Quê tôi sao lại thế này?

2025-01-17 19:21:31

Thanh niên thời đại mới

Nhiều thanh niên nông thôn giờ có điện thoại thông minh nhưng không mấy người sử dụng để kiếm tìm thông tin mà là đánh games. Máy tính nối mạng cũng lắm nhà có nhưng không phải để học hành mà là nghe nhạc, xem phim online, lướt facebook.

Bé thì cắm đầu vào học (mà việc học hành cũng vô cùng què quặt bởi bệnh hình thức và gian lận). Lớn thì chuyện thời sự chính trị, xã hội chẳng quan tâm dù phương tiện thông tin đại chúng từ đài thôn, đài xã, đài huyện, đài tỉnh, đài trung ương đến báo giấy, báo mạng đủ cả.

“Hỏi ông nào đang lãnh đạo huyện mình, tỉnh mình chúng không biết đã đành mà ở ngay cấp xã quê mình nhiều đứa cũng không, may ra biết được trưởng công an vì để tiện xin xỏ khi quên đội mũ bảo hiểm.

Rất ít người mở mạng lên để xem thời sự, để học một cái nghề gì đó cho ra hồn. Không bao giờ quan tâm đến hoạt chất, hạn sử dụng của thuốc BVTV nên nay phun thuốc này không đỡ, mai lại phun thuốc khác dù cùng là một hoạt chất. Nhiều người tiếng là nông dân, chân đen kít từ móng lên đến tận đùi nhưng nếu chỉ hỏi một câu đơn giản, đạo ôn khô vằn khác nhau thế nào cũng không biết”, anh Hùng chua chát nhận xét.

Đinh Văn Trưởng 20 tuổi ở làng Tranh Đấu (xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, Hải Dương) thú thực rằng mình vào mạng nhưng không bao giờ đọc báo mà chỉ lướt facebook, xem status của bạn bè xem có cái gì mới khoe không. Em không hề biết Việt Nam có bao nhiêu tỉnh thành, khoảng bao nhiêu triệu người.

Phạm Duy Bình, 20 tuổi ở làng Tranh Đấu là một cậu ấm thực sự vì được người mẹ đang đi lao động xuất khẩu chiều chuộng hết mực, gửi cả cục tiền về mua cái xe SH 75 triệu để cho cậu lượn lờ, bát phố. Ở nhà một mình, lịch một ngày của Bình là 9 giờ sáng ngủ dậy, ăn qua quýt cái gì đấy rồi trưa sang bà ngoại ăn, tối cũng sang ăn.

Khuya về không túm năm tụm ba với đám bạn chuyện trên giời, dưới bể, Bình lại lướt mạng. “Em thích xem những tin tức gì nổi nổi kiểu giết chết liền một lúc mấy mạng người, công an chặn xe người dân”, Bình sôi nổi kể.

Vũ Văn Hiến 22 tuổi người xóm Bòng, bạn của Bình góp thêm chuyện bằng một câu hỏi: “Em mới nghe thấy có tin thịt người bán ở miền Tây không biết có đúng không hả anh?”. Tôi lắc đầu, hỏi ước mơ của em. Hiến đáp: “Em muốn làm ông chủ”. Tôi hỏi Đặng Văn Thức, 21 tuổi cùng nhóm bạn của Bình, khi ra ngoài xã hội có tự tin không, em đáp: “Không, vì em không có nghề nghiệp gì”. Vậy em thích nghề gì? Tôi hỏi tiếp. “Em thích làm nghề gì không mệt mà lại lương cao anh ạ!”. Em thích đọc tin tức gì? Tôi hỏi tiếp. Em hồn nhiên đáp: “Đánh nhau, giết nhau”.

Không được trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như cách đối nhân xử thế lại bị “ném” vào đời rất sớm nên nhiều thanh niên nông thôn vừa tự ti lại vừa rất liều lĩnh. Cái xấu mọc lên như nấm độc sau mưa. Theo thống kê chưa đầy đủ, Gia Xuyên có khoảng trên dưới 20 đối tượng nghiện và nghi nghiện, tập trung nhiều nhất ven khu vực chợ dưa hấu xuyên Nam Bắc.

Nỗi đau làng

Cách đây chưa lâu lắm, một chị người Tranh Đấu về làng rủ hàng xóm đi Trung Quốc lấy chồng. Dù chẳng biết sang đó ở đâu, lao động thế nào, làm vợ cho một người hay cho cả hai ba người nhưng dăm bảy người cũng nô nức kéo đi, trong đó có cả hai chị em ruột.

Trưởng thôn Tranh Đấu Hồ Văn Thịnh chợt thở dài đến thượt khi nhắc đến chuyện hai người con em của họ mình bị lừa phỉnh sang Trung Quốc lấy chồng dạo ấy. Sau dăm bảy năm cũng có người tìm được đường về cố quốc, về làng cũ. Bà con xúm đến hỏi sống ra sao họ cũng bảo sướng lắm, thích lắm cho qua chuyện.

Chỉ đến đêm hôm khuya khoắt tâm sự với mẹ cha, anh chị thì những giọt nước mắt mới chảy thành dòng khi hồi ức lại quãng đời mưa gió xứ người. Nỗi nhục như một cái gai đâm ngược vào tim những người thân không nhể ra được.

Giờ đây, trong những ngày tháng của tuổi bảy mươi, bà Xim vẫn phải quần quật làm đủ thứ để lo tiền ăn mặc cho hai người cháu.

Hết cơn sốt thôn nữ vơ quàng chồng ngoại lại đến cơn sốt đi lao động xuất khẩu. Bà Lê Thị Xim người thôn Tranh Đấu đến giờ vẫn còn ứa nước mắt mỗi khi có ai nhắc đến Lê Thị Huệ - đứa con gái đi xuất khẩu lao động rồi mất tích.

Dân làng thì thào bảo con Huệ nhà bà Xim chẳng khác nào khẩu súng trường, thỉnh thoảng lại bắn “đùng một phát” khiến cho người thân, chòm xóm ngơ ngác. Đùng lần thứ nhất là chuyện cô không chồng mà lại có con. Đùng lần thứ hai là chuyện cô đi Malaysia mấy năm làm lao động nhưng khi về chẳng mang đủ 40 triệu để trả nợ cho mẹ tiền chạy chọt đã đành mà lại mang một cái bụng lùm lùm về, góp thêm cho bà một đứa cháu không có cha nữa.

Đùng lần thứ ba, những tưởng cô yên ổn với ruộng đồng nhưng khi đứa con còn đỏ hỏn, một người hàng xóm chẳng biết dỗ ngon ngọt thế nào, Huệ lại đi. Chị hàng xóm một hai động viên với bà Xim rằng: “Bà còn khỏe trông hộ con cho Huệ. Hai chị em cháu đợt này đi làm cùng công ty nên đùm bọc nhau không lo bà ạ”.

Nghe thấy thế bà cả mừng mà rằng: “Cháu giúp đỡ em nó với!”. Vậy là thân già lại đôn đáo vay ngân hàng lẫn vay nóng bên ngoài, được tất cả 40 triệu dúi cho chị ta. Sau buổi nói chuyện độ hơn một tuần thì Huệ lên taxi đi. Thấy chị hàng xóm không theo cùng, bà Xim thắc mắc thì được trả lời rằng: “Cháu đi đợt khác, 2 tháng sau cơ”.

Chiếc xe rời ngõ, để lại một làn khói mỏng tang. Bà Xim vẫn còn chưa tỉnh cơn mê. Không biết công ty nào tuyển dụng, sang đó làm gì, sống ở đâu. Hơn 2 năm đã trôi qua, Huệ vẫn mất tích dù rằng sau đó vài tháng, chị hàng xóm cũng xuất ngoại, gọi điện về báo cho gia đình.

Dân làng xì xào con Huệ chưa chắc đã sang được Malaysia mà có khi vẫn còn ở Việt Nam hoặc bị bán đi Trung Quốc rồi cũng nên khiến lòng bà càng thêm rối. Thắc mắc đòi con nhiều lần với người thân của chị hàng xóm thì chị ta nhắn: “Chúng cháu không gặp được nhau ở bên này, lần sau bà đừng hỏi nữa”.

Giờ đây, trong những ngày tháng của tuổi bảy mươi, bà Xim vẫn phải quần quật làm đủ thứ để lo tiền ăn mặc cho hai người cháu. Giữa bao lo toan, bề bộn của cuộc sống, thỉnh thoảng bà lại nhớ lời đứa con nói với mình trước khi lên xe đi rằng: “Mẹ gắng chăm cháu hộ con, ít bữa nữa con gửi tiền về”.

Trong căn nhà cấp bốn trống hoác, tài sản không có gì dù chỉ là một chiếc xe đạp nát, mấy bà cháu lủi thủi vào ra. Đứa lớn có suy nghĩ rồi không kể nhưng đứa bé do mẹ đi lúc nó còn quá nhỏ nên chỉ duy nhất một lần hỏi bà về đấng sinh thành rồi quên bẵng. Ngoài kia, gió lạnh vẫn ù ù thốc tháo thổi những hạt mưa bụi tạt vào khiến cho cái bóng đèn tròn trong nhà chợt chao nghiêng.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam

Nguồn bài viết : Tin xổ số

Top