Đón Tết trên đất Bạn

2025-01-17 19:21:14
Tết Té nước - ngày hội đoàn kết của nhân dân ASEAN
Người Lào tại Việt Nam đã có địa chỉ chọn quần áo đẹp đón Tết

Ông Khamkeo Vôngphila (Bản Kơn Nưa, huyện Thurakhôm, tỉnh Viêng Chăn, Lào):

Tôi mong sớm ngày gặp lại bố mẹ Việt

Năm 1968, chiến tranh khiến gia đình ly tán, tôi phải rời quê Xiêng Khoảng (Lào) sang Việt Nam lúc 13 tuổi. Nơi tôi ở đầu tiên trên nước Việt Nam là gia đình chị Xuân Kim. Hàng ngày chúng tôi ăn cơm ở khu bếp chung dành cho trẻ em Lào sơ tán. Tối về tôi ngủ với em trai chị Kim, chúng tôi rất thân nhau. Được 3 tháng thì chính quyền địa phương chuyển tôi về tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) để đi học cho gần trường.

Món quà mừng năm mới ông Khamkeo nhận được từ gia đình Việt Nam và đã theo ông suốt hơn nửa thế kỷ qua (Ảnh: NVCC).

Ngày chia tay, chị Kim và em trai mỗi người tặng tôi một tấm thiệp mừng, giữa thiệp chị kẹp một tờ 5 hào và một tờ 10 xu tiền giấy. Lúc đó chưa biết tiếng Việt, tôi không biết ý nghĩa những dòng chữ chị viết. Sau này đọc hiểu những dòng chữ “Chúc mừng năm mới”, “Tặng em! Chúc em ngoan, vui khỏe, hồn nhiên, yêu đời. Gắng học tập và công tác để đạt ước mơ mà em hằng mong muốn. Chúc em như đóa hoa xuân đầy mộng đẹp…”, tôi mới biết thời điểm chia tay gia đình chị Kim, Việt Nam đang chuẩn bị đón Tết và đó là món quà mừng năm mới chị cùng em trai tặng cho tôi. Mỗi lần đón năm mới, tôi lại nhớ đến bố mẹ, những người anh, người chị Việt Nam của tôi; nhớ ngày Tết cổ truyền Việt Nam và những lần đón Tết Lào tại Việt Nam.

Ông Khamkeo và người mẹ Việt của mình (Ảnh: Đại Sơn).

Thời gian đón năm mới của Việt Nam và Lào khác nhau, phong tục lễ tết mỗi nơi một khác, nhưng điểm chung đó đều là thời điểm các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum họp. Bố mẹ lại đón những đứa con xa nhà trở về. Con cháu có dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên, bày tỏ tấm lòng hiếu kính với bố mẹ. Tất cả cùng quây quần dưới mái nhà, cùng nhau chuyện trò hỏi han cho thỏa những ngày xa cách, nhung nhớ, cùng thưởng thức hương vị của những món ăn thân thuộc và cùng nhau cầu chúc một năm mới an lành, sung túc.

Một năm mới nữa lại về với người dân Lào. Tôi mong sao những người thân của mình ở hai quê hương Việt - Lào luôn có nhiều sức khỏe. Tôi cũng mong sớm ngày được trở lại Việt Nam gặp bố mẹ Việt và bạn bè mình.

Soudalath Xayyalath, lưu học sinh Lào trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên:

Mong mỗi năm đều được trở về rửa chân cho bố mẹ

Theo phong tục của người Lào, năm mới là dịp để mỗi người con tạ lỗi với bố mẹ về những điều khiến bố mẹ buồn lòng dù vô tình hay cố ý. Rửa chân cho bố mẹ là nghi thức để bố mẹ tha thứ và cầu chúc cho cuộc sống của con cái gặp nhiều may mắn, thuận lợi.

Soudalath Xayyalath, lưu học sinh Lào trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (Ảnh: NVCC).

Vào ngày Tết của những năm trước, em thường chuẩn bị khăn, nước thơm gồm nước sạch, hoa và dầu thơm. Trước khi rửa chân cho bố mẹ, em sẽ quỳ trước mặt bố mẹ, vái lạy một lạy để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục và xin bố mẹ tha thứ cho những lỗi lầm mình đã gây ra, sau đó cẩn thận, nhẹ nhàng rửa chân cho bố mẹ rồi lau khô. Mỗi lần như vậy, em đều thầm mong bố mẹ luôn mạnh khỏe để hàng năm em lại được rửa chân.

5 năm nay em đi học xa nhà và đón Tết cổ truyền Bunpimay ở Việt Nam. Tình cảm, sự quan tâm của thầy cô, bạn bè Việt Nam giúp em phần nào nguôi đi nỗi nhớ nhà nhưng điều em tiếc nhất là không thể thực hiện nghi thức rửa chân cho bố mẹ vào ngày Tết. Em cũng tiếc không có cơ hội được gặp trực tiếp để tỏ chút lòng hiếu kính đến bố mẹ. Ở Lào cùng với tục rửa chân, những người con còn biếu bố mẹ chút quà tùy theo khả năng của mình, giống như lì xì năm mới ở Việt Nam.

Em đang đi học xa nhà nên chỉ có thể gửi chút tiền nhờ chị gái thay em biếu bố mẹ. Số tiền giá trị không lớn, chỉ khoảng 200.000-300.000 kíp Lào (chưa đến 500.000 nghìn tiền Việt Nam) nhưng đó là tấm lòng của em đối với bố mẹ, mong năm mới bố mẹ luôn mạnh khỏe, an lành.

Nhìn lại một năm đã qua, em thấy mình làm được nhiều điều. Em vốn chỉ đặt mục tiêu thi qua các môn nhưng cuối cùng em đều đạt điểm xuất sắc các môn học, đó là niềm vui khi em ra trường. Những năm trước cũng vậy: Năm thứ nhất đại học, em từng lo lắng mình sẽ phải nghỉ học vì không theo kịp chương trình. Bố mẹ biết chuyện luôn động viên, an ủi em rằng nếu không học được thì về nhà tìm một nghề nào khác phù hợp để làm ví dụ như buôn bán. Thấy bố mẹ luôn động viên, chia sẻ, không hề tạo áp lực cho mình, em lại càng muốn cố gắng. Sau này khi em đã quen với chương trình học ở Việt Nam rồi, bố mẹ bảo em không cần đạt điểm A, cứ thi qua môn là được rồi. Mỗi lần được bố mẹ khích lệ, động viên như vậy em lại có thêm động lực để phấn đấu.

Em mong ước có điều kiện học tiếp lên cao học, sau đó trở về Lào làm giáo viên môn Vật lý vì ở Việt Nam em đã được học rất nhiều kiến thức hữu ích còn các trường phổ thông của Lào rất thiếu giáo viên Vật lý. Em cũng lo lắng với điều kiện kinh tế hiện nay, con đường thực hiện ước mơ ấy sẽ gập ghềnh hơn nhưng em cũng tin chỉ cần luôn nhớ đến ước mơ đó, một ngày nào đó em sẽ đạt được.

Bounxay Bounmixay, lưu học sinh lớp TV1, trường Hữu nghị T78:

Nhớ cảnh quây quần bên gia đình, bạn bè ngày Tết

Năm nay là năm đầu tiên em đón Tết xa nhà. Em nhớ bố mẹ, anh chị em, nhớ hương vị các món ăn của Lào. Bố em rất thích nấu ăn. Em là con trai cả trong nhà nên thường giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Mỗi khi bố vào bếp em thường xuyên quan sát để học hỏi. Dần dà em biết cách nấu những món đơn giản rồi đến những món phức tạp hơn.

Bounxay Bounmixay (thứ hai từ trái sang) tham dự chương trình trải nghiệm thực tế ở gia đình Việt tháng 3/2023 (Ảnh: Thành Luân).

Lào có rất nhiều món ăn ngon như: Mộc khay, một món ăn dân gian được chế biến từ rêu nước. Rêu nước sau khi rửa sạch sẽ được trộn với các gia vị như: muối, ớt, xả, thịt lợn 3 chỉ...và được gói bằng lá chuối, rồi được nướng lên, hầm lên, đồ lên ăn rất ngon. Sụp phắc là món ăn được làm từ các loại rau tạp đun lên cho chín, sau đó trộn với các gia vị đủ ngon là ăn liền. Lạp là món ăn đặc sản, được chế biến bằng thịt trâu, thịt bò băm nhỏ, được trộn với các loại rau thơm, muối, ớt, nước mắm, thính... Món lạp có thể ăn sống hoặc ăn chín. Lạp cũng là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình Lào vào ngày Tết. Em nhớ cảm giác cả nhà quây quần bên nhau cùng thưởng thức những món ăn truyền thống ngày Tết. Mọi người cùng chia sẻ những kế hoạch, dự định cho năm mới. Nghe những câu hỏi han, trò chuyện, nghe những tiếng nói cười và ngắm nhìn nét mặt hạnh phúc của bố mẹ, anh chị em khi thưởng thức những món ăn em nấu, em rất hạnh phúc.

Năm mới em mong nói được nhiều tiếng Việt hơn và hoàn thành tốt chương trình học ở Việt Nam và sớm được trở về Lào thăm gia đình.

Chhun Simey, lưu học sinh Campuchia trường Đại học Xây dựng:

Nhớ hương vị ngọt, bùi của món cà ri

Chhun Simey, lưu học sinh Campuchia trường Đại học Xây dựng (Ảnh: NVCC).

Đã đón 7 cái tết xa nhà, song hương vị Tết em nhớ nhất vẫn là vị ngọt, bùi của món cà ri, món ăn không thể thiếu trong ngày tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia.

Theo tục lệ của người Campuchia, trong ngày đầu năm mới, mỗi gia đình sẽ đem thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên, sau đó cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức món cà ri thơm lừng. Người Campuchia quan niệm, màu vàng của cà ri tượng trưng cho sự may mắn.

Cà ri của Campuchia giống món cà ri của Thái Lan nhưng được gia giảm ớt để những người không ăn được cay và trẻ em có thể dùng được. Món ăn này chế biến từ thịt heo, thịt bò hay thịt gà với nghệ, khoai tây, cà rốt, nước cốt dừa, sả và cà ri Kroeung.

Để em thấy như đang ở nhà, bố mẹ gọi zalo cho em mỗi ngày, cho em xem cảnh sửa sang, quét dọn, trang trí nhà cửa; cảnh bố mẹ chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho ngày tết. Đêm giao thừa, bố mẹ gọi điện chúc em năm mới mạnh khỏe, bình an, gặp nhiều may mắn.

Nhìn bố mẹ mỗi ngày một già đi, em mong sớm được về nhà ăn cơm mẹ nấu. Tháng 5 này ra trường, em sẽ trở về Campuchia tìm việc và chăm sóc bố mẹ.

Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam:

Giữ truyền thống tắm Phật để tỏ lòng thành kính và cầu mong may mắn

Tôi đến Việt Nam từ tháng 12/2019 và đã đón 4 tết Songkran tại Việt Nam. Vào dịp này, tôi thường đi chùa cầu mong một năm mới tốt lành, gặp gỡ bạn bè, cùng đón năm mới. Tại Đại sứ quán Thái Lan, vào dịp Songkran, chúng tôi tưới nước thơm lên tượng Phật ở khuôn viên Đại sứ quán, bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần và cầu mong may mắn. Chúng tôi cũng rót nước thơm lên tay ngài Đại sứ. Đây là phong tục Rod Nam Dam Hua, tức là rót nước thơm lên tay những người lớn tuổi để bày tỏ lòng kính trọng và xin lời chúc may mắn cho năm mới.

Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Ở Việt Nam, chúng tôi chỉ tổ chức những buổi gặp gỡ, đón năm mới nhỏ với bạn bè, đồng nghiệp. Lễ hội ở Thái lớn hơn và kéo dài hơn nhiều. Cũng như Tết ở Việt Nam, vào dịp Songkran, người Thái đi thăm và tặng quà cho họ hàng.

Ở Thái, vào dịp Songkran, mọi người thường ăn Khao Chae (gạo ngâm nước lạnh). Đây là món ăn truyền thống của người Thái, làm từ gạo nhài Thái ngâm trong nước thơm lạnh, ăn kèm với nhiều món đa dạng như thịt lợn, thịt bò xé sợi nấu với đường, hành nhồi... Món ăn này cầu kỳ và mất nhiều thời gian chuẩn bị nên khá khó tìm ở Việt Nam.

Năm nay là năm cuối cùng tôi công tác tại Việt Nam. Hy vọng trong năm mới, tôi sẽ đạt được nhiều kết quả mới trong công việc và có thêm cơ hội khám phá nhiều địa phương của Việt Nam.

Chôl Chnăm Thmây - Lễ hội lớn, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer
Ngày Tết ấm áp của lưu học sinh ở các ngôi trường hữu nghị

Nguồn bài viết : CMD Thể Thao

Top