Từ tháng 2/2022: người lao động được điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH |
Bốn trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ từ 1/2/2022 |
Nhu cầu tuyển dụng lao động lớn
Qua khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều. Bởi, các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100% (hiện có khoảng 70 - 75% doanh nghiệp, 50 - 60% lượng lao động so với trạng thái bình thường). Mặt khác nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân người lao động.
Tuy nhiên, vào khoảng tháng I/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất. Vì vậy, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.
Năm 2021, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân, nên mức độ thiếu hụt lao động cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022 không đáng kể.
Theo Sở LĐTBXH TP HCM, trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần tuyển khoảng 30.000 lao động và từ khoảng 75.000 lao động sau Tết.
Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người. |
Nhận định về thị trường lao động Hà Nội trong thời gian tới, đặc biệt là vào đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội cho biết, theo quan sát của đơn vị này, với sự kết hợp các biện pháp thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch theo Nghị quyết 128, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, thị trường lao động Thủ đô dự kiến sẽ tiếp tục khởi sắc và sôi động trở lại.
Nhận định về việc thiếu hụt lao động, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội đánh giá đến thời điểm này, có thể dự báo trên địa bàn Hà Nội sẽ không quá thiếu hụt lao động trong thời gian tới hoặc nếu có thì không đáng kể. Hiện thành phố vẫn đang trong quá trình kiểm soát tốt dịch bệnh dù số lượng các ca nhiễm mới tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang cho hay, 2 năm trở lại đây, trên địa bàn của tỉnh ít có trường hợp người lao động ồ ạt nghỉ việc sau Tết Nguyên đán. Sau Tết, lao động khu vực sản xuất ổn định, không bị thiếu hụt, biến động nhiều.
“Theo nắm bắt của chúng tôi, thị trường lao động của tỉnh ổn định. Chỉ có lao động đi làm việc khu vực phía Nam về quê mà thấy công việc ở quê phù hợp thì họ sẽ xin ở lại làm việc. Sau Tết một số doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, nên chỉ thiếu lao động làm công tác xây dựng, hoàn thiện công trình” - ông Huế nói.
Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, việc thiếu hụt lao động sẽ bớt căng thẳng khi các doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái bình thường mới.
Các biện pháp “giữ chân” lao động
Trước dịp Tết, các doanh nghiệp và các cấp công đoàn đã thực hiện tốt việc hỗ trợ các chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết và sẽ đón công nhân trở lại làm việc khi hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Đồng thời, các đơn vị đã chăm lo tốt cho những công nhân, lao động ở lại không về quê.
Cùng với tốc độ tiêm chủng vaccine nhanh, mặt khác các doanh nghiệp hiện nay đã chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ an toàn cho người lao động, những yếu tố này sẽ thu hút người lao động tiếp tục quay trở lại thị trường, nhất là số lao động trước đây đã dịch chuyển về quê.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, việc sớm có hệ thống dữ liệu đầy đủ về thị trường lao động đang là vấn đề cấp thiết. Khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, việc nhiều lao động rời thành phố về quê cho thấy thông tin về thị thường lao động rất thiếu và không có sự liên kết.
Thực tế, các địa phương đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc. Tuy nhiên, việc kết nối dữ liệu mới ở cấp độ cục bộ địa phương, chưa có tính thống nhất. Vai trò kết nối cấp Trung ương, cụ thể là Cục Việc làm rất yếu và thiếu.
Khuyến cáo của Bộ LĐTBXH, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động.
Cụ thể, cần có các chế độ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho người lao động yên tâm sản xuất. Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp nên thực hiện các biện pháp nhằm “giữ chân” lao động như chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua các nhóm trên mạng xã hội, Internet với người lao động.
Doanh nghiệp cũng cần thực hiện các chế độ hỗ trợ, phúc lợi người lao động như trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương, áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để “giữ chân” lao động…
Trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động mà Bộ LĐTBXH ban hành cuối năm 2021 đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc, như: Hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời...
DHL Global Forwarding Châu Á -Thái Bình Dương được công nhận là Nhà sử dụng lao động hàng đầu năm 2022 |
HAUFO phát động phong trào thi đua năm 2022 với 06 nội dung cụ thể |