Năm 2024 có thể giải ngân hết số vốn đầu tư công được Quốc hội giao

2025-01-17 19:21:48

-Thưa ông, Bộ Kế hoạch - Đầu tư xác định năm 2024 này đâu là những nút thắt về đầu tư công phải ưu tiên tập trung tháo gỡ ngay từ bây giờ?

-Trong giai đoạn 2021-2025, đầu tư công tiếp tục được nhận định là động lực quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng, vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa giúp tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, ngay từ đầu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, xác định rõ vấn đề vướng mắc, khó khăn trong từng ngành, lĩnh vực, trong từng khâu triển khai dự án đầu tư công để có phương án xử lý nhằm đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa dòng vốn vào nền kinh tế.

Một ví dụ có thể nêu ra là nhận diện được những vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, ngay khi chuẩn bị bước vào năm thứ 3 của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ (Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023) tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27/01/2024 để triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội đã tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ nút thắt cho các dự án, công trình đường bộ trong triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Thành Trung

Có thể nói, trong lĩnh vực đầu tư công, những giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã làm ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cơ bản giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư công, trong đó thể chế nhận được sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đây chính là một trong ba đột phá chiến lược đã được xác định tại nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Những nhiệm vụ, giải pháp đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đã giải quyết được khó khăn, tháo gỡ những nút thắt trong triển khai thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công. Bên cạnh đó phải nói đến sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành, ủng hộ, giám sát hiệu quả của Quốc hội đã tạo nên sự thống nhất, đồng thuận cao trong xử lý các vướng mắc, khó khăn, nhất là những vấn đề mới, phát sinh, chưa có tiền lệ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Năm 2024 là năm thứ 4 của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các dự án đầu tư công mà đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, sân bay, cảng biển, dự án lớn có tính lan tỏa, liên kết vùng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang được tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ hoặc chuẩn bị hoàn thành, do vậy theo tôi, năm 2024 sẽ không phát sinh nhiều nút thắt lớn trong lĩnh vực đầu tư công tuy nhiên vẫn cần lưu ý về việc cung ứng nguyên vật liệu, đất đắp nền khi các dự án triển khai đồng loạt.

Để đạt được hiệu quả trong thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, theo tôi, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần khẩn trương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, sáng tạo, tập trung phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, tiếp tục coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, vốn đầu tư công là “vốn mồi” đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực xã hội để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trường hợp phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung xử lý ngay theo thẩm quyền hoặc khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, tránh để vướng mắc tồn tại lâu ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân công trình, nhiệm vụ, dự án.

-Tại họp báo Chính phủ, ông có nói đầu tư công là công việc liên quan đến nhiều luật. Rút kinh nghiệm từ việc mới rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải giải thích khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công, theo ông các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tăng cường sự chủ động thế nào trước việc vận dụng pháp luật để làm sao vừa đảm bảo sự linh hoạt nhưng vẫn an toàn về pháp lý?

-Như tôi đã nói, đầu tư công không phải chỉ liên quan đến một luật mà trong từng khâu của dự án đầu tư công là một chuỗi các quá trình hoạt động liên quan đến rất nhiều quy định pháp luật, từ đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, lâm nghiệp, kiến trúc, khai thác khoáng sản, ngân sách nhà nước, lao động... Để đảm bảo việc áp dụng pháp luật, theo tôi, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

Thứ nhất, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực đầu tư công.

Thứ hai, thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chủ đầu tư, ban quản lý dự án mà đặc biệt là các cán bộ trực tiếp triển khai dự án; nghiêm túc tham gia các buổi tập huấn cơ chế, chính sách của các bộ chuyên ngành của pháp luật có liên quan đến quản lý đầu tư công.

Thứ ba, thường xuyên phối hợp với các bộ, địa phương đang triển khai những dự án tương tự, có những chủ đầu tư, ban quản lý chuyên ngành/khu vực lớn, nhiều kinh nghiệm, vận hành chuyên nghiệp (như các ban quản lý dự án giao thông trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, các ban quản lý dự án thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để học hỏi kinh nghiệm, mô hình hoạt động, áp dụng phương pháp tiên tiến, ưu tú trong triển khai, quản lý và thực hiện dự án đầu tư công.

Thứ tư, trong trường hợp có vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách do cách hiểu chưa thống nhất hoặc chưa rõ quy định thì cần phối hợp với các bộ chuyên ngành làm rõ, thống nhất trong triển khai thực hiện, vận dụng các quy định của pháp luật theo hướng linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm với từng cá nhân mà đặc biệt là người đứng đầu; đồng thời tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện để có cơ sở khen thưởng đi đôi với kỷ luật kịp thời, nghiêm minh trong triển khai dự án đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công.

-Với hiệu quả đồng vốn thì quan trọng nhất là tiến độ thực hiện, theo ông, thực tế hiện nay gợi mở cần rút gọn những khâu nào, công đoạn nào để qua đó có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai, qua đó nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công?

-Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quản lý đầu tư công hiện nay đã được các bộ chuyên ngành nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành theo hướng cơ bản đồng bộ, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân dự án. Theo tôi, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư công ở Việt Nam hiện nay đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên trên một số lĩnh vực liên quan đến đầu tư công vẫn cần phải có sự nghiên cứu, đơn giản hóa, tạo thuận lợi tối đa nhưng vẫn quản lý chặt chẽ chất lượng, hiệu quả dự án cũng như các tác động tới phát triển kinh tế - xã hội như lĩnh vực quản lý xây dựng, môi trường, khoáng sản, vật liệu thay thế, ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, để việc thực hiện dự án đầu tư công được thuận lợi, các bộ, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua tại các Nghị quyết, Chỉ thị, tiếp tục coi việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện tốt ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án hạn chế tối đa việc phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công... để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn; việc đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cũng cần thực hiện tốt, đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, bên cạnh đó kiên quyết thay thế chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoặc nhà thầu kém năng lực hoặc triển khai không đảm bảo tiến độ; đối với công tác bố trí vốn, cần làm tốt công tác kế hoạch để việc phân bổ vốn gắn với khả năng thực hiện.

Đối với thực hiện dự án, các bộ, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát, toàn diện, công khai, thận trọng và chặt chẽ; bên cạnh đó chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch thực hiện, giải ngân theo tuần, theo tháng, theo quý, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm đối với từng khâu, đảm bảo việc triển khai theo đúng tiến độ, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm. Đồng thời, thực hiện việc điều chuyển vốn một cách linh hoạt từ các dự án không có khả năng giải ngân hoặc dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ.

-Ông dự báo thế nào về những khó khăn chúng ta phải lường trước với công tác đầu tư công trong năm 2024 này?

-Năm 2024 được đánh giá là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh những thuận lợi, theo tôi công tác đầu tư công năm 2024 vẫn sẽ gặp một số khó khăn như tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, thiết bị cho các dự án đầu tư công; bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, sạt lở tiếp tục diễn biến bất thường có thể ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án (như việc thi công các dự án giao thông, thủy lợi phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu); ngoài ra, vẫn còn đó những khó khăn về nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, nhân công.

Tuy năm 2024 vẫn còn một số khó khăn nhưng với sự đồng lòng của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tôi tin rằng việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 sẽ gặp nhiều thuận lợi và nhiều khả năng sẽ hoàn thành giải ngân hết số vốn kế hoạch được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn bài viết : La Victoire E-Gaming Club

Top