Ảnh minh họa |
Mỹ chính là đất nước sở hữu công ty công nghệ giá trị nhất thế giới, đứng đầu trong phần mềm, smartphone, thương mại điện tử, tìm kiếm và mạng xã hội. Trung Quốc nổi lên trong 5 năm qua cùng với Tencent và Alibaba. Vốn hóa không chỉ là thước đo của thị trường với các công ty này mà còn cho thấy tiềm lực tài chính mà họ có để thực hiện M&A, tuyển dụng nhân tài, huy động vốn, đầu tư vào công nghệ mới.
Mỹ từ lâu là thị trường Internet quan trọng nhất thế giới. Tuy nhiên, dân số Trung Quốc cho phép nước này vượt qua Mỹ về quy mô. Người dùng di động Trung Quốc gấp 4 lần Mỹ, mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nội địa trong mọi lĩnh vực, từ thương mại điện tử, nhắn tin đến game và thanh toán điện tử.
Mỹ phát minh ra công ty đầu tư mạo hiểm, sử dụng mô hình vốn tư nhân để tạo ra nhiều hãng công nghệ giá trị nhất. Đây vẫn là một lợi thế của Mỹ, song Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách. Điều đó dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các startup tỷ đô của nước này. Bytedance là đại diện xuất sắc nhất hiện tại với giá trị ước tính khoảng 75 tỷ USD.
Bán dẫn nằm vị trí trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ. Những công ty Mỹ đang có lợi thế khi kiểm soát phần lớn tài sản sở hữu trí tuệ hàng đầu và vượt xa Trung Quốc về sản lượng. Công ty chip của Huawei, HiSilicon, là công ty bán dẫn lớn nhất Trung Quốc với doanh thu 6,7 tỷ USD năm 2018. Nó chỉ bằng 1/10 so với doanh thu của Intel. Chưa kể, công ty bán dẫn Trung Quốc cần phần mềm của Cadence và Synopsys để thiết kế và thiết bị của Applied Materials và Lam Research để sản xuất con chip vật lý.
Alexander Graham Bell là người phát minh ra điện thoại, biến Mỹ trở thành người tiên phong về viễn thông trên thế giới. Song, những ngày ấy đã qua lâu rồi. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Mỹ đánh mất thị trường trong hai thập kỷ vào tay của bộ ba nhà cung ứng nước ngoài. Huawei chính là công ty mạnh nhất, đi đầu về phát triển công nghệ 5G.
Nói đến các chuyên gia AI được săn đón nhất, Trung Quốc vẫn đang chơi đuổi bắt. Tính tới cuối năm 2017, Mỹ đứng đầu thế giới với hơn 28.000 chuyên gia, so với 18.000 của Trung Quốc, theo ước tính của Đại học Quản trị và chính sách công Tsinghua. Khoảng cách này có thể thu hẹp. Trong báo cáo năm 2016 của Diễn đàn kinh tế thế giới, Trung Quốc có 4,7 triệu cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, trong khi Mỹ chỉ có 568.000.
Trong hai thập kỷ qua, Apple và các hãng công nghệ lớn khác của Mỹ đua nhau chuyển dây chuyền sản xuất và lắp ráp sang Trung Quốc. Foxconn, đối tác sản xuất iPhone lớn nhất cho Apple, đã thuê khoảng 1 triệu công nhân vào thời kỳ cao điểm. Công nhân Mỹ có năng suất lao động/giờ cao hơn và xử lý các công nghệ nhạy cảm như hàng không. Song, ngay cả khi chỉ tính giá trị gia tăng trong sản xuất, Trung Quốc vẫn vượt xa Mỹ.
Kết luận: Cũng như các biện pháp trả đũa thuế quan, không có người chiến thắng rõ ràng khi cuộc chiến công nghệ ngày một sâu sắc.
Nguồn bài viết : Thể thao