Hà Lan giúp nông dân 4 tỉnh nâng cao chất lượng trái cây

2024-12-20 20:14:51
MCNV tạo ra sự thay đổi trong phương thức canh tác cây ăn quả cho nông dân
MCNV: Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật

Đã có hơn 2000 lượt cán bộ hội nông dân, cán bộ khuyến nông và hội viên nông dân được nâng cao kiến thức về sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng, hướng tới cung cấp nông sản cho thị trường cao cấp

(Ảnh: Trần Lê Hiệu/ MCNV).

Ngày 15/11, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo tổng kết dự án “Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam” được Chính phủ Hà Lan tài trợ thông qua tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV). Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021-2024 với sự tham gia của nhiều đối tác là doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan, cơ quan chủ dự án là Trung ương Hội nông dân Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, Tham tán Nông nghiệp - Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, bà Ingrid Korving đánh giá cao thành công của dự án trong việc hỗ trợ người nông dân và các nhóm hộ sản xuất trong chuỗi ngành hàng trái cây của Việt Nam, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và hiệu quả. Bà cũng khẳng định: Hội thảo Tổng kết dự án “Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam” là sự kiện dấu mốc quan trọng kỷ niệm 10 năm thỏa thuận đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực được ký kết giữa hai chính phủ Việt Nam – Hà Lan vào năm 2014.

Theo bà Ingrid Korving, những mặt hàng trái cây nhiệt đới như thanh long, bưởi, xoài của Việt Nam đều có tiềm năng lớn trong việc cải thiện thu nhập, nâng cao vị thế cho người nông dân, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho kim ngạch xuất khẩu. Bà khẳng định tầm quan trọng của việc áp dụng đổi mới về khoa học, công nghệ, cách thức và phương thức sản xuất để đưa ra những sản phẩm trái cây có chất lượng cao hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của những thị trường khó tính.

Đánh giá về kết quả dự án, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, ông Đinh Khắc Đính cho biết, dự án đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao năng lực, cải thiện vị thế của người nông dân, dựa trên các biện pháp, cách làm, công nghệ sáng tạo và bền vững.

Giám đốc quốc gia, Ủy ban y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), ông Phạm Dũng chia sẻ: Là một tổ chức phi chính phủ có mặt ở Việt Nam rất sớm (từ năm 1968), một trong những mục tiêu MCNV hướng đến là cải thiện sinh kế gắn với phát triển bền vững và bày tỏ vui mừng khi sau 3 năm thực hiện, vượt qua những khó khăn ban đầu do ảnh hưởng toàn cầu của đại dịch COVID, dự án đã đạt được những mục tiêu đề ra.

Là đơn vị điều phối dự án "Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam", Giám đốc MCNV nhấn mạnh: Thành công của dự án là một ví dụ cụ thể cho thấy sự thiện chí, quyết tâm của chính phủ, và nhân dân hai nước trong hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững, và bày tỏ mong muốn của MCNV có thể tiếp tục hỗ trợ Hội Nông dân cấp trung ương và các tỉnh thành phát triển các mô hình nông nghiệp tương tự.

Tại hội thảo thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Môi trường Nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng trong giới thiệu và cung cấp các giải pháp phân tích, đánh giá đất, nông sản, phân bón, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, giai đoạn 2025 – 2027 đã được ký kết

(Ảnh: Trần Lê Hiệu/MCNV).

Sau 3 năm thực hiện, dự án đã xây dựng được 5 mô hình thí điểm về các kĩ thuật nông nghiệp (tưới tiêu, sử dụng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xét nghiệm đất). Hơn 2000 cán bộ Hội nông dân các cấp, cán bộ khuyến nông, nông dân và doanh nghiệp trồng cây ăn trái tại 4 tỉnh được đào tạo tăng cường kiến thức và kỹ thuật tiên tiến trong quản lý tưới tiêu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và quản lý chất lượng đất thông qua 65 lớp tập huấn dưới các hình thức cầm tay chỉ việc, thông qua mô hình thực tế, truyền thông...

Dự án đã đưa đến cho nông dân trồng cây ăn trái vùng dự án một phương thức sản xuất an toàn hơn, tiết kiệm chi phí đầu vào và tăng thu nhập rõ rệt. Ví dụ như như mô hình xoài của Đồng Tháp đã tăng gấp đôi sản lượng, giảm 30% lượng phân bón; tiết kiệm được 40 triệu đồng tiền chi phí cho phân bón/ ha trên vụ; trái xoài được kiểm định mức dư lượng thấp, đáp ứng yêu cầu thị trường châu Âu.

Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, đại diện nông dân làm mô hình - ông Đặng Phước Hơn, tỉnh Đồng Tháp cho biết: khi được tập huấn nâng cao kiến thức, chúng tôi có thêm sự hiểu biết về sức khỏe của đất, dinh dưỡng cho cây trồng. Nếu như trước đây, tôi không biết bỏ bao nhiêu phân bón là đủ thì tham gia dự án, qua phân tích mẫu đất tôi biết cây cần chất gì và cung cấp đủ, tránh dư thừa. Vườn cây cho năng suất cao hơn, trái đẹp hơn, giá bán cao hơn nên thu nhập cũng tăng cao.

MCNV tập huấn kỹ năng chăm sóc người khuyết tật cho thành viên gia đình
Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) cùng với sở y tế địa phương đã tập huấn kỹ năng cho 123 người chăm sóc của người khuyết tật.
MCNV hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận chân tay giả, nẹp chỉnh hình
Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) phối hợp với Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (PHCN) Đà Nẵng thử chân tay giả và nẹp chỉnh hình cho hơn 20 người khuyết tật (NKT).
Top