-Có thể nói Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đi đầu trong hoạt động truyền thông chính sách, ông có thể cho biết một số thành tựu nổi bật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà trong đó có sự đóng góp rõ rệt của báo chí?
-Trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xuất sắc và khá toàn diện những nhiệm vụ được giao. Trong những thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của các phóng viên, nhà báo nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung.
Chúng ta có thể kể đến một số thành tích nổi bật sau: Thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác tham mưu điều hành kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Bộ luôn kịp thời tham mưu các giải pháp, cơ chế, chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ để phát triển kinh tế. Thứ hai, Bộ luôn thúc đẩy đầu tư và các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài; phối hợp cùng các cơ quan, bộ, ngành thúc đẩy các động lực phát triển cho nền kinh tế. Bộ chủ động xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị và Công điện về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tham mưu, thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bởi vậy, tốc độ giải ngân đầu tư công những năm gần đây luôn có những sự chuyển biến đáng khích lệ. Với đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI chất lượng cao. Năm 2023 được đánh giá là năm thành công trong thu hút FDI, dòng vốn FDI đạt kỷ lục với 36,6 tỷ USD với hàng loạt dự án chất lượng cao như các dự án điện thoại, sản xuất linh kiện điện tử, chip... Trong 5 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký FDI của cả nước đạt 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương |
Thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn tiên phong thúc đẩy các mô hình kinh tế mới như: Kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Các chính sách mới được đề xuất ban hành thể hiện phản ứng chính sách, là hành động cụ thể, kịp thời trước các diễn biến nhanh của thời đại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, bám sát các xu thế lớn…Năm 2023, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khánh thành cơ sở mới tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc. Nơi đây sẽ là hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, kết nối nguồn lực trong và ngoài nước, tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Chính phủ đề án Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045…
Thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đi đầu và đổi mới tư duy trong việc xây dựng và tham mưu thể chế. Bộ luôn xác định đồng hành, hỗ trợ tối đa, tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Vì vậy, trong thời gian qua, rất nhiều đề án, chương trình quan trọng, nhiều công việc cụ thể, cấp bách, mang tính dẫn dắt đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, ban hành. Đặc biệt là tham mưu xây dựng các Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã… Bộ cũng chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương. Thứ năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch. Các bản quy hoạch quan trọng như Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương… được hoàn thành đúng tiến độ, yêu cầu, chất lượng đề ra; được các ngành, các cấp, địa phương đánh giá cao. Công tác quy hoạch giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo các động lực phát triển mới; không gian phát triển quốc gia từng bước được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc.
Đến nay, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã hoàn thành việc thẩm định 63/63 quy hoạch tỉnh, thành phố trong đó đã có 58/63 quy hoạch tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ sáu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của 6 hội đồng điều phối vùng kinh tế - xã hội. Hội đồng điều phối vùng thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững. Với tư cách là cơ quan thường trực của các hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các bộ, cơ quan liên quan trình các chủ tịch hội đồng điều phối vùng ban hành kế hoạch hoạt động; đôn đốc các cơ quan, đơn vị hoàn thành cơ bản quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi vùng phù hợp; nghiên cứu, báo cáo những vấn đề mới, những vấn đề phát sinh đặt ra trong thực tế phát triển vùng…
Cuối cùng trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn chú trọng và đẩy mạnh công tác xã hội, với nhiều hoạt động ý nghĩa, thực chất, tạo tác động lan tỏa trong xã hội. Những chương trình đầy ý nghĩa như: Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam, xoá nhà tạm, xây nhà tình nghĩa, bảo trợ 8 nhóm yếu thế. Các chương trình: Yêu thương Việt Nam, Bao La Việt Nam, Sức Sống Việt Nam… tiếp tục được duy trì, góp phần hình thành văn hoá nhân văn, và sự tử tế trong con người ngành kế hoạch đầu tư.
-Tại thời điểm này, thưa ông, có một số ý kiến cho rằng trong việc dự thảo và ban hành các chính sách do MPI chủ trì thì công tác tiếp nhận thông tin phản hồi qua báo chí chưa thực sự hiệu quả, ông có nhận xét gì về quan điểm này?
-Trong hoạt động của mình, công tác xây dựng, tham mưu thể chế, chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như tôi đã chia sẻ, trong nhiều năm liền, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiều nhiệm vụ nhất trong số các Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ và cơ bản hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình xây dựng chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn quan tâm, lắng nghe, tiếp nhận các tin phản hồi từ báo chí; coi đây là một kênh tham khảo và phản biện chính sách chất lượng, hiệu quả và đáng tin cậy; góp phần xây dựng chính sách đúng, trúng, phù hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra, lấy người dân là trọng tâm của sự phát triển.
Tuy nhiên, dù rất quan tâm và coi trọng việc lắng nghe dư luận, nhưng trong quá trình đó, vì một số yếu tố khách quan nên chúng tôi có thể lắng nghe chưa hết, chưa thấu đáo. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục lắng nghe một cách cầu thị, tiếp thu thấu đáo hơn các thông tin phản hồi từ báo chí, để công tác xây dựng chính sách ngày càng hiệu quả hơn.
-Là người thường xuyên tiếp xúc với báo giới, theo ông, điều gì có thể làm tăng cường sự hiểu biết cũng như chia sẻ giữa MPI và các cơ quan báo chí để qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin về các hoạt động của MPI?
-Theo tôi, để tăng cường sự hiểu biết giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các cơ quan báo chí thì chúng ta cần tăng cường sự chia sẻ.
Về phía mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, các hoạt động và công việc mà Bộ đã, đang và sẽ triển khai…để từ đó các phóng viên, nhà báo nói riêng và công chúng nói chung ngày càng hiểu rõ hơn hoạt động của Bộ. Đó cũng là cách để công chúng có cái nhìn khách quan hơn về chất lượng công việc, hoạt động của Bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những bộ, ngành đầu tiên, tiên phong trong việc lập kế hoạch truyền thông, trong đó coi trọng công tác truyền thông chính sách - đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 07 ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Trong đó, Bộ luôn coi trọng việc lắng nghe phản biện cả trước, trong và sau ban hành chính sách; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, báo chí, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện. Đây cũng là cơ hội để Bộ lắng nghe phản hồi của người dân trong việc tham mưu xây dựng chính sách.
Về phía các cơ quan báo chí, tôi cũng mong các phóng viên, nhà báo tiếp tục đồng hành, quan tâm, đóng góp vào các hoạt động của Bộ; không chỉ góp ý, phản biện, cùng Bộ tham mưu xây dựng các chính sách tốt hơn, mà còn đồng hành cùng Bộ tuyên truyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
-Nhân dịp 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), ông có thể chia sẻ những kỳ vọng gì về báo chí nói chung?
-Nhân dịp 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi gửi lời chúc các phóng viên, nhà báo hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao; phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội, góp phần phát triển đất nước.
Tôi cũng mong muốn các phóng viên, nhà báo luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp; qua các bài viết của mình khơi dậy khát vọng phát triển, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn bài viết : JILI Game Bài 3d