TƯ LIỆU ĐỊA PHƯƠNG

7 nước châu Á đón Tết cổ truyền tại Hà Nội

2024-12-20 18:51:18

7 nước châu Á đón Tết cổ truyền tại Hà Nội

Tắm tượng phật, té nước cầu may, buộc chỉ cổ tay… là những nghi lễ truyền thống được thực hiện tại chương trình Giao lưu hữu nghị chúc mừng Tết cổ truyền một số nước châu Á diễn ra ngày 26/4 tại Hà Nội.

------------------------------

Chương trình do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội (HAUFO), Đại sứ quán Lào tại Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Đại sứ quán Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka tổ chức.

Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện Đại sứ quán 14 nước tại Việt Nam cùng hơn 250 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, lưu học sinh các nước đang học tập tại Việt Nam…

Tết cổ truyền của một số nước châu Á là lễ hội truyền thống đã có từ lâu đời, được tổ chức vào giữa tháng 4 hàng năm. Tại mỗi nước, Tết cổ truyền lại có tên gọi khác nhau như: Lào - “Bun Pi May”, Campuchia - “Chol Chnam Thmey”, Thái Lan - “Songkran”, Myanmar - “Thing Yan”…


Tại buổi lễ, các đại biểu cùng tham gia các nghi lễ truyền thống như: lễ tắm tượng phật…

…lễ buộc chỉ cổ tay…

…té nước cầu may…

…lễ hội sắc màu (holi)…

Ngoài ra, các đại biểu cũng thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống do các nghệ sĩ Việt Nam cùng cán bộ các đại sứ quán và lưu học sinh của các nước biểu diễn.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội cho biết, đây là lần thứ 20 chương trình được tổ chức, nhận được sự hưởng ứng không chỉ của các quốc gia châu Á mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới như Cuba, Venezuela… Lễ hội chưa được tổ chức ở bất kỳ quốc gia nào khác cho thấy Hà Nội cũng như Việt Nam là một địa chỉ đáng tin cậy, yêu chuộng hòa bình.

Gửi lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng đến bạn bè quốc tế, ông Nguyễn Ngọc Kỳ hy vọng, những nghi lễ, tiết mục mang đậm màu sắc văn hoá cổ truyền của mỗi nước trong chương trình sẽ giúp các bạn được sống trong không khí của ngày Tết cổ truyền trên quê hương mình.

Theo Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao, chương trình đã tạo cơ hội cho người dân Việt Nam, người dân thủ đô Hà Nội và bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về lễ hội truyền thống, văn hóa lâu đời của các nước châu Á. Nhân dịp này, Đại sứ đã giới thiệu về lễ hội Bunpimay truyền thống của Lào với ý nghĩa xua đi những điều không tốt không lành và chúc tụng, cầu mong cho nhau một năm mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đâm chồi, nảy lộc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cầu mong cho đất nước thanh bình, thịnh vượng.

Bạn Khin Kant Kaw (Myanmar), sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà. Dù vậy, tôi cảm thấy rất gần gũi bởi văn hóa Việt Nam và Myanmar có nhiều điểm tương đồng. Đối với người Myanmar, Tết cũng là ngày lễ lớn nhất trong năm, là dịp đoàn tụ gia đình. Trẻ em cũng được nhận tiền lì xì và được dạy làm nhiều điều tốt vào những ngày đầu năm mới. Dù có đôi chút nhớ nhà nhưng đón Tết tại Việt Nam vẫn khiến tôi cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc.

Với 4 lần đón Tết tại Việt Nam, bạn Paphonesouk Mounsurisack (Lào), sinh viên Trường đại học giao thông vận tải cho biết đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Bạn cũng thấy hào hứng khi được hát và múa các ca khúc quê hương, giới thiệu đến các đại biểu và bạn bè các nước văn hoá và phong tục Lào.

Thực hiện: Mai Anh

Ảnh: Đinh Hòa

Top