Chủ tịch nước đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Lào luôn hướng về đất nước |
Á hậu Lào Xanita Savengxok và tình yêu với Việt Nam |
Ông Lê Reo là một cựu binh tình nguyện giúp Cách mạng Lào. Ngay từ ngày đầu bước vào quân ngũ, ông đã có thói quen cất giữ từng bài báo, mẩu giấy bị ố vàng hay đồ vật được người dân Lào cho, tặng. Đồng đội nói ông lẩn thẩn, với ông đó là tình yêu.
“Bảo tàng” của tình yêu Lào
Buổi chiều muộn tháng 8, vợ chồng ông Lê Reo vẫn cặm cụi sắp xếp những đồ vật bộn bề trong căn nhà nhỏ.
Căn nhà của ông bà, tổng diện tích khoảng 60-70m2, chia thành 5 gian. Chỉ trừ gian bếp, hầu hết không gian còn lại của ngôi nhà đều được bày những đồ vật, bộ hồ sơ nhìn rất bình dị, cũ kỹ, phân loại khá công phu nhưng không để sử dụng mà để trưng bày.
Ngôi nhà đơn sơ giống như một thư viện thu nhỏ. Tại đây, lưu giữ gần 60 kỷ vật, gần 1.000 đầu sách và hơn 10.000 tờ báo về Lào, trong đó có nhiều cuốn sách quý như: “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” hay các cuốn sách song ngữ về quan hệ Việt Nam - Lào. Tất cả được ông xếp ngay ngắn trên 3 tủ sách lớn, cao 6 tầng, mỗi tầng được đánh dấu cẩn thận bằng từng tờ giấy nhỏ, như những “mục lục” của các thư viện cho dễ tìm. Đó là những thứ mà ông xem như tài sản vô giá của đời mình.
Nhớ lại những ngày đóng quân ở bản Khăng Khố (thị xã Sầm Nưa, Lào) giữa năm 1965, ông cùng đồng đội nhiều ngày liền sống trong cảnh thiếu đói. “Thấy bộ đội gầy gò xanh xao, một bà mẹ Lào trong bản thương xót sai con gái mang cho mấy típ xôi còn nóng hổi ăn tạm. Bà còn gửi thêm cho đồng đội”, ông nhớ lại. Từ đó ông giữ chiếc típ đựng xôi như một kỷ vật và được trưng bày tại vị trí trang trọng trong nhà.
Ông Lê Reo bên hiện vật sưu tầm (Ảnh: Vũ Lan). |
Nhưng phải sau sự kiện ở Na Long, ông mới chính thức nguyện trở thành người lưu giữ lại những kỷ vật về đồng đội và đất nước con người Lào.
“Năm 1968, tại Na Long, đồng đội tôi đã có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ hi sinh. Họ đều ở tuổi 19-20. Sự kiện này đã khiến một vị tướng phải quỳ sụp xuống trước thi thể các đồng đội tôi mà khóc”, ông nhớ lại.
Sưa tầm kỷ vật với ông như giời hành, ông không ngại nắng, mưa, lặn lội khắp nơi tìm kiếm đồ vật của chiến trường xưa để làm dày thêm công trình đồ sộ của mình. Dọc các tỉnh thành trên dải đất hình chữ S, nơi đâu có đồng đội đang gìn giữ các kỷ vật ông đều đi đến tận nơi, tận tay mình mang về trưng bày, cất giữ.
Ông kể: “Khoảng đầu năm 2022, nghe tin ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), có đồng đội lưu giữ nhiều kỷ vật, bất chấp trời đang tiết đông lạnh, tôi lại đi tìm.
Từ 5 giờ sáng, tôi cùng vợ xách máy ảnh, cưỡi trên chiếc xe Cup 50 cũ kỹ vượt hơn 70km đường tìm đến nhà đồng đội. Sau khi giữ vợ chồng tôi ở lại ăn trưa, đồng đội đã trao lại cho tôi một chiếc bình tông đựng nước, một con dao nhíp được bạn giữ từ những năm tháng trong chiến trường”.
Cũng có những đồng đội tin tưởng tìm đến tận nhà trao lại cho ông những kỷ vật nhờ ông lưu giữ. “Ông Nguyễn Văn Thi (giờ đã 82 tuổi, ở huyện Triệu Sơn) dùng chiếc chăn chiên đắp cho một đồng đội bị thương nặng, sau đó còn cứu sống chính ông Thi qua trận sốt rét khủng khiếp, kéo dài cả tháng trời. Nó là vật gối đầu giường của ông Thi suốt bao năm qua, nhưng vì trân trọng tấm lòng của người đồng đội, ông Thi chia cho tôi một nửa”, ông Reo kể.
Cứ như thế, trong suốt hành trình dài đi sưu tầm kỷ vật, ông đã mang về cho mình nhiều đồ vật quý như: cuốn sổ nhật ký tác chiến, bộ quân phục đã sờn màu, những tấm Huân, huy chương do Chính phủ Lào tặng thưởng….
Một điều rất kỳ lạ là, trong ngôi nhà đơn sơ mọi đồ vật đều đơn giản đến lạ thường ấy thì ông Reo vẫn rất cẩn thận, tỉ mỉ chăm chút cho từng món kỷ vật có được. Ngôi nhà không điều hòa, không loa đài, ti vi hiện đại, chiếc giường ngủ đã cũ, hai chiếc quạt điện cơ 91 chạy trong phòng khách thế nhưng ông lại đặc biệt lắp 2 chiếc quạt lớn, bật liên tục để giữ cho sách báo, tư liệu khỏi bị ẩm mốc.
Bên ngoài kệ sách, ông ghim một lớp sắt lưới mắt cáo lỗ nhỏ xung quanh để cố định tư liệu cũng để tránh chuột gặm nhấm. Ông nói, lương hưu của ông bà hơn 8 triệu đồng/tháng và công sức, thời gian đều được dành cho việc tìm kiếm, sưu tầm, bảo vệ, giữ gìn kỷ vật.
Gừng cay, muối mặn trên… “đường tình”
Tâm tư của ông bà không phải ai cũng hiểu. Họ bảo ông là người thừa hơi, lẩn thẩn, làm những việc không đâu, nên để tiền lo những lúc đau ốm về già. Dù vậy, nhưng ông luôn gạt sang một bên để thực hiện tâm nguyện.
“Thứ tôi muốn giữ là những kỷ vật, kỷ niệm về những người đồng đội của tôi. Qua đó gợi lại về quãng thời gian tình nghĩa tôi được sống và chiến đấu trên đất bạn Lào. Nếu bây giờ tôi không tìm kiếm, lưu giữ lại những kỷ vật, để mất đi rồi sau này không thể tìm lại được nữa”, ông Reo tâm tư.
Hàng ngày, ông Lê Reo vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu đã ghi chép về chiến trường xưa (Ảnh: Vũ Lan). |
May mắn trong hành trình tìm kiếm kỷ vật đó, ông luôn nhận được sự ủng hộ từ vợ là bà Đỗ Thị Yên (76 tuổi). “Để cho ông có chi phí đi lại, tôi phải tự tính toán chi tiêu, ăn uống trong nhà. Có thời điểm, mức lương hưu hơn 8 triệu đồng/tháng, ông bà cũng chỉ đủ dành cho đi lại”, bà Yên kể.
Nỗi lòng mong ước
Tham gia cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”, với ông Lê Reo, đó còn là cách để thực hiện một tâm nguyện khác. Trong số 60 kỷ vật dự thi, có 4 tấm Huân chương Itxala (Huân chương Tự do hạng nhất).
Nhiều tài liệu được ông bà lưu lại rất có giá trị (Ảnh: Vũ Lan). |
4 tấm Huân chương do ông Lê Quang Thời (Quảng Xương, Thanh Hóa) trao cho ông Lê Reo trước khi chuyển vào Nam sinh sống.
Suốt hơn 20 năm qua, ông cùng đồng đội vẫn tìm kiếm thông tin để gửi lại 4 tấm huy chương cho người thân của 4 liệt sĩ.
“Tôi hi vọng, một ngày nào đó gia đình của 4 liệt sĩ sẽ biết được thông tin mà tìm đến để đón nhận niềm vinh dự, tự hào về con em mình. Vì thế, tôi đã mang tất cả những kỷ vật đang có gửi gắm vào cuộc thi”, ông Reo tâm sự.
Lớn hơn cả, ước nguyện của ông là có được một Bảo tàng lưu giữ kỹ vật đã dày công sưu tầm từ Lào.
“Tôi mong muốn thông qua những kỷ vật, tư liệu được lưu trữ để lan tỏa xa hơn tình đồng đội, đồng chí, lòng dũng cảm chiến đấu hi sinh của những cựu quân tình nguyện Việt Nam trên đất Lào. Xa hơn nữa ông mong ước tình yêu cách mạng sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, tình hữu nghị, đoàn kết Việt - Lào sẽ được vun đắp sâu sắc hơn”, ông chia sẻ.
Đáp lại tình cảm và nỗ lực suốt nhiều năm của vợ chồng ông Lê Reo, những người bạn Lào đã bày tỏ sự tri ân. Năm 2019, ghi nhận những đóng góp của ông bà với sự nghiệp cách mạng Lào, lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn, đã chủ trì tổ chức lễ cưới vàng (50 năm) cho ông bà Lê Reo và 4 cặp vợ chồng cựu binh tình nguyện khác, theo đúng nghi thức cưới hỏi của người Lào.
“Đó là một kỷ niệm, là niềm vinh dự và hạnh phúc không thể nào quên. Chúng tôi được chính lãnh đạo tỉnh Hủa - Phăn làm đại diện trưởng ban tổ chức lễ cưới, được vẩy nước “hỏi sẳng” và buộc chỉ cổ tay, ăn trứng luộc…”, ông Reo kể.
Năm 1965, ông Lê Reo ra chiến trường, với chức vụ cán bộ tuyên huấn tại Trung đoàn 217 Công Binh. Đơn vị của ông đóng quân tại tỉnh Sầm Nưa và tỉnh Xiêng Khoảng (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào). Năm 1969, ông làm đám cưới với bà Đỗ Thị Yên. Bà là đồng đội và là y tá thường chăm sóc cho ông. Đến năm 1975, ông rời đất nước Lào trở về Thanh Hóa sống và làm việc. Phó Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Chanthaphone Khammanichanh nhận xét: “Trong số các kỷ vật được vợ chồng cựu chiến binh Lê Reo trao tặng có những kỷ vật được lưu giữ hơn nửa thế kỷ, gắn liền với quan hệ Việt - Lào và những năm tháng trong chiến tranh gian khổ của cựu quân tình nguyện Việt Nam. Nếu không có những hiện vật, kỷ vật của các bác thì thế hệ sau không thể biết được các bác đã chiến đấu, giúp cách mạng Lào như thế nào?”. |
Trưng bày Không gian giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại Lào năm 2022 |
Tình cảm ấm áp của người nhạc sĩ Lào luôn dành tình yêu đặc biệt cho Bác Hồ |