Một nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh cho thấy 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới. Điều này phần nào giải thích cho thực tế chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có việc làm ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, lợi ích của người lao động) và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.
Bên cạnh đó, tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức đáng báo động. Theo đó, 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ rằng họ bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới.
Tuy nhiên, những con số kể trên chưa thể phản ánh đầy đủ về bức tranh cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam do chưa đề cập đến cộng đồng người chuyển giới nam, những người chuyển giới chưa lộ diện và chưa đến độ tuổi thành niên.
Theo trung tâm Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng, các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Họ bị bắt nạt tại trường học, bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở chính gia đình và nơi công cộng. Cơ hội tiếp cận với việc làm và y tế của họ cũng bị giới hạn, đặc biệt đối với những người dũng cảm bộc lộ bản dạng giới và sống đúng với giới tính mình mong muốn.
Tại Hội thảo tập huấn báo chí về luật cho người chuyển giới được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, bà Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên pháp chế Bộ Y tế, cho biết hiện Bộ Y tế cũng đã hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ thủ tục theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đưa dự thảo Luật chuyển đổi giới tính trình Quốc hội.
Tuy nhiên, cùng một thời điểm này, Bộ cũng đang trình lên Quốc hội 4 dự luật khác. Do ta đang ưu tiên cho những vấn đề liên quan đến đại đa số dân chúng, nên dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vẫn còn đang trong giai đoạn “xếp hàng”.
Nguồn bài viết : Xổ số miền Bắc thứ Hai