nước ngoài Kris Hernandez, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ hơn về thế giới đấu vật nữ ở Nhật Bản, đất nước luôn coi trọng sự nhẹ nhàng, đoan trang của người phụ nữ:

“Cuồng nhiệt và kịch tính. Tôi đã yêu nó rồi” – đô vật 31 tuổi tới từ Mỹ kể về cảm xúc trong lần đầu tiên được xem một trận đấu vật nữ tại đất nước mặt trời mọc.

Cô tâm sự: “Tôi ngồi một chỗ và dõi theo từng cử động của họ. Tôi thầm nghĩ: lạy Chúa, làm sao mà họ (các đô vật) có thể sống được? Tôi có thể kiếm sống bằng nghề này được không? Phải thử xem thế nào”.

Từ đó, Hernandez – người từng sống ở San Francisco (Mỹ) trước khi đến Nhật – đã trở thành người nước ngoài đầu tiên được đào tạo từ đầu, và hành nghề như một đô vật nữ chuyên nghiệp ở Nhật Bản.

Cô từ bỏ công việc giảng dạy trước đó của mình, rồi chuyển tới ở chung với một nữ đô vật địa phương. Sống nhờ vào tiền tiết kiệm, Hernandez bắt đầu chế độ luyện tập nghiêm khắc mỗi ngày, bao gồm cả việc rèn thể lực.

“Khi ấy, tôi khá nghèo. Nhưng tôi rất muốn trở thành một đô vật chuyên nghiệp” – Hernandez kể về quãng thời gian khó khăn, khi cô mất 4 giờ đi bộ từ nhà tới Tokyo để tập luyện suốt 3 tiếng, rồi lại bắt tàu điện để trở về nhà.

Hernandez chính thức trình làng giới đô vật nữ chuyên nghiệp hồi tháng 8/2014, với biệt danh “Kris Wolf” (sói Kris), mặc bộ trang phục có đầu và đuôi của một con sói.

Theo Hernandez, thế giới của những đô vật nữ Nhật Bản có phần còn đề cao quy tắc, tuân thủ hệ thống phân cấp và khắc nghiệt hơn ở Mỹ.

“Nó giống như một dạng quân đội vậy. Không được trao đổi trực tiếp với cấp cao hơn trừ khi bạn được hỏi, ở lại cho đến khi những người có thâm niên hơn ra về, và đến trước họ 30 phút” – cô mô tả rõ hơn.

Số tiền mà Hernandez kiếm được từ nghề đấu vật không lớn, vào khoảng 250 USD cho một chương trình hàng tuần, nhưng điều đó không thành vấn đề. “Tôi làm việc này vì nó thật là thú vị” – Hernandez cho biết khi đang nghỉ ngơi.

Thực tế tàn bạo của nghề này được che đậy bởi trí tưởng tượng mạnh mẽ của những người hâm mộ, đặc biệt là nam giới. Họ thường nghĩ rằng các đòn đánh mang tính biểu diễn nhiều hơn là gây ra đau đớn.

Tuy vậy, theo Hernandez, sự hỗn loạn và có phần bạo lực cũng có thể là một lối thoát cho rất nhiều đô vật tại một đất nước mà phụ nữ luôn phải kín đáo và dễ thương như Nhật Bản.

“Đôi khi, đó là một phần bản chất mà họ (các đô vật nữ) không có cơ hội thể hiện lúc bình thường. Tôi đã gặp rất nhiều người vốn ngọt ngào và nhút nhát khi bên ngoài sàn đấu, nhưng khi vào trận, họ thực sự bùng nổ” – đô vật người Mỹ chia sẻ.

Trọng Sang

Nguồn bài viết : CMD Thể Thao

Top