Những điều du khách Nga cần biết khi đến Việt Nam |
Ngày hội của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia |
Phát biểu khai mạc chương trình, anh Nguyễn Khánh Duy, Phó Bí thư Ban cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại LB Nga cho biết chương trình “Tri ân thầy cô” nhằm vinh danh những người thầy, người cô luôn có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong xã hội, bởi nghề nhà giáo không chỉ truyền đạt cho học sinh tri thức mà còn bồi dưỡng nhân cách bên trong con người các em.
Các ý kiến phát biểu tại chương trình cũng nêu bật vai trò thiêng liêng và dẫn dắt của người làm nghề dạy học, đồng thời bày tỏ mong muốn cộng đồng Việt Nam tại LB Nga, trong đó có người Việt ở thủ đô Moskva, phối hợp với Ban cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại LB Nga sẽ nỗ lực mở thêm nhiều lớp dạy tiếng Việt, để không chỉ ngày càng gìn giữ được bản sắc tiếng Việt mà còn giúp các em có cơ hội trở thành những sứ giả góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - LB Nga.
Các thầy cô giáo và đại biểu tham dự chương trình "Tri ân thầy cô". Ảnh: Báo Nhân dân |
Ngoài các bài bát và điệu múa ca ngợi đất nước, ngợi ca thầy cô do chính các em nhỏ Việt Nam thể hiện, chương trình cũng tổ chức cuộc thi viết tiếng Việt “Nét chữ nết người” và cuộc thi vẽ và cắt dán thủ công “Khéo tay hay làm”. Sự tham gia đông đảo của các em nhỏ trong cuộc thi cho thấy ngày càng nhiều người Việt tại LB Nga nhận thức rõ tầm quan trọng của việc dạy con em mình hiểu rõ và viết thạo tiếng Việt.
Chia sẻ với TTXVN, cô Nguyễn Thúy Nga, giáo viên dạy bộ môn tiếng Việt của Trung tâm Thần đồng Á-Âu cho biết hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc cho con em mình học tiếng Việt. Hiện nay, vào các ngày cuối tuần, có khoảng 30 em đang theo học tiếng Việt tại Trung tâm Thần đồng Á-Âu, được chia làm 2 nhóm lứa tuổi, từ 6-8 tuổi và trên 9 tuổi.
Cô Nguyễn Thúy Nga nhấn mạnh việc dạy tiếng Việt tại LB Nga gặp không ít khó khăn do các em đã học tiếng Nga tại các trường phổ thông nên tư duy ngôn ngữ và cách phát âm đều khác tiếng Việt. Từ đó, các giáo viên dạy tiếng Việt xác định cần kiên trì trong việc giảng dạy, phân tích sự khác nhau giữa tiếng Nga và tiếng Việt để các em phân biệt và hiểu được từng ngôn ngữ.
Chương trình “Tri ân thầy cô” khép lại một ngày đầy ý nghĩa không chỉ đối với những em nhỏ Việt Nam, phụ huynh các em, mà cả những giáo viên, sinh viên Việt Nam đang thực hiện sứ mệnh giảng dạy và truyền bá tiếng Việt ở LB Nga.
Các em học sinh tham gia Hội thi “Nét chữ-Nết người”. Ảnh: báo Nhân dân |
Nhân dịp này, ngay sát sân khấu, nơi tổ chức chương trình tri ân, cũng diễn ra các Hội thi “Nét chữ-Nết người” và “Khéo tay hay làm” với sự tham gia của các con em cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Moskva.
Hội thi “Nét chữ-Nết người” diễn ra trong thời gian 30 phút. Các bạn thí sinh có cơ hội thể hiện khả năng viết chữ sao cho thật đều, thật đẹp và đúng quy chuẩn, biến những nét chữ của mình trở thành một tác phẩm “hoa chữ”.
Còn ở Hội thi “Khéo tay hay làm”, các thí sinh được chia theo đội. Các đội được trải nghiệm trong việc vẽ hoặc cắt dán thủ công với chất liệu màu sắc tự do trên nền thiệp gấp đôi, bên trong ghi lời chúc mừng thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Sau những phần đua tài sôi nổi, ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì và 4 giải Ba cho các thí sinh tham gia Hội thi “Nét chữ-Nết người”. Ở Hội thi “Khéo tay hay làm”, đội Mão đã giành giải Nhất, đội Tý và đội Sửu giành giải Nhì, đội Thìn và đội Tỵ giành giải Ba.
Sinh viên Việt Nam tại Nga thi kiến thức và tài năng |
Dấu ấn đậm nét của Việt Nam tại lễ hội văn hoá Ma-rốc - châu Á |