Thống kê tập trung

2025-01-16 21:48:15

Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.

Sau 3,5 ngày làm việc, Kỳ họp bất thường đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và tiến hành Phiên bế mạc.

Nhận định về kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận.

Với tinh thần đó, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.

Trong đó, với việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đất đai sửa đổi. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng thời cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

Dự án Luật đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Quốc hội vừa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó có điều chỉnh theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc bán bảo hiểm của các ngân hàng thương mại.

Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có tác động sâu rộng thì Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là dự án luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật được thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng, phù hợp với đường lối, chính sách và Hiến pháp 2013.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp lần này với 450 đại biểu tán thành (chiếm 91.28% tổng số đại biểu Quốc hội) góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh hai dự án Luật, Quốc hội đã thông qua hai Nghị quyết. Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gồm 6 điều, quy định về 8 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Nghị định cũng cho phép sử dụng dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để bổ sung cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện Quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu./.

(Vietnam+)
Top