Thống kê nước ngoài

JBCIA viện trợ 25.000 USD nhằm phát huy văn hóa cồng chiêng tại Đắk Lắk

2024-12-20 20:45:18
VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được viện trợ hơn 1,7 tỷ đồng để bảo tồn động vật
Nhật Bản viện trợ không hoàn lại trên 250.000 USD cho 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hoà

Theo bản ghi nhớ hợp tác Trung tâm JBCIA viện trợ 25.042 USD, tương đương 568.960.000 đồng phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2022 tại các huyện Lắk, Krông Ana, Buôn Đôn và Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk.

Hai đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ bằng hình thức trực tuyến - ảnh T.H/daklak.gov.vn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai dự án thông qua các hình thức: Tổ chức lớp truyền dạy đánh cồng chiêng; cấp chiêng và trang phục truyền thống; phục dựng các nghi lễ truyền thống và sưu tầm một số bài chiêng trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống để tư liệu hóa làm cơ sở bảo tồn và truyền dạy…

Cồng chiêng chính là biểu tượng vừa mang tính văn hoá vừa gắn liền với tâm linh, tín ngưỡng - ảnh tư liệu

Sở VH, TT&DL chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá và lựa chọn các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên quan đến vấn đề dự án và xây dựng kế hoạch triển khai dự án hiệu quả để đạt được các kết quả dự án tối ưu nhất.

JBCIA chịu trách nhiệm giám sát tất cả các hoạt động, chi tiêu và tiến độ của dự án nhằm đạt được các đầu ra của dự án. JBCIA sẽ xây dựng kế hoạch giám sát dự án và sẽ giám sát và quản lý kết quả dự án dựa trên các tiêu chí dành cho từng hoạt động...

Không gian văn hóa cồng chiêng được coi là tài sản quý giá, linh thiêng và trở thành bản sắc văn hóa riêng vốn có của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đây là nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân, tác giả sáng tác nên những trường ca, sử thi, âm nhạc đã đi vào lòng người.

Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam cũng đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005 và trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2008.

Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều Đề án, Nghị quyết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Nhờ đó, phong trào học tập và biểu diễn cồng chiêng ngày càng trở nên sôi nổi và lan tỏa rộng khắp các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, góp phần làm cho đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thêm sống động, đồng thời tạo nên sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, con người xứ Huế
Hỗ trợ các hoạt động tôn giáo gắn với việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc cho kiều bào

Top