Vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào |
Thông điệp ý nghĩa lan tỏa tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào |
Một sớm đầu thu đầy nắng, tôi đến thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình hỏi thăm đền Thượng Thái Sơn thờ công chúa Lào Nhồi Hoa. Qua giới thiệu, tôi được gặp ông Đinh Thế Đoan – người đã hơn 20 năm coi sóc, khói hương cho công chúa... Người thủ từ này tuổi hơn 50, dáng người quắc thước. Dưới cánh rừng xanh thẫm, chúng tôi men theo con đường gạch uốn lượn xuyên qua cánh rừng xanh thẫm đến nơi công chúa nước Lào yên nghỉ...
Đền thờ công chúa Nhồi Hoa thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Hải An). |
Ông nói: Đền Thượng Thái Sơn thờ vị công chúa Lào có tên gọi là Nhồi Hoa. Đền thờ gồm 3 tòa: Tiền đường dựng 4 trụ cột uy nghi cao tầm 4m mang sắc màu cổ kính và có khoảng sân rộng chừng 80m2 lát gạch đất nung. Bên phải lối vào tiền đường trồng một cây Chăm Pa…
Trung đường là gian thờ tự rộng chừng 200m2 với nhiều hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng, trong đó có 5 đạo sắc phong. Đạo cổ nhất từ thời Tự Đức (1853) phong “Linh quang huyền cảm diễm quyên nhàn uyển Sơn Tinh phu nhân chi thần”. 72 năm sau, năm 1924 (Khải Định) được phong là “Thượng đẳng thần”, “hộ quốc tý dân” (hộ nước giúp dân).
Đi thẳng phía sau là tòa Hậu cung rộng chừng 20m2, kiến trúc theo lối “tiền đao hậu đấu”.
Chân dung công chúa Nhồi Hoa chạm khắc trên gỗ quý (Ảnh: Hải An). |
Trong tòa Hậu cung có ban thờ có ảnh chân dung công chúa. Dân gian truyền rằng, Vua Ai Lao sau khi biết tin công chúa mất đã cho nghệ nhân khắc chạm chân dung công chúa lên gỗ Hoàng đàn - một loại gỗ quý chuyên dùng chế tác hình tượng tâm linh gửi sang Đại Việt. Trong bức chạm, công chúa khoác áo choàng màu vàng, ngồi trên ngai, đầu đội vương miện, gương mặt thanh tú, tay cầm quạt, dáng khoan thai, toát lên vẻ đẹp uy nghi. Bức ảnh chân dung công chúa được đặt trên ban thờ trong hậu cung để đời đời nhân gian ngưỡng vọng...
Đến cuối Hậu cung, rẽ phải, hướng về phía tây chừng mười bước chân là Lăng công chúa. Lăng hướng mặt về phía Tây - nơi quê hương Ai Lao của công chúa… Phía trên, mặt trước của lăng khắc 3 chữ cổ “Phấn Đại Hương”, tạm dịch là “tiếng thơm thờ kính - lưu danh muôn đời...”.
Lăng công chúa Nhồi Hoa (Ảnh: Hải An). |
Ông Đoan kể: Tương truyền vào thế kỷ XV, đời vua Lê Thánh Tông, nước Đại Việt phải chống đỡ nhiều cuộc ngoại xâm. Nhằm thể hiện tình đoàn kết, vua nước Ai Lao (nước Lào ngày nay) đã lệnh cho con gái là công chúa Nhồi Hoa đảm nhiệm trọng trách huấn luyện bầy voi chiến giúp quân Đại Việt đánh đuổi ngoại bang.
Sau bao ngày vượt suối, băng rừng, ngàn trùng thử thách, công chúa Nhồi Hoa đã kịp thời trao tặng đội “tượng binh” và cách điều khiển voi chiến cho tướng lĩnh Đại Việt… Trong cuộc chiến đó, uy hùng, dũng mãnh của đội “tượng binh” Lào đã giúp Đại Việt lập nhiều chiến công hiển hách…
Trên đường trở về Vương quốc Ai Lao, khi đến thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình ngày nay, công chúa ốm bệnh, qua đời. Tưởng nhớ công lao, ân nghĩa Việt – Lào, vua Lê Thánh Tông hạ lệnh quân thần tổ chức an táng, lập đền thờ, xây lăng cho công chúa tại địa danh nơi công chúa qua đời. Theo một tài liệu, vào năm 1882, địa danh này thuộc xã Độc Trang, tổng Lê Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Một tài liêu khác cho biết, năm 1919 địa danh này thuộc xã Độc Trang, tổng Lê Xá, huyện Gia Viễn, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ngày nay, di tích Đền Thượng Thái Sơn thuộc địa phận thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Theo lời kể của người dân thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, hiện Đền Thượng Thái Sơn được thờ với nghi thức thờ thánh Mẫu. Các ngày rằm, mùng một hằng tháng, người dân trong làng đến thắp hương, nguyện nàng phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa...
Tư liệu của Quỹ Văn hiến Việt Nam cho biết: Năm 2017, Giáo sư Vũ Khiêu - Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam qua nghiên cứu đã nêu quan điểm Đền Thượng Thái Sơn thờ một vị công chúa Lào. Tháng 12/2020, Quỹ Văn hiến Việt Nam phối hợp với Tổng hội xây dựng Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đền thờ công chúa Nhồi Hoa, nước Lào tại Ninh Bình - Biểu trưng của tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Việt – Lào” với sự tham gia của Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và hơn 60 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, học giả và nhà hoạt động văn hóa lịch sử ở trung ương và địa phương.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Sengphet Houngboungnuang (thứ hai, từ phải sang) cùng các cán bộ Đại sứ quán Lào đã đến viếng đền thờ công chúa Nhồi Hoa vào tháng 12/2020 (Ảnh: KT). |
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất dùng công nghệ tiên tiến để giám định đánh giá niên đại của các vật liệu xây dựng, đồ thờ cúng, văn tự tại đền thờ; đồng thời phối hợp nước bạn Lào để nghiên cứu, làm rõ danh xưng của công chúa Nhồi Hoa bằng tiếng Lào, cũng như sự kiện trao tặng đàn voi chiến. Hiện Quỹ Văn hiến Việt Nam phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh phát triển Tây Trường Sơn nghiên cứu triển khai Đề án xây dựng làng văn hóa, du lịch Việt – Lào tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình Việt Nam, nơi có di tích Đền Thượng Thái Sơn. Đề án nhằm bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo các di sản vật thể và phi vật thể xung quanh di tích, đồng thời xây dựng nơi đây thành khu du lịch tâm linh, văn hóa biểu tượng cho tình hữu nghị Việt – Lào.
Để khẳng định di tích Đền Thượng Thái Sơn có đúng là nơi thờ công chúa Lào như một số ý kiến trao đổi hay không cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát. Tuy nhiên qua truyền thuyết nước Ai Lao trao tặng voi chiến, giúp sức cho Đại Việt chống giặc ngoại xâm và sự tôn kính của dân gian dành cho công chúa Nhồi Hoa có thể thấy mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào đã có từ hàng trăm năm trước và ngày càng thêm gắn bó sâu sắc, bền chặt.
Theo ông Nguyễn Cao Tấn - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình: Trong tâm niệm người dân địa phương, đền Thượng Thái Sơn là nơi linh thiêng thờ vị công chúa nước Lào có công giúp Đại Việt lực lượng chống giặc ngoại xâm. Cứ đến ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, chính quyền xã lại tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống Đền Thượng Thái Sơn… Trong ngày hội, ngoài phần nghi lễ và các trò chơi dân gian, đặc biệt có màn “Múa - hát Chăm Pa” truyền thống Lào được người dân trong thôn dày công dàn dựng biểu diễn tưởng nhớ công chúa. Năm 2007, Di tích Đền Thượng Thái Sơn được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là di tích cấp tỉnh. |
Mạch ngầm kết nối tình hữu nghị Việt - Lào |
50 năm sưu tầm chứng tích tình yêu với đất nước Lào |