Đây là chiến dịch truyền thông nằm trong khuôn khổ chiến dịch iCHANGE Plastics. Với hình ảnh sáng tạo “Gia vô vị”, là 4 chiếc lọ gồm “Lá Take-away” làm từ ly nhựa, “Khoanh tráng miệng” làm từ ống hút nhựa, “Hạt đã khát” làm từ chai nhựa và “Vỏ Shopping” làm từ túi nylon, chiến dịch muốn nhấn mạnh sự hiện diện của các hạt vi nhựa trong chuỗi thức ăn hàng ngày của con người thông qua sinh vật biển, đặc biệt là hải sản.
Theo đó, chiến dịch muốn nâng cao nhận thức của công chúng về tác hại của những sản phẩm nhựa dùng một lần đến sức khỏe con người, đồng thời kêu gọi sự hành động của mọi người trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm dần và tiến tới loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ông Nguyễn Trần Tùng, Giám đốc Truyền thông CHANGE, cho biết: “Thay vì truyền tải các thông điệp kêu gọi giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần theo cách thông thường, lần này chúng tôi đã chọn một cách tiếp cận thú vị và sáng tạo hơn để có thể thu hút sự chú ý của công chúng đến với vấn nạn này. Tôi hi vọng chiến dịch sẽ lan tỏa thật rộng rãi và nhận được sự chung tay tham gia của mọi người, tất cả vì một Việt Nam không rác nhựa”.
Có thể nói, việc sử dụng quá đà các sản phẩm nhựa dùng một lần vì tính tiện lợi của người dân hiện nay đã tạo ra gánh nặng rất lớn đến môi trường, đồng thời gián tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ của mỗi người trong thời gian dài nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mực.
Trong khi đó, ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề đáng báo động toàn cầu, nhất là trong những năm gần đây, với khoảng 8,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đại dương mỗi năm. Hiện đại dương đang có khoảng 5,25 nghìn tỉ miếng rác nhựa, nặng khoảng 269.000 tấn trôi nổi trên biển và một con số lớn hơn rất nhiều là lượng rác chìm sâu trong đại dương.
Một số nghiên cứu cho thấy, mỗi km2 đại dương có chứa khoảng 4 tỉ hạt vi nhựa đang làm ô nhiễm các vùng biển sâu và có nguy cơ cao xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Việt Nam là một trong năm quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị xả ra biển mỗi năm.
Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các loài sinh vật biển mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Người ta tìm thấy hạt nhựa siêu nhỏ trong 83% mẫu nước uống từ vòi và trong 93% mẫu nước uống đóng chai. Việc tiếp xúc thường xuyên với các hoá chất trong đồ nhựa dùng một lần (như BPA, styrene) sẽ gây ra nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết và vô sinh.
Nguồn bài viết : AOG Đá Gà