Cần tính toán mức độ dạy tích hợp
Các đại biểu dự họp đã cho ý kiến về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.
Với kinh nghiệm tham gia vào hai lần xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá: Chương trình lần này mang tính mở, thể hiện ở chương trình khung giáo dục của từng trường. Lần đầu tiên Chương trình xác định mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh và giải quyết mong muốn này bằng những giải pháp cụ thể từ dạy, học, đánh giá, xây dựng môi trường học tập. Vì vậy, quá trình tồn tại và triển khai Chương trình cần điều chỉnh, bổ sung, phát triển chứ không phải ban hành xong mà ngưng lại, đóng kín mà luôn thể hiện tính mở.
Liên quan đến việc dạy học tích hợp và phân hóa, trong đó nhiều ý kiến băn khoăn về hai môn học có nội dung tích hợp ở cấp Trung học cơ sở là Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý. Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam lo ngại: Chương trình chỉ tích hợp ở một số chuyên đề, liệu có phù hợp với xu thế tích hợp của thế giới và có nên gọi là dạy học tích hợp hay không?
"Tích hợp chỉ có một số chuyên đề thôi, nếu là một số chuyên đề, làm sao gọi đó là một chương trình dạy học tích hợp được, nó chỉ là một cách làm. Mất thời gian học 4 năm để đào tạo được một giáo viên dạy một môn, giờ bồi dưỡng giáo viên để dạy nhiều môn một lúc không khả thi", Giáo sư Phạm Tất Dong nêu ý kiến.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nêu thực tế, với sự xuất hiện của nhiều khoa học liên ngành mới, nếu vẫn dạy đơn môn sẽ khó xây dựng tư duy tổng hợp, sáng tạo cho học sinh. Nhưng, với thực tiễn Việt Nam cần cân nhắc mức độ. Cái khó là cách dạy, học, đánh giá học sinh, nhưng không có nghĩa không làm được.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Kiều, Nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển... cùng cho rằng, tích hợp là một xu thế phải theo. Tất nhiên trong điều kiện của Việt Nam, cần xem xét mức độ tích hợp đến đâu. Trong đó, cần hết sức lưu ý đến đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ… để phục vụ hiệu quả cho dạy tích hợp.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban Phát triển Chương trình cân nhắc hai phương pháp dạy "tích hợp" và "tổ hợp" trong điều kiện của Việt Nam hiện nay. Theo đó, phương pháp dạy tổ hợp thì từng môn vẫn do từng giáo viên giảng dạy, còn phần chuyên đề chung sẽ sử dụng kiến thức liên môn, được phân công cụ thể cho mỗi giáo viên.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Sau khi tiếp thu, hoàn thiện, tinh thần dạy tích hợp, tổ hợp sẽ được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tiếp đến là chương trình các môn học cụ thể, sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Nhưng, thời điểm hiện tại chưa thể khẳng định các trường sư phạm không đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo từng môn chuyên biệt.
Cần đánh giá đầy đủ, toàn diện yêu cầu giảm tải chương trình
Thảo luận sâu về yêu cầu giảm tải Chương trình giáo dục phổ thông, các chuyên gia cho rằng cần đánh giá đầy đủ, toàn diện vấn đề này, không thể thực hiện máy móc, cực đoan.
Theo Nhà giáo nhân dân Trần Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Thăng Long, tình trạng quá tải chương trình học hiện nay có nguyên nhân sâu xa là do không đủ thời gian giảng dạy. “Trường nào không dạy 2 buổi sẽ rất vất vả với chương trình học hiện nay. Vì vậy, việc thực hiện Chương trình cần linh hoạt, nơi nào có điều kiện thì học theo chuẩn, nơi không có điều kiện thì phải học thêm thứ Bảy chứ không vì yêu cầu giảm tải mà cắt xén tùy tiện, cực đoan".
Vì vậy, nhiều chuyên gia đề nghị việc cắt giảm kiến thức để giảm tải cần xem xét thận trọng để lựa chọn được những khối kiến thức cần thiết, bổ ích. Về lâu dài phải bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thay đổi phương pháp giảng dạy, đánh giá… mới tạo hứng thú cho học sinh. Bên cạnh đó, phải làm sao để giáo viên không bị quản quá chặt theo khuôn mẫu.
Cám ơn ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là công việc trọng tâm của ngành, có công sức của tập thể các nhà khoa học, chuyên gia từ 5 - 6 năm nay. Chương trình đã tiếp thu hàng ngàn ý kiến từ các tỉnh, các nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên, nhân dân…
"Những vấn đề chưa thực sự yên tâm, Bộ tiếp tục tiếp thu, không né tránh để hoàn thiện Chương trình nhưng cũng cần tính đến lộ trình theo Nghị quyết của Quốc hội. Các công việc tiếp theo như biên soạn sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất… đang được Bộ chỉ đạo thực hiện song song chứ không chờ xong Chương trình mới triển khai tiếp. Trong quá trình này, Bộ vẫn tiếp tục lắng nghe những ý kiến tâm huyết", Bộ trưởng nêu rõ.
Thực hiện thận trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các luồng ý kiến
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu các ý kiến chuyên gia. Đồng thời, khi công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phải làm rõ với 2 nguyên tắc lớn: Chương trình đổi mới lần này mang tính mở, khơi dậy sáng tạo, tự chủ của địa phương, nhà trường, giáo viên và thường xuyên được cập nhật. Sau khi công bố Chương trình, khi triển khai biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập bên dưới cần phát động đồng thời phong trào giáo viên biên soạn bài giảng theo Chương trình mới. Đồng thời, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học và ban soạn thảo Chương trình để tiếp tục góp ý, điều chỉnh, bổ sung.
Theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị đến thời điểm Bộ GIáo dục và Đào tạo phải công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đây là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một khâu rất quan trọng trong đổi mới giáo dục cần thực hiện thận trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các luồng ý kiến.
Phó Thủ tướng lưu ý, đổi mới là quá trình cọ xát rất nhiều luồng ý kiến và không thể làm hài lòng hết tất cả, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu một cách cầu thị, theo sát các nội dung, yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Chương trình phải kế thừa những thành tựu phát triển trước đây, không sao chép nguyên xi mô hình bên ngoài mà phải đúng xu thế quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị bên cạnh việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất theo lộ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm tốt công tác tư tưởng cho thầy cô giáo; chú trọng hoạt động thông tin, tuyên truyền. Bên cạnh đó, Bộ cần tiếp tục tiếp nhận ý kiến của chuyên gia, đặc biệt là các hội chuyên ngành về lịch sử, sinh học, toán học, văn học… đến trước thời điểm công bố để phân loại mức nào tiếp thu, mức nào giải trình, phân tích lại.
Nguồn bài viết : TK lần xuất hiện