Trong hai ngày 27 và 28/6, ban lãnh đạo chủ chốt của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) gồm Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi, Phó Tổng Giám đốc Đinh Đăng Quang, Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Minh (Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TTXVN) cùng lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc TTXVN đã có chuyến hành trình đến thăm thành phố Hải Phòng, nơi được xem là “thương cảng” ở miền Bắc với những công trình giao thông “vượt thời đại,” đồng thời cũng là vùng đất tâm linh in đậm dấu ấn những trận thủy chiến chống ngoại xâm của dân tộc.
Màu xanh Trường Sa trên đất Cảng
Chiều 27/6, ngay khi đặt chân đến vùng đất cảng, Đoàn công tác TTXVN đã tới thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang-quần thể lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng nổi tiếng, nơi ghi dấu các trận thủy chiến lớn trong lịch sử dân tộc, gắn liền với Đức vương Ngô Quyền, Lê Hoàn và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Tại đây, Đoàn công tác cùng lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức lễ dâng hương, đi thăm các khu rừng, vườn cây cổ thụ, và chụp ảnh lưu niệm tại khu vực tượng đài các bậc Đức vương.
Ấn tượng đặc biệt khi đến Khu di tích Bạch Đằng Giang, là ngoài việc được tận mắt chiêm ngưỡng vùng đất tâm linh, chúng tôi còn cảm nhận được sức sống căng đầy với bạt ngàn màu xanh của đảo cây Trường Sa, vườn cau cao ngạo nghễ trải dài như miệt vườn ở vùng đất Nam Bộ. Một không gian yên bình, mát mẻ.
Sở dĩ, tại Khu di tích Bạch Đằng Giang có hẳn khu đảo cây Trường Sa là bởi nơi đây có rất nhiều cây bàng vuông và mù u được các lãnh đạo, cán bộ thành phố và các chiến sỹ đang công tác tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa mang giống về ươm trồng. Nhiều nhất là cây bàng vuông. Đây là loại bàng có quả hình vuông 4 cạnh, khi chín quả có màu tím.
Hiện nay, cây bàng quả vuông có ở nhiều đảo nổi của quần đảo Trường Sa. Trong đó, nhiều cây bàng vuông ở Trường Sa đã được Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) công nhận là cây di sản với 8 nhánh.
Có một điều lý thú khác của những loại cây này là mặc dù sống trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng luôn trổ hoa và tỏa hương dịu nhẹ về đêm. Với ý nghĩa như vậy, rất nhiều cây bàng vuông và mù u đã được ươm trồng tại Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, anh Nguyễn Hoàng Long, Chánh Văn phòng Thành ủy Hải Phòng - một trong những người “mang màu xanh Trường Sa” về Khu di tích Bạch Đằng Giang kể, năm 2014, trong một lần cùng đoàn công tác thành phố Hải Phòng ra thăm đảo, anh đã được các bác hải đăng ở đảo Song Tử Tây và đảo Trường Sa lớn tặng cho 3 cây bàng vuông, đưa về nhà trồng để làm kỷ niệm.
Thế nhưng, khi mang về tới đất liền, vị cán bộ Thành ủy Hải Phòng lại thay đổi suy nghĩ “những cây xanh có giá trị về tinh thần này nếu được trồng ở nơi linh thiêng, gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc, của thành phố sẽ ý nghĩa và có sức lan tỏa tình yêu với biển đảo Trường Sa hơn.” Vì thế, anh Long đã quyết định mang “cây Trường Sa” tới trồng tại Khu di tích Bạch Đằng Giang.
[Cảng biển ‘lột xác" sau thập kỷ, chờ khơi thông dòng vốn]
Ngoài số cây được tặng, anh Long cho biết, một số cán bộ chiến sỹ công tác ở đảo Song Tử Tây là những người con đất cảng cũng gửi thêm một số cây bàng vuông, mù u về trồng và nhân giống ở khu di tích. Nhờ đó, đến nay, Khu di tích Bạch Đằng Giang đã có hẳn một khu rừng cây đảo Trường Sa xanh bạt ngàn.
“Việc cây bàng vuông và mù u được mang giống từ Trường Sa về ươm trồng ở đây không chỉ góp phần tuyên truyền về màu xanh ở trên các điểm đảo, mà còn cho thấy sức sống phi thường của vùng đất tâm linh. Khi người dân và du khách thập phương tới thăm quan sẽ thấy một điều gì đó đặc biệt, và thấy Trường Sa thêm gần hơn,” anh Long chia sẻ thêm.
Không chỉ nổi bật bởi những bức tượng bề thế được bố trí ở bên bờ sông lịch sử, và màu xanh bạt ngàn của cây cối, nơi đây còn được coi là điểm sáng về công tác quản lý và đảm bảo môi trường.
Ghi nhận của du khách khi tới thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang cho thấy, trong khi, nhiều điểm di tích văn hóa tâm linh khác trong cả nước đang tồn tại nhiều “điểm tối” trong việc quản lý các dịch vụ phát sinh thì nơi đây lại nổi lên như một điểm sáng về công tác quản lý với tiêu chí “3 không.” Đó là không phí dịch vụ, không rác thải và không hàng quán.
Chính sự khác biệt về cách quản lý và những điểm nổi bật về canh quan, màu xanh của cây cối đã góp phần quan trọng để Khu di tích Bạch Đằng Giang trở thành điểm đến mong đợi của du khách thập phương trong và ngoài nước đến thăm.
Những công trình mang tầm quốc tế
Hải Phòng từ lâu đã nổi tiếng là khu có cảng biển lớn nhất ở miền Bắc, một đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông thuỷ, bộ, đường sắt, hàng không trong nước và quốc tế, là cửa chính ra biển của thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Chính vì vậy trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng châu thổ sông Hồng, Hải Phòng được xác định là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh); là Trung tâm kinh tế-khoa học-kỹ thuật tổng hợp của Vùng duyên hải Bắc Bộ; và là một trong những trung tâm phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Để thấy những đổi thay cũng như diện mạo phát triển mạnh mẽ đó, sáng 27/9, Đoàn công tác Thông tấn xã Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi dẫn đầu đã tới thăm cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện I. Đây là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và một trong những cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á.
Cầu vượt biển có bề rộng 29,5m. Tổng chiều dài của dự án đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện là hơn 15 km với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần cầu dài 5,44km, bề rộng mặt cầu 16m với 4 làn xe chạy (bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ).
Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép dự ứng lực, không hạn chế các loại xe. Cầu kết nối các khu vực đang phát triển tại phía đông thành phố Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ, cũng như kết nối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Dự án này đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng và tiến độ triển khai cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Tiếp đó, Đoàn công tác tới thăm Cảng nước sâu Lạch Huyện. Đây là cảng cửa ngõ nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, tiếp nhận tàu trọng tải lớn lên tới 14.000 Teu (1 teu tương đương 1 container 20 feet), đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây. Qua đó tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics khu vực phía Bắc.
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Cảng container quốc tế Hải Phòng cho biết, trước đây để có tàu lớn cập cảng đi nước ngoài là rất hiếm, nhưng từ khi Cảng container quốc tế Hải Phòng được xây dựng và đưa vào vận hành từ ngày 13/5/2018, có thể nói đây là ước mơ của Hải Phòng của cả Miền Bắc. Bởi mỗi ngày Cảng có thể đón một lúc nhiều tàu lớn chở hàng chục ngàn container đi châu Âu và các châu lục trên thế giới.
Nuôi thiên nga bên bờ sông Tam Bạc
Cũng trong sáng 27/6, Đoàn công tác TTXVN đã tới thăm dòng sông Tam Bạc, nơi đang thử nghiệm nuôi thiên nga. Đây là một trong những hoạt động tạo điểm nhấn trong dự án chỉnh trang hai bờ sông Tam Bạc, hình thành phố đi bộ.
Dự án này đang được thành phố Hải Phòng gấp rút hoàn thành, dự kiến đưa vào hoạt động trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý 2020.
Theo đó, khi phố đi bộ chính thức đi vào hoạt động ngoài mang lại hiệu quả về cải thiện tình hình giao thông, còn góp phần quảng bá, nâng cao giá trị văn hóa du lịch, phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.
Hiện trên sông Tam Bạc có 40 cá thể thiên nga trắng được nhập từ Hà Lan.
[Hải Phòng: Tạm giữ 10 người điều tra vụ “đảo vé” tại bến phà Gót]
Để đảm bảo cho bầy thiên nga trên sông Tam Bạc sinh trưởng và phát triển, quận Hồng Bàng đã cho làm 3 ngôi nhà nổi, mỗi nhà rộng khoảng 14 m2, với chiều cao thích hợp để thiên nga dễ dàng lên xuống. Hàng ngày, thiên nga được cho ăn, thả bơi trên sông để phục vụ “sự hiếu kỳ” của người dân địa phương và khách du lịch.
Cuối hành trình, Đoàn công tác TTXVN ghé thăm Di tích Nhà hát lớn Hải Phòng, nơi được xem là “trái tim” của thành phố cảng. Cùng với việc phát triển đô thị, Nhà Hát lớn Hải Phòng được hình thành từ đầu thế kỷ 20.
Công trình này được xây dựng theo nguyên mẫu nhà hát Paris, nguyên vật liệu xây dựng mang từ Pháp sang, việc thi công do thợ và nhân công Việt Nam thực hiện dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Pháp.
Nhà hát thành phố Hải Phòng gắn liền với lịch sử thời kháng chiến chống Pháp. Ngày 20/11/1946, tại đây đã diễn ra trận đánh đẫm máu để bảo vệ thành phố. Ngày nay, công trình này là nơi diễn ra nhiều hoạt động míttinh, biểu diễn văn nghệ, vui chơi giải trí của người dân vào những dịp quan trọng, lễ tết.
Có thể nói rằng, Hải Phòng là nơi có lịch sử vinh quang ngàn năm, một vùng đất hội tụ đầy đủ khí thiêng sông núi. Nơi đây không chỉ có những khu di tích tâm linh gắn với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, những công trình kiến trúc cổ kính, mà còn phát triển mạnh mẽ như vũ bão nhờ quyết tâm xây dựng những công trình giao thông, cầu cảng hiện đại, để hội nhập với quốc tế.
Tất cả những yếu tố trên đã và sẽ làm cho Hải Phòng trở thành một địa danh du lịch thân thiện, một thương cảng nổi tiếng trong nước và quốc tế, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của miền Bắc Việt Nam../.
Nguồn bài viết : Xóc Đĩa