Nhức nhối với… gạo ngon nhất thế giới

2025-01-17 19:23:15
Với việc đăng quang ngôi vị quán quân tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 11 (2019), ST25 của nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) được kỳ vọng như chìa khóa vàng mở ra cánh cổng để gạo thương hiệu Việt Nam đường hoàng vươn ra biển lớn.

Nhưng sự thật không như kỳ vọng...

Nhức nhối... vì “hạng nhất”

Đổ chuông nhưng không nghe máy, hạn chế trả lời tin nhắn... Đó là trạng thái điện thoại di động của kỹ sư Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả của giống lúa ST25, cho ra gạo đạt Giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Không thể tiếp cận trực tiếp, chúng tôi đành phải đi “đường vòng” bằng cách liên lạc với GS.TS Võ Tòng Xuân, “cha đỡ đầu” của giống lúa ST25, người vừa được Chính phủ Nhật Bản tặng Huân chương cao quý “Mặt trời mọc”. Chiều muộn, nhưng vừa nghe tôi nhắc đến chuyện “gạo ST25”, GS.TS Võ Tòng Xuân nói ngay: “Em tới đi, chúng ta có cả buổi tối”.

Đã bước qua tuổi 83, nhưng “nhà khoa học của nông dân” vẫn mạnh khỏe và trí nhớ rất tốt. “Đúng là thời gian gần đây kỹ sư Hồ Quang Cua hạn chế liên lạc qua điện thoại với bên ngoài. Ngay cả khi vị lãnh đạo muốn liên lạc để chuẩn bị tôn vinh sản phẩm gạo ST25 cũng không được hồi âm”, giọng GS.TS Võ Tòng Xuân trầm xuống: “Tất cả cũng do ST25 mà ra”.  Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, qua tâm sự, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết đang trong tâm trạng chán nản vì lúa, gạo ST25 bị làm nhái, làm giả để kinh doanh công khai trên thị trường mà chưa được xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Trước đó, vào cuối năm 2021, kỹ sư Hồ Quang Cua đã đệ đơn lên cơ quan chức năng cầu cứu nạn “ăn cắp” nhãn hiệu "The Worlds Best Rice" (gạo ngon nhất thế giới) mà Tổ chức Thương nhân lúa gạo toàn cầu (TRT) đã cấp cho sản phẩm gạo ST25. Bởi trước đó vào tháng 5/2021, TRT đã cảnh báo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua có thể mất quyền dự thi do nhiều công ty ở Việt Nam tự ý gắn mác "gạo ngon nhất thế giới" trên sản phẩm bán ra thị trường. Dù sau đó, ST25 vẫn được TRT xét cho dự Giải gạo ngon nhất thế giới năm 2020.

Nhưng chính sự “may mắn” đó đã lôi ông vào ồn ào khác. Năm 2020, tiếp tục gửi ST25 tham dự cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới và đạt giải Nhì, lập tức ông Hồ Quang Cua đón nhận rừng “búa rìu” dư luận. Có người còn nặng lời chê ông “dại dột” khi mang Hoa hậu đi thi để trở thành Á hậu. Chuyện đúng - sai đến nay tạm lắng xuống, nhưng có vẻ như vẫn chưa biết đến khi nào hạ hồi phân giải....     

Nhưng thực tế cho thấy ông Hồ Quang Cua và ST25 đã “bầm dập” ngay sau khi đăng quang ngôi vị gạo ngon nhất thế giới. Lễ trao tặng vừa kết thúc, giới nông nghiệp trong nước rộ lên những thông tin đi ngược lại sự hồ hởi của triệu người Việt khi thắc mắc chuyện ST24 hay ST25 thực sự là “nhân vật chính” với những lời thiếu thiện chí. Thậm chí một người có học vị, học hàm còn viết lên mạng xã hội những lời cay nghiệt: “Buổi sáng TRT công bố ST 24 đạt giải Nhất nhưng sang buổi chiều lại luộm thuộm công bố là ST25”. Thật là nhức nhối cho gạo ngon nhất thế giới.

2.jpg -0
Nhóm cán bộ Trường Đại học An Giang nghiên cứu giống lúa.

“Chiếc phao” mắc cạn

Thật ra, trước khi ST25 của ông Hồ Quang Cua đăng quang ngôi vị gạo ngon nhất thế giới, với việc làm chủ được công nghệ, các cơ sở lai tạo tại ĐBSCL đã tạo ra nhiều giống lúa mang đậm dấu ấn Việt Nam, như OM của Viện Lúa ĐBSCL, LT của Tập đoàn Lộc Trời... cho ra gạo chất lượng “nổi đình, nổi đám”, như: OM4900, OM18, OM5451, LT28... Thậm chí, có nhiều giống lúa cho phẩm chất gạo ngon, đạt giải thưởng cao tại một số cuộc thi do các nước tổ chức.

Điển hình như gạo LT1 từng lọt vào top 3 tại Giải gạo ngon nhất thế giới và LT28, OM18 lần lượt đạt giải Nhất và giải Nhì ở phân khúc gạo thơm và gạo trắng tại Hội nghị Thương mại gạo đại lục lần thứ 5 được tổ chức tại Trung Quốc (2018). Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, gạo các giống lúa này chưa tạo được hiệu ứng xã hội như ST25 khi tạo ra những cơn “cháy hàng” kéo dài khá lâu ở nhiều địa phương trong nước.

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, ST25 đã tạo dựng được dấu ấn niềm tin cho khách hàng trong nước và quốc tế mà trước đó nhiều giống lúa chưa làm được. Đó cũng là lý do khiến Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng không chỉ khó chen chân vào thị trường cao cấp để bán với giá cao, mà còn tự “đánh mất giá” ngay ở thị trường bình dân. ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin (Sở NN&PTNT Đồng Tháp) đưa ra dẫn chứng: Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt hạng nhì thế giới về lượng (6,117 triệu tấn), đứng sau Thái Lan (6,237 triệu tấn) nhưng lại đứng hạng 3 thế giới về giá trị (3,286 tỷ USD/3,340 tỷ USD). Nguyên nhân chủ yếu là chưa thể bán mạnh vào các thị trường cao cấp.

Cụ thể, tại thị trường Mỹ, năm 2021, gạo Thái bán được 573.786 tấn, trong khi gạo Việt chỉ có 15.235 tấn. Thậm chí, gạo Việt Nam còn kém xa giá trị so với gạo Campuchia. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu lượng gạo gấp 10,11 lần so với Campuchia, nhưng về giá trị chỉ gấp 6,25 lần; đó là chưa kể Việt Nam nhập 3,52 triệu tấn lúa từ Campuchia...

Chính vì thế, sự xuất hiện của dòng gạo từ giống lúa ST25 có mùi thơm vượt trội so với nhiều giống gạo thơm trước đó, cộng với ảnh hưởng tâm lý “vô địch hoặc không có gì” trong bóng đá... ST25 nhanh chóng được xem như chiếc phao cho gạo Việt ở thế trận sân nhà và cả vươn ra biển lớn.

Ở đây xin nói thêm tự hào về sự ra đời của giống lúa ST25. Năm 1990, được đồng nghiệp từ Viện Lúa quốc tế (IRRI) gửi tặng giống lúa Khao Dawk Mali 105 của Thái Lan kèm thông tin: hạt dài, thơm, ngon cơm..., GS.TS Võ Tòng Xuân giao cho học trò có niềm đam mê lúa giống là kỹ sư Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng. “Cái hay của nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua ở đây là đã “chuyển hóa” giống lúa trung mùa thành lúa cao sản ngắn ngày và đưa gen mùi thơm từ giống gạo thuần Việt vào làm thay đổi hương thơm so với giống cũ. Nói cách khác hơn, ST25 như đứa con Việt thế hệ mới”- GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh. Chính vì thế mà ST25 đã tạo cho mình nội lực mà trước đó chưa có giống lúa nào trong nước có được.

“Sau nhiều năm được biết đến như quốc gia chuyên xuất khẩu lúa với giá thấp vì chất lượng chưa cao, việc liên tiếp giành thắng lợi tại cuộc thi gạo có uy tín trên thế giới của gạo ST24 và ST25 như  là tấm “hộ chiếu đa quốc gia” cho gạo Việt Nam rộng đường chiến thắng trên sân nhà và vươn ra biển lớn”-ThS Nguyễn Phước Tuyên nhận định. Tuy nhiên, đáng buồn hơn là trong lúc chiếc phao này chưa kịp hoàn chỉnh cho vai trò đầu tàu để bắt đầu hành trình mới cho xuất khẩu gạo thì đã “mắc cạn” ngay tại sân nhà bởi nạn làm giả của người trong nước.

PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, Việt Nam có càng nhiều giống đạt huy chương vàng, Giải gạo ngon Nhất thế giới, khu vực càng tốt. “Đây sẽ là các chiến sĩ xung kích để xây dựng phân khúc gạo thơm cao cấp cho Việt Nam. Bởi hiện nay nước ta chỉ có gạo thơm làng nhàng như Jasmine 85, Nàng Hoa 9 , OM 4900 , Đài Thơm 8...

Tuy nhiên cũng hy vọng trong tương lai The Rice Traders sẽ cải tiến qui chế thi. Giống nào đạt giải nhất rồi thì không cho thi nữa để có thể phát hiện những giống mới tốt hơn. Sau mỗi 5 năm sẽ tổ chức cho các giống đã đạt giải như thi siêu hoa hậu”, PGS.TS Dương Văn Chín chia sẻ thêm.

(Theo Công An Nhân Dân)

Nguy cơ gạo Việt mất cơ hội thi: Ngẫm chuyện thương hiệu...

Doanh nghiệp bắt buộc phải tôn trọng bản quyền thương hiệu, đồng thời Việt Nam phải nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.

Nguồn bài viết : XS Thần tài Thứ Ba

Top