Nhân viên phát chanh miễn phí cho người dân chiều 21-8
Chiều 21/8, từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt qua facebook, hơn 4 tấn chanh mà công ty thực phẩm gia đình Anco ở quận 3, TP.HCM mua ở Đồng Tháp, đã phát hết cho người dân ở TP.HCM. Công ty tiếp tục đặt mua thêm gần 3 tấn chanh để tiếp tục phát cho người dân vào thứ hai tuần tới.
Đây là chương trình giúp đỡ nông dân miền Tây của công ty vì giá chanh tại các địa phương này bị thương lái ép giá, chỉ mua với giá 2000 đồng/kg. Công ty đến đã về Đồng Tháp, mua với giá 5000 đồng/kg mang về phát cho người dân. “Khi đến nhận chanh, ai có hảo tâm muốn góp bao nhiêu thì góp. Số tiền thu được, công ty sẽ mua quà và các vật dụng cần thiết cho người già neo đơn trong viện dưỡng lão”, chị Xuân Ba, nhân viên của công ty cho biết.
Thực tế giá chanh trên thị trường hiện nay giao động từ 10.000 – 15000 đồng/kg nhưng đang bị các thương lái ép giá.
Chuyện chanh… chua
Sáng nay đi chợ thấy chanh rẻ quá, hỏi chị bán sao rẻ vậy? Chỉ nói chanh vô mùa dội hàng chú ơi! Tự nhiên thấy vui, rồi lại thấy buồn. Vui, vì cũng ngần ấy tiền hôm nay mua được nhiều chanh hơn. Buồn, vì chợt nghĩ đến nỗi cần lao của những người làm vườn. Vậy là mình đang tự mâu thuẫn với chính mình rồi! Mở đề lòng vòng như trên, là để dẫn dắt đến câu chuyện vị chua của trái chanh, vị “vừa chua vừa đắng” của nhà vườn trồng chanh ở Bình Thạnh – Cao Lãnh, ở An Hiệp – Châu Thành và đâu đó ở xứ mình khi mà giá chanh rớt thê thảm trong những ngày gần đây. Không “chua”, không “đắng” sao được khi giá “Cả ký chanh không bằng ổ bánh mì!”. Một vụ mùa mấy tháng trời với bao nỗi vất vả, bao nhiêu chi phí, bao nhiêu là kỳ vọng để đến khi thu hoạch thì như vậy. Rồi tiền đâu lo cho con cái học hành, tiền đâu sửa sang lại ngôi nhà cho tươm tất, tiền đâu giỗ quải, cưới hỏi, tiền đâu dành dụm phòng khi nay ốm, mai đau? Thực trạng cây trái xứ mình sao đầy rẫy rủi ro, nhà vườn sao đầy lao đao lận đận như một vòng lẩn quẩn: kỳ vọng rồi thất vọng, thất vọng rồi vẫn mần tiếp, rồi lại kỳ vọng và phấp phỏng. Thì đó, hết vị “cay xè” của hành tím Sóc Trăng, vị “nhạt nhẽo” của dưa hấu miền Trung và mùa này là vị “chua chát” của chanh, nỗi “nấc nghẹn” của khoai lang tím, khoai môn quê mình. Đã biết tái cơ cấu nông nghiệp là việc không hề dễ dàng vì sự đỏng đảnh, trái gió trở trời của “ông thị trường”. Ai đứng bên cạnh nhà vườn những lúc như vậy đây? Hay lại đổ thừa cho thương lái ép giá? Hay lại đổ cho nông dân chạy theo đám đông, không chịu “sản xuất theo thị trường”? Đã là một quy luật bất biến, cái gì dư thừa thì giá rẻ, không ai cưỡng lại được, chỉ còn có nước tìm giải pháp hạn chế rủi ro mà thôi! Thì đó, có anh chủ vườn chanh lên đài nói sẽ rải vụ; thì đó, có cô nhà vườn khác nói sẽ chế biến những thứ có thể để lâu hơn, giá trị cao hơn, để bớt dư thừa đi. Lướt sơ trong mạng thấy người ta chế biến nhiều món ngon từ trái chanh, như: bánh chanh, mứt chanh, kẹo chanh, kem chanh, đặc biệt nước cốt chanh còn mần được nhiều chuyện, trong đó có công năng làm đẹp da cho các chị, các em; còn riêng cái món chanh muối thì khỏi nói rồi phải không? Ở xứ Thái Lan, từ trái xoài, trừ những trái loại ngon nhứt người ta xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Tây Âu… hoặc tiêu dùng nội địa, những loại trái còn lại hoặc phụ phẩm người ta mần ra cả hai ba chục món, nào là mứt xoài, kẹo xoài, nước sinh tố xoài đóng chai, dầu thơm, xà bông, kem dưỡng da, sáp thơm, thực phẩm chức năng và miên man các sản phẩm giá trị gia tăng khác với bao bì đẹp, xanh – đỏ – tím, rất bắt mắt, từ già đến trẻ nhìn tới là muốn mua ngay! Như vậy, giá trị đâu chỉ ở trái chanh tươi, trái xoài, củ khoai lang, khoai môn…! Cái nghèo buộc tất cả chúng ta phải trông rộng, nhìn xa, không được chần chừ, chậm chạp! Nếu bà con xứ mình cùng đồng hợp tác với nhau, cùng suy nghĩ xem có thể sản xuất sao cho chi phí thấp nhất, rồi chế biến gì từ cây trái trồng ra để đặt hàng Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp hỗ trợ mình mần tới. Tất nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”: kỹ thuật, công nghệ ở đâu, vốn liếng ở đâu, buôn bán ở đâu, chứ không phải cứ muốn là được. Khi ấy thì rất cần đến các cấp chính quyền, đến ngành nông nghiệp, ngành công thương, cơ quan xúc tiến thương mại để quảng bá, tiếp thị cho bà con… Nhưng gì thì gì, phải bắt đầu từ sự không cam chịu của bà con mình, từ sự sẵn lòng thay đổi của từng nhà, từng cộng đồng. Người ta mần được thì hà cớ gì mình hổng mần được? Tái cơ cấu nông nghiệp đôi khi hổng phải từ những điều to tát lắm đâu, mà cần nhất là sự sát cánh giữa cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, ngành chức năng với bà con nông dân. Đừng để bà con mình bơ vơ!... |
Theo Pháp luật TP.HCM - Thế giới tiếp thị
Nguồn bài viết : TK Keno bổ sung