Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải đi đầu về phòng chống tham nhũng

2025-01-20 20:14:07

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Phạm Văn Hòa trả lời phỏng vấn báo Tin tức bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Chí Bình.

Phải xử lý nghiêm để răn đe, làm gương

Theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tháng 4/2019, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành quyết định lập đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch; công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và công tác quản lý đầu tư tại một số dự án ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ đầu tháng 6, trong thời gian đoàn làm việc tại huyện Vĩnh Tường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận được nhiều đơn tố cáo của một số doanh nghiệp, UBND xã, cá nhân đối với đoàn vì có hành vi lợi dụng nhiệm vụ thanh tra, ép các doanh nghiệp, UBND các xã ở Vĩnh Tường phải đưa tiền để được xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Vĩnh Phúc thành lập Tổ công tác để điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc các cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng “vòi tiền” các doanh nghiệp ở đây.

Đây không phải là lần đầu tiên những vụ tiêu cực, tham nhũng vặt của các cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhưng lại là người tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Phó ban Nội chính Trung ương, Nguyễn Thái Học cho rằng: Thanh tra chuyên ngành không phải là cơ quan chống tham nhũng, nhưng hoạt động thanh tra, kiểm tra có vai trò hết sức quan trọng trong phát hiện sai phạm, ở đây là lĩnh vực xây dựng. Như vậy, thanh tra chuyên ngành cũng góp phần phát hiện ra sai phạm trong lĩnh vực xây dựng để chấn chỉnh, khắc phục, song lại vi phạm. Điều này khiến dư luận, người dân bức xúc.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Phạm Văn Hòa nhận định: Nếu quá trình điều tra kết luận lực lượng thanh tra có sai phạm thì đây là chuyện lớn. Bởi lực lượng thanh tra để phát hiện, xử lý sai phạm thì lại sai phạm.

“Các cơ quan chức năng cần phải làm rõ, trả lời công luận về vụ việc. Nếu có sai phạm vòi vĩnh, đòi chung chi phải xử lý nghiêm để răn đe, làm gương”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.  

Ghi âm, ghi hình nơi tiếp xúc người dân, doanh nghiệp

Theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu rõ: Ngày 22/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Về cơ bản, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức đã tổ chức triển khai nghiêm túc và đạt được kết quả bước đầu, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật… sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong một số lĩnh vực (hải quan, thuế, quản lý thị trường…) và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương và bộ, ngành. Đồng thời, dư luận xã hội cũng bức xúc về sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát, nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của một số lĩnh vực nhạy cảm khác (điều tra, thi hành án, kiểm toán, tổ chức nội vụ…).

Trước tình hình nêu trên, để chủ động phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp:

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước; phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ. Từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.

Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật có yếu tố nhạy cảm cao trong việc chấp hành những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong thực thi công vụ, đồng thời, lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên…

Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Công điện này; định kỳ hàng năm báo cáo tình hình thực hiện về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh.

V.T/Báo Tin tức
Xử lý nghiêm hành vi 'vòi vĩnh' trong các đơn vị phòng chống tham nhũng

Ngày 17/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có công văn số 219-CV/BCĐTW gửi Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Nguồn bài viết : VA Điện Tử

Top