Người nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ kỷ niệm về Ngày Valentine |
Bè bạn ấn tượng về những "bông hồng" Việt Nam trong đối ngoại nhân dân |
Thật khó để kể hết câu chuyện về đóng góp nổi bật của những người phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển của cộng đồng, nước sở tại và quê hương trong năm qua. Mỗi gương mặt được giới thiệu ở bài viết này đều có thể truyền cảm hứng cho thế hệ những phụ nữ Việt tự tin hội nhập quốc tế và tự hào với những nét phẩm chất riêng biệt…
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh. |
Là một trong những trí thức người Việt nổi tiếng thế giới, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh làm việc tại Đại học University College London - UCL (Anh) vừa được Liên minh quốc tế về Hóa học cơ bản và Hóa học ứng dụng (IUPAC) trao giải thưởng “Người phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực Hóa học, Kỹ thuật hóa học năm 2023”.
Đây là giải thưởng danh giá trong lĩnh vực Hóa học, được IUPAC thiết lập và trao lần đầu tiên trong dịp kỷ niệm Năm Hóa học quốc tế 2011 để ghi nhận sự cống hiến và thúc đẩy sự nghiệp của các nhà hóa học, kỹ sư hóa học nữ trên toàn thế giới.
GS. Thanh là giáo sư người Việt đầu tiên tại Đại học UCL từ năm 2013, viện sĩ của bốn viện khoa học chuyên ngành tại Anh.
Với bề dày thành tích khoa học danh giá, chị đã giành được rất nhiều giải thưởng cao quý trong các lĩnh vực nghiên cứu từ các tổ chức khoa học, viện hàn lâm uy tín trên thế giới, trong đó có Giải thưởng Interdisciplinary Prize 2022 của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh với đóng góp liên ngành trong nghiên cứu về ứng dụng y sinh.
Người phụ nữ Việt này đã nỗ lực không mệt mỏi để hiện thực hóa khát vọng đưa các nhà khoa học Việt Nam hội nhập với thế giới và với nền khoa học tiên tiến trên toàn cầu. Từ những thành công của mình, chị hy vọng sẽ khích lệ, truyền cảm hứng cho các nhà khoa học nữ, trẻ em gái theo đuổi ước mơ cống hiến cho khoa học, cho cộng đồng.
Đối với đất nước, chị mong muốn giải thưởng sẽ góp phần nâng cao uy tín cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong cộng đồng khoa học thế giới, khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam tự tin bước ra và hội nhập với nền khoa học tiên tiến của thế giới.
GS. Nguyễn Thục Quyên. |
Vừa qua, một phụ nữ Việt khác là GS. Nguyễn Thục Quyên cũng vừa trở thành thành viên của Viện hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ.
Đang giảng dạy tại khoa Hóa và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, chị Quyên được lựa chọn nhờ những đóng góp đi đầu trong vai trò lãnh đạo cho cộng đồng khoa học, giáo dục và nghiên cứu về các thiết bị điện tử hữu cơ như quang điện, pin mặt trời hữu cơ và các ứng dụng phân tử hữu cơ, tiết kiệm năng lượng.
Sinh ra ở Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), chị Nguyễn Thục Quyên sang Mỹ định cư cùng gia đình từ năm 1991. Sau đó, chị trở thành một trong bốn nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2015 và liên tiếp bốn lần có mặt trong danh sách này.
GS. Nguyễn Thục Quyên chia sẻ, con đường đến với khoa học của chị rất khác so với những nhà khoa học khác, bởi chị vốn hứng thú với lịch sử thế giới và yêu văn học, địa lý nhưng khi sang Mỹ cơ duyên lại đến với khoa học tự nhiên và bắt đầu theo đuổi con đường này. Bên cạnh những thành công, chị hãnh diện khi đất nước có giải thưởng khoa học lớn, để khiến cộng đồng khoa học quốc tế có cách nhìn khác về Việt Nam.
Doanh nhân Trần Tuệ Tri. |
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, các nữ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã phát huy tinh thần sáng tạo, năng động, điển hình là chị Trần Tuệ Tri, Việt kiều ở Singapore.
Là chuyên gia có 25 năm làm việc trong lĩnh vực Marketing và xây dựng thương hiệu tại thị trường bán lẻ và tiêu dùng, chị Trần Tuệ Tri hiện đang là CEO của Pharmacity và từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao của các công ty đa quốc gia như: Unilever, Samsung, P&G… quản lý các thương hiệu toàn cầu bao phủ hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Là một Việt kiều với nhiều tâm huyết với vấn đề phát triển của quê hương đất nước, đầu năm nay chị đã cho ra mắt cuốn sách Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng với góc nhìn thực tế để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu Việt.
Trong quá trình viết cuốn sách này, chị đã tổng hợp và phân tích trên nhiều phương diện để đưa ra những ý tưởng về xây dựng thương hiệu quốc gia. Chị bày tỏ: “Tôi hiểu rằng, khi thương hiệu Việt Nam được thăng hạng thì giá trị cá nhân của mỗi người Việt Nam cũng được nâng tầm và ngược lại. Tôi tin rằng, mỗi người dân Việt Nam đều có trách nhiệm hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu quốc gia và biết rằng mình có thể làm gì để thực hiện sứ mệnh này”.
Chị Ngô Phẩm Trân. |
Những năm qua, các tổ chức, hội đoàn do phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài lãnh đạo luôn có nhiều hoạt động, hình thức sinh hoạt phong phú, tạo điều kiện cho chị em giao lưu, chia sẻ đồng thời giữ gìn, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Hơn 25 năm định cư tại Đài Loan (Trung Quốc), chị Ngô Phẩm Trân được xem như là sứ giả của hoạt động xúc tiến hợp tác thương mại, đầu tư, giáo dục và văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc). Không chỉ là Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt, chị còn là người sáng lập Viện ngôn ngữ quốc tế Horizon và là giảng viên của Đại học quốc lập Sư phạm Đài Loan.
Trên các cương vị của mình, chị Trân đã tích cực tham gia thúc đẩy nhiều hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan về kinh tế, giáo dục và văn hóa, đạt được nhiều thành công nhất định. Chị chia sẻ: “Cộng đồng người Việt tại Đài Loan vẫn còn nhỏ và sống rải rác nhiều nơi. Tôi mong muốn mỗi năm, Nhà nước đưa những giáo sư, tiến sĩ, những người có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam đến Đài Loan truyền tải lại những thông tin hướng về nguồn cội để mọi người hiểu được, tăng sự đoàn kết, gắn kết trong cộng đồng với nhau”.
Đầu năm 2023, chị Trân cũng là đồng tác giả nhận giải “Tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài” tại Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VII năm 2022 với tác phẩm: Từ các quy hoạch vùng cần tổ chức không gian phát triển quốc gia.
Mới đây, chị còn sáng lập Hiệp hội Kiều bào trí thức Việt tại Đài Loan với mục tiêu nhằm củng cố sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết, tập hợp nguồn lực trí thức để cùng lan tỏa và phát triển trong việc hỗ trợ kiều bào Đài Loan và gắn kết với các hoạt động song phương
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga ở Nam Sudan. |
Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc luôn đuợc đánh giá là nhiệm vụ vô cùng khó khăn với nữ giới, nhưng Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC 2.4) đã lần thứ hai nhận nhiệm vụ này ở Nam Sudan.
Là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một sĩ quan tham mưu tại Phái bộ Liên hợp quốc, chị tiếp tục được lựa chọn để có mặt trong đội hình lãnh đạo của BVDC 2.4.
Trung tá Hằng Nga cho biết: “Nhờ công việc, tôi mới có thể đến những nơi mà các nữ quân nhân chúng tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được đặt chân đến. Qua đó, tôi có cơ hội nhìn thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn và thấy được giá trị cuộc sống hòa bình của đất nước ta”.
Có thể thấy, chính cuộc sống giản đơn, nghèo khó của những người dân bản địa đã thôi thúc những người phụ nữ Việt như chị Nga có động lực làm tốt công việc của mình để góp phần mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc hơn cho người dân ở quốc gia vẫn còn nhiều bất ổn như Nam Sudan.
Tăng cường truyền thông chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài Truyền thông chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng giúp kiều bào ta hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực thông tin đối ngoại. |
Nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài - sức mạnh giúp đất nước vươn xa Công tác người Việt Nam ở nước ngoài có sự chuyển biến trên nhiều mặt, tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. |