Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi
Nghị định quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi như sau:
1- Mọi tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý theo quy định của pháp luật.
2- Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước.
3- Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị.
4- Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
5- Việc quản lý, sử dụng đất thuộc phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về thủy lợi, pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật có liên quan.
Đối tượng được giao tài sản có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
6- Đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã giao cho doanh nghiệp quản lý theo hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không thực hiện các nội dung quy định tại Mục 1, Mục 2, Mục 3, Mục 4 và Mục 5 Chương II Nghị định này; đối với các trường hợp giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này thì không thực hiện các nội dung quy định tại Mục 2, Mục 3, Mục 4 và Mục 5 Chương II Nghị định này.
Việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản giao cho doanh nghiệp theo hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về thủy lợi, pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:
Việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phải bảo đảm quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi giao cho doanh nghiệp quản lý.
Việc xác định chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng, pháp luật về thủy lợi. Chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được tính vào giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo quy định của pháp luật về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo quy định tại Mục 6 Chương II Nghị định này.
Đối với công trình thủy lợi không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích thủy lợi mà doanh nghiệp tự nguyện trả lại đất gắn với công trình đó cho địa phương thì việc thu hồi đất và việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai, thực hiện quản lý, sử dụng đất gắn với công trình theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thủy lợi và pháp luật có liên quan.
7- Việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn phát triển hạ tầng thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
2 phương án phân loại tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi
Nghị định nêu rõ phân loại tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo 2 phương án: Phân loại theo chức năng của tài sản và phân loại theo cấp quản lý.
Phân loại theo chức năng của tài sản gồm:
a- Đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi.
b- Trụ sở làm việc, văn phòng làm việc của đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
c- Tài sản khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi gồm: Nhà quản lý, trạm quản lý, đường quản lý; thiết bị quan trắc; kho, bãi vật tư, vật liệu; cột mốc chỉ giới, biển báo và các công trình, vật kiến trúc khác phục vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Phân loại theo cấp quản lý gồm:
a- Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
b- Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh là các công trình thủy lợi không thuộc phạm vi điểm a khoản này.
Nghị định nêu rõ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia được xác định theo quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, do UBND cấp tỉnh quản lý, UBND huyện quản lý; Hồ sơ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi...
Nguồn bài viết : V8 Game Bài 3d