Nghề gốm của người Ba Na ở làng Kon Sơm MLũh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum một thời lừng danh khắp huyện. Các vật dụng sinh hoạt trong gia đình ở làng, xã như nồi cơm, bình nước, chum, ché… đều do bàn tay của các nghệ nhân trong làng làm.
Thế nhưng, trước cơn lốc của các mặt hàng công nghiệp, nghề gốm của người Ba Na ở làng Kon Sơm MLũh đang đứng trước nguy cơ lụi tàn.
Nặng tình với gốm
Chúng tôi tìm về nhà bà Y Bre (65 tuổi) ở làng Kon Sơm MLũh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, một nghệ nhân còn gắn bó với nghề gốm.
Ở tuổi lục tuần, dù đôi mắt đã mờ, chân tay đau nhức nhưng đôi lúc nhớ nghề, bà vẫn gắng gượng tự tay đi lấy đất về giã, làm thành những chiếc bình gốm.
Ngồi tựa cửa nhìn những vật dụng dùng để nặn gốm, đôi tay già nua, nhăn nheo của bà ôm chặt nồi đất do chính tay mình làm.
Bà Ber cho biết: 'Tôi gắn bó với nghề làm gốm 51 năm rồi, hai năm nay già phải bỏ nghề vì bệnh tật, thực sự buồn lắm. Nhớ lắm những lúc giã, lúc xoay; nhớ lắm cái mùi đất sét quen thuộc."
Bà kể khi bà sinh ra đã thấy cả làng làm gốm. Rồi nghề truyền nghề, đời này nối tiếp đời kia nên bà Y Ber không thể nhớ rõ nghề gốm của người Ba Na trong làng có từ bao giờ. Bà chỉ biết rằng,với gia đình bà, nghề gốm đã được 3 đời truyền giữ.
Với bà Y Ber, cái ngày tập tành làm gốm như mới chỉ hôm qua. 12 tuổi, theo chỉ dẫn của mẹ, bà Ber tay nặn, tay nung những sản phẩm gốm đầu tiên.
"Hồi đó mất 1 ngày, tôi mới làm được 1 cái cối và 1 cái nồi nấu cơm nếp nhỏ nhỏ. Không đẹp lắm đâu nhưng mừng vui, hạnh phúc lắm," bà Ber cười hiền.
Ngày ấy cả làng, phụ nữ nhà nào cũng làm gốm. Bà con thường đi bộ ra khe suối Cơ Gà để lấy đất sét về làm.
[Phát huy giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm]
Theo lời bà Ber, với người Ba Na, lấy đất sét để làm gốm là một trong những việc hệ trọng. Vì vậy, trước khi lấy đất sét, cả làng họp mặt, chọn ngày để cúng đất. Mỗi năm, sau khi chọn ngày, cả làng sẽ cùng chọn một con gà trắng, cắt lấy tiết rồi vảy quanh khu đất sét đã chọn.
Sau khi xin thần đất phù hộ cho đất sét tơi, dẻo dể làm đồ gốm được bền, đẹp, mỗi người mới dám lấy đất sét đem về làm.
Thế nhưng, những phong tục đó dần bị chìm vào lãng quên khi những nông cụ thân thuộc bị “cơn bão đồ công nghiệp” tràn vào. Rồi cũng từ đó, người làm gốm thưa dần.
Để tiếp nối và lưu giữ nghề truyền thống, giữ cho làng gốm không bị xóa sổ, bà Ber động viên, truyền nghề cho các con nhưng 3 người con gái cũng nhất quyết không học.
Từ ngày sức khỏe bà yếu đi, bà Bre nghỉ làm gốm, trong làng thiếu cái nồi đất nấu xôi, nhà nhà cuống quýt tìm kiếm nhưng chẳng biết tìm mua ở đâu.
Khoảng 2-3 năm trở lại đây, khi nhìn thấy chính gia đình mình cũng như bà con rất cần những vật dụng từ gốm truyền thống, bà Y Pư - em của bà Y Ber - mới quyết tâm theo chị học nghề.
Thoạt đầu chỉ học cho vui nhưng sau bà Y Pư cũng yêu việc làm gốm lắm. Với bà, làm gốm không phải là nghề chính nhưng đó là niềm vui, là sở thích, là niềm tự hào. Dù các sản phẩm của bà còn vụng về, đường nét chưa tinh xảo như của chị gái Y Ber nhưng nhiều người vẫn tìm đến xem, đến mua.
"Một cái nồi đất làm tốn công sức nhưng chỉ bán 150.000 đồng. Mình làm chủ yếu để giữ nghề chứ giàu có gì đâu," bà Y Pư chia sẻ.
Không chỉ bán, những lần được bảo tàng tỉnh mời xuống để trình diễn nghề làm gốm của người Ba Na cho mọi người xem, bà Y Pư phấn khởi lắm.
Bà nói rằng rất khó để giữ nghề làm gốm này vì trong làng, trong xã, chẳng ai còn mặn mà với nghề vất vả, thu nhập thấp này. Nhưng bà sẽ cố gắng từng ngày, sẽ tập để những sản phẩm từ gốm thật sự đẹp, hoàn hảo.
Đưa gốm thành sản phẩm du lịch
Để nghề gốm không bị thất truyền, nhiều năm qua, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền của cộng đồng các dân tộc tại chỗ trên địa bàn huyện Kon Rẫy được chính quyền huyện đặc biệt quan tâm.
Nổi bật là Đề án Phát triển du lịch gắn với việc bản tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Kon Rẫy giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025, trong đó có nghề làm gốm của người Ba Na.
Theo ông Trần Đình Trung, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kon Rẫy, công tác bảo tồn nghề gốm đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Khó khăn nhất là ngân sách huyện còn hạn chế, nguồn lực xã hội hóa về văn hóa, du lịch hầu như không có.
Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra không bán được hoặc người dân trong làng cũng ít dùng các sản phẩm từ gốm nên công tác truyền nghề, bảo tồn thực sự là thách thức lớn.
Ông Trung cho biết thêm hiện nay, công tác bảo tồn nghề gốm của người Ba Na ở Kon Rẫy chủ yếu là giữ nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân gắn với phát triển du lịch, không có mục đích về thương mại.
Số lượng nghệ nhân làm gốm không còn nhiều, tính kế thừa không được phát huy, sự xâm nhập của đồ gia dụng công nghiệp làm cho tập quán sinh hoạt của người dân thay đổi nhanh chóng dẫn đến việc bảo tồn rất khó khăn.
"Chúng tôi sẽ lồng ghép những hoạt động sản xuất gốm ở làng Kon Sơm Mlũh vào các tour du lịch, tạo điều kiện cho người làm gốm có thu nhập từ những sản phẩm họ làm ra để họ gắn bó với nghề," ông Trung cho biết.
Chúng tôi rời làng Kon Sơm Mlũh khi nắng chiều đã khuất sau núi. Giữa khoảng sân nhỏ, bà Y Pư đang miệt mài nhào nặn những khối đất sét vàng ươm chuẩn bị cho mẻ gốm mới. Bóng bà in dài trên mặt sân, lẻ loi, cô quạnh trong hành trình bảo tồn nghề gốm Kon Sơm Mlũh./.
Nguồn bài viết : Trò Chơi