Theo các già làng, để chuẩn bị cho Lễ cúng bến nước, nhiều ngày trước đó, già làng, trưởng buôn đã thông báo, họp bàn với dân làng về công tác tổ chức. Mỗi người được giao một phần việc cụ thể: thanh niên trai tráng thì được giao làm vệ sinh bến nước và sửa đường vào bến nước; phụ nữ, người già thì dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm; từng thành viên trong buôn đều đóng góp sức người, sức của. Theo phong tục, lễ cúng bến nước được diễn ra trong 3 ngày.
Nghi lễ tại nhà chủ bến nước. (Ảnh: Báo Đắk Lắk)
Chủ bến nước còn là chủ đất, rừng và chủ buôn. Chủ bến nước có quyền cho người khác dòng họ được định cư tại buôn, làng mình, có quyền cấp đất ở, đất làm rẫy, đất chôn cất người chết, có quyền cho phép mọi người khai thác lâm sản trong những khu rừng thuộc cộng đồng mình quản lý.
Ngày đầu tiên, ngay từ sớm, người dân trong buôn đã tập trung đông đủ tại nhà chủ bến nước. Những chàng trai khỏe mạnh thì chuẩn bị các lễ vật, còn các thiếu nữ và người già thì lo việc bếp núc. Các lễ vật không thể thiếu trong ngày lễ gồm: 1 con heo đực đen; 9 ché rượu cần được buộc vào các cột Gơng thành một hàng dọc ở gian khách ngôi nhà dài (trong đó 3 ché dùng để cúng cho chủ bến nước, 3 ché cúng cho chủ nhà và 3 ché để đãi khách gần xa). Thịt heo thái nhỏ bày thành năm món đựng vào nia; trầu cau, gạo, cơm xôi, thuốc bày bên các ché rượu cần; tiết heo có pha chút rượu được đựng vào chén đồng. Khi chiêng ngân vang bài “Gọi Yàng” thì cũng là lúc những chàng trai khỏe mạnh trong buôn cầm ống nước bằng tre lần lượt đổ vào các ché rượu cần để mời Yàng và ông bà tổ tiên về uống rượu, chứng kiến buôn, làng làm lễ cúng bến nước.
Thầy cúng mang lễ vật cùng đoàn trai gái ra bến nước cúng. (Ảnh: Thanh Niên)
Khi lễ vật tại gia đình nhà chủ bến nước đã chuẩn bị xong, thầy cúng tay cầm một tô tiết heo có pha rượu, 5 đùm thịt heo thái nhỏ đựng trong nia và 1 chai rượu đi trước, theo sau là già làng tay cầm khiên, đao, chít khăn đỏ để bảo vệ thầy cúng; nối tiếp là 5 cô gái trong trang phục truyền thống, gùi những quả bầu khô cùng 5 người con trai vác theo các ống nước bằng tre cùng ra bến nước để làm lễ.
Sau khi thầy cúng cúng xong ở bến nước sẽ cầm khiên, đao chọc vào dòng nước với ngụ ý đuổi cái xấu đi để nguồn nước được trong lành, thông suốt. Sau đó các cô gái, chàng trai mang những quả bầu khô và ống tre hứng những giọt nước mát lành và mang về nhà tiếp tục đổ vào các ché rượu cho thật đầy, mời bà con họ hàng cùng khách quý uống rượu và chung vui hết ngày.
Các thiếu nữ Ê Đê xinh đẹp hứng từng bầu nước mát dưới bến, mang về phân phát cho người dân trong buôn để lấy lộc. (Ảnh: Tin Tức)
Ngày thứ 2 sẽ là ngày cấm buôn. Nghi lễ và mọi công tác chuẩn bị đều được diễn ra tại cổng làng. Lễ vật cần chuẩn bị bao gồm: 1 con gà trống trắng; 1 ché rượu, sợi chỉ bông, gạo, đèn cầy.
Già làng kêu gọi người dân trong buôn tới nhà chủ bến nước. Hai bên cửa nhà của chủ bến nước treo sợi chỉ hồng, lòng gà và vòng Kông làm bằng tre. Đường vào buôn sẽ có cây chắn ngang, buộc các loại dây treo như sợi chỉ hồng, lông gà… để báo cho khách xa biết hôm nay trong buôn làng có việc, cấm người lạ vào buôn.
Trong ngày này mọi sinh hoạt của người dân trong buôn như gùi nước, chẻ củi, giặt giũ… đều bị cấm; nếu ai vi phạm sẽ bị phạt uống rượu 3 ngày và hút 1 điếu thuốc. Thầy cúng đọc bài cúng hòa với tiếng chiêng; cúng xong thầy cúng cầm cần rượu trao cho chủ bến nước (chủ nhà), rồi bà con dân làng theo thứ tự nữ uống trước, nam uống sau. Sau đó thầy cúng phát gạo, sợi chỉ hồng cho các gia đình trong buôn mang về nhà cúng tại nhà riêng và thầy cúng buộc sợi chỉ vào tay các thanh niên tới dự lễ. Sợi chỉ này không được tháo gỡ và xem như đó là vật linh thiêng phù hộ cho mình may mắn trong cả năm. Nếu trời có giông bão, mưa không thuận, gió không hòa thì mang hạt gạo đó rải trước sân nhà cầu mong nắng mưa thuận lợi.
Thầy cúng chia thức ăn vừa cúng cho mọi người lấy lộc, no ấm đầy đủ. (Ảnh: Tin Tức)
Ngày thứ 3 sẽ mở cổng buôn. Đây là nghi thức để kết thúc Lễ cúng bến nước. Lễ vật bao gồm: 1 ché rượu và 1 con gà trống; đèn Kông làm bằng đồng, gạo đựng trong nia, đèn cầy.
Thầy cúng, già làng, chủ bến nước cùng ra mở cổng làng, sau đó về nhà cột một ché rượu nhỏ, một con gà và đọc lời khấn với ý nghĩa kết thúc nghi lễ, cho phép bà con dân làng được đi săn, bắt cá, thăm nương rẫy và sinh hoạt bình thường…
Hiện nay, để giảm thủ tục, nhiều thôn, buôn làng của người Ê đê đã rút ngắn Lễ cúng nước xuống còn 1 ngày so với trước đây. Việc giảm bớt này giúp bà con có thể lưu giữ và bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của cha ông mà ngày lễ vẫn ý nghĩa, tiết kiệm.
Nam Yên
Nguồn bài viết : WM Trực Tuyến