Hương Khê (Hà Tĩnh): Độc đáo mô hình “Cây bảo hiểm xã hội tự nguyện”

2025-01-17 19:21:48

Hội Nông dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa ra mắt mô hình “Cây bảo hiểm xã hội tự nguyện” vì cuộc sống ấm no, không lo tài chính khi về già. Mô hình đã thu hút nhiều hội viên nông dân hưởng ứng tham gia.

Theo bà Phạm Thị Thương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Trạch (Hương Khê), năm 2023, toàn xã có hơn 453 ha diện tích trồng bưởi Phúc Trạch, doanh thu khoảng 60 tỷ đồng. Trăn trở với mong muốn người dân khi về già có lương hưu, Hội Nông dân huyện Hương Khê đã mạnh dạn thực hiện mô hình “Cây bưởi bảo hiểm xã hội tự nguyện” từ việc trích một phần thu nhập từ cây bưởi để đóng nộp tự nguyện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Mô hình “Cây bảo hiểm xã hội tự nguyện” được Hội Nông dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thí điểm áp dụng (Ảnh: T.L).

Được biết, Hương Khê là huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh. Địa phương có đặc thù khí hậu nắng nóng nhất cả nước, điều kiện canh tác nông nghiệp gặp nhiều khó khăn khiến cuộc sống của nhiều hộ gia đình vất vả.

Hương Khê có thế mạnh là sản phẩm bưởi Phúc Trạch - loại cây truyền thống và chủ lực, phát triển kinh tế tại địa phương. Đa số các xã trên địa bàn huyện đều trồng bưởi. Không chỉ xóa đói giảm nghèo, bưởi Phúc Trạch còn giúp nhiều hộ gia đình làm giàu.

Hội Nông dân huyện Hương Khê đã chọn thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch để xây dựng điểm "Câu lạc bộ nông dân hướng tới lương hưu" với 24 thành viên. Đây là cơ sở để nhân rộng, thu hút người lao động tham gia nhằm an sinh xã hội.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Xuân Hồ (39 tuổi, trú tại thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch) cho biết: "Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hoạch 5.000 quả bưởi, thu về hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Sau khi được tuyên truyền, gia đình tôi đã quyết định sẽ dành riêng 1 cây bưởi Phúc Trạch có năng suất tốt nhất (sản lượng hơn 100 quả/năm) để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức tối thiểu (hơn 2,7 triệu đồng). Hy vọng sau này về già sẽ đỡ lo về kinh tế hơn".

Lễ ra mắt thí điểm mô hình “Cây bảo hiểm xã hội tự nguyện" tại Hương Khê, Hà Tĩnh (Ảnh: T.L).

Chia sẻ ưu điểm của mô hình, ông Nguyễn Xuân Hồ giải thích, việc dành riêng nguồn thu từ 1 cây bưởi để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, gia đình tôi có chỗ dựa tài chính, an tâm trang trải cuộc sống và được chăm sóc sức khỏe khi không còn sức lao động. Chính vì vậy, sau khi ra mắt mô hình đã có rất nhiều người tham gia.

Theo ông Đinh Công Tịu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê, Hương Khê là huyện miền núi, vùng xa, nhiều khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào lao động chân tay nên khi về già sẽ rất khó bảo đảm đủ trang trải cuộc sống. “Nhận thức được vấn đề đó, Hội Nông dân huyện Hương Khê đã ra mắt mô hình "Cây bưởi bảo hiểm" nhằm giúp người dân an tâm hơn vì được chi trả lương hưu khi không còn khả năng lao động hoặc hết tuổi lao động; giúp họ đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống’, ông Đinh Công Tịu nói.

Ông Đinh Công Tịu giải thích thêm, bà con nông dân chọn 1-2 cây bưởi để chăm sóc, khi đến mùa thu hoạch bán quả để lấy chi phí đóng bảo hiểm sẽ giúp người nông dân không còn nỗi lo mưu sinh khi về già. Mô hình ra mắt đã được bà con đón nhận, hưởng ứng nhiệt tình. Trong thời gian tới, Huyện hội sẽ phát động nhân rộng mô hình trên khắp toàn huyện với mục tiêu ít nhất mỗi xã có 1 mô hình.

Nguồn bài viết : XSMB

Top