Tăng trưởng xanh gắn với bảo đảm quyền con người

2024-12-21 12:49:39
Kiều bào ở Đức tham gia thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam
Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh

Đây là một nội dung quan trọng được nêu tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Trước đó, Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã nêu rõ: Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Tăng trưởng xanh vì con người

Phát triển bền vững đã, đang trở thành mục tiêu chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới và là xu hướng toàn cầu hướng tới sự phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai. Trong đó, tăng trưởng xanh được coi là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đòi hỏi sự tăng trưởng phải đảm bảo dung hòa cả 3 lĩnh vực chính: Kinh tế - xã hội - môi trường, giải quyết một cách đồng thời, hài hòa các vấn đề về môi trường và phát triển.

Quyền con người đối với tăng trưởng xanh là thực hiện quyền tham gia của cá nhân, cộng đồng theo hướng tiêu dùng xanh, sản xuất xanh, rộng hơn là sinh kế xanh, lối sống xanh. Bằng cách giảm mức tiêu thụ tài nguyên, năng lượng trong sinh hoạt thường nhật và trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên và năng lượng khó hoặc không thể tái tạo (thép, xi măng, cơ khí,…) có lợi cho môi trường sinh thái, trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó, phát triển bền vững trên cơ sở duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người với mức tác động thấp nhất đến môi trường sinh thái và làm lợi cho môi trường văn hóa.

10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh. Hành vi sản xuất, sinh hoạt từng bước có sự thay đổi theo hướng có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh; xuất hiện những mô hình sản xuất, tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn, đặc biệt tại các xã nông thôn mới.

Kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng đã đạt được nhiều kết quả. Nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành kế hoạch hành động để triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020. Từ các kế hoạch hành động trên, nội dung tang trưởng xanh đã được nghiên cứu, tích hợp vào nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các luật, nghị định, thông tư trong những lĩnh vực cụ thể để tạo hành lang pháp lý nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược thời kỳ 2011 – 2020.

Đẩy mạnh thực hiện tăng trưởng xanh gắn với bảo đảm quyền con người

Kết quả triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh bên cạnh kết quả những điểm tích cực còn tồn tại những vấn đề bất cập: Nhận thức của một số bộ, ngành và chính quyền địa phương về tăng trưởng xanh còn hạn chế. Nhiều dự án do bộ, ngành, địa phương đã, đang thực hiện liên quan đến “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” chủ yếu dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, ví dụ như Chương trình Liên minh sinh kế xanh quốc tế (Green Livelihood Alliance - GLA), mà chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của bộ, ngành, địa phương.

Hiện vẫn còn có sự xung đột, trùng lặp về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh… Nguồn lực thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19.

Quyền con người đối với tăng trưởng xanh là thực hiện quyền tham gia của cá nhân, cộng đồng theo hướng tiêu dùng xanh, sản xuất xanh, rộng hơn là sinh kế xanh, lối sống xanh (Ảnh: Green Life).

Tăng trưởng xanh gắn với bảo đảm quyền con người là một chiến lược hướng đến mục tiêu kép: Tích cực hóa vai trò chủ thể của con người trong mối quan hệ cân bằng với môi trường tự nhiên – xã hội. Tối ưu hóa sản lượng kinh tế và giảm thiểu gánh nặng về sinh thái. Ở đây vị trí của bảo đảm quyền con người không đơn thuần chỉ thể hiện ở khía cạnh kết quả phái sinh của tăng trưởng kinh tế mà trước tiên và chủ yếu là vai trò chủ thể của con người trong sản xuất, tiêu dùng, sinh kế và lối sống hài hòa với môi trường tự nhiên – xã hội, từ cách nghĩ đến cách làm.

Theo nhiều chuyên gia, cần xác định “sinh kế xanh, lối sống xanh” là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”. Theo đó, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của người dân và doanh nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, doanh nghiệp theo hướng sinh kế xanh và lối sống xanh để phát huy lợi thế đặc thù của mỗi địa phương trong liên kết nội vùng, liên vùng nhằm tạo không gian phát triển bền vững. Vận động, kêu gọi toàn dân tạo lối sống xanh trong sinh hoạt hằng ngày vì môi trường, như: học cách từ chối và nói không với sự lãng phí; tái sử dụng và tận dụng hết tính năng của các món đồ; ăn thực phẩm “xanh” là thực phẩm hữu cơ; tiết kiệm và sử dụng nguồn năng lượng “xanh” giúp tiết kiệm tài chính và tài nguyên điện; sử dụng đồ dùng “xanh” thân thiện với môi trường giúp tiết kiệm và giảm chất thải ra môi trường đất; dùng nước hợp lý cũng là một cách “sống xanh” giúp tiết kiệm chi phí và hạn chế lượng ô nhiễm môi trường nước; di chuyển theo kiểu “sống xanh” giúp cơ thể khỏe hơn và ngăn trái đất nóng lên…

Quyền tiếp cận môi trường lành mạnh là một quyền con người toàn cầu
Việt Nam và nỗ lực bảo đảm quyền con người một cách toàn diện
Top