Cụ bà “giữ lửa” cho gia đình tứ đại đồng đường ở Thủ đô

2025-01-17 19:21:32

Tấm gương cần mẫn lao động

Ngôi nhà của gia đình tứ đại đồng đường như có sự tách biệt hoàn toàn với nhịp sống ồn ào bên ngoài. Trong khuôn viên rộng chừng 200m2 là những căn nhà ngói đơn sơ được xây sát nhau theo lối kiến trúc Pháp cổ, ở giữa là khoảng sân chung rộng rãi.

Cụ Quỳ quây quần bên con cháu

Theo ông Hùng, khu nhà có tuổi đời ngót 100 năm. Đến nay, dù trải qua bao nắng mưa, thăng trầm nhưng gia đình ông vẫn cố gắng duy trì căn nhà nguyên trạng, không hề tu bổ, chỉnh sửa. "Làm như thế để lưu giữ những giá trị cổ có từ đời cha ông, truyền lại cho các thế hệ mai sau", ông Hùng lý giải.

Ông Hùng cho rằng, để duy trì sự gắn bó, hòa thuận trong đại gia đình, công lao lớn thuộc về cụ Lê Thị Quỳ – người cao tuổi nhất trong gia đình. "Người xưa có câu "phúc đức tại mẫu". Gia đình tôi duy trì được sự gắn kết, bền chặt cũng bởi luôn có cụ làm người “giữ lửa", ông Hùng nói về mẹ mình.

Hơn 80 tuổi nhưng cụ Quỳ vẫn minh mẫn và nhanh nhẹn. Hàng ngày, dù tuổi cao sức yếu, cụ luôn cần mẫn lao động, sống không phụ thuộc vào con cái.

Cụ bà hơn 80 tuổi chính là người "giữ lửa" trong gia đình

Cụ Quỳ có sạp hàng bán đồ khô ngay trước cửa ngõ. Cụ cho biết: “Hàng ngày tôi cứ phải bán hàng cho vui. Đến giờ ăn cơm trưa thì tôi dọn vào, chiều ngủ dậy lại bày ra. Như vậy, tôi còn được vận động, người ít bệnh. Với lại ngồi bán hàng như thế, được nói chuyện với mọi người, đầu óc rất khuây khỏa. Khi không có khách thì tôi ngồi đọc báo”.

Nói về người mẹ già cả vẫn thích bán hàng, ông Hùng chia sẻ: “Mẹ tôi là người phụ nữ luôn vận động. Chúng tôi – các con cháu chắt của cụ thường trêu cụ là giám đốc siêu thị dù bán hàng có ngày chẳng được lời lãi, vì tuổi già thường xuyên bị nhầm lẫn giá cả. Các con cháu học được từ cụ tấm gương về niềm vui lao động, sự vận động trí óc không ngừng”.

Bà Nguyễn Thanh Tần – giáo viên về hưu, con dâu thứ 2 của cụ Quỳ chia sẻ: “Hàng ngày nhìn thấy hình ảnh mẹ già hơn 80 tuổi vẫn ngồi bán hàng và miệt mài đọc báo, các con cháu trong nhà tự hào lắm. Vì thế con cháu nào của cụ cũng luôn tự giác học tập, cố gắng phấn đấu và sống có ích cho gia đình, xã hội”.

Cụ vẫn bán hàng dù tuổi cao sức yếu

Nhà cụ Quỳ có 6 người con, đều thành đạt. Người làm bác sĩ, nhà báo, doanh nhân; người lại làm công tác nghiên cứu… Theo nếp nhà, các cháu cụ Quỳ cũng tự giác học tập và học giỏi. Hiện các cháu của cụ có công việc ổn định như: kỹ sư, cán bộ nghiên cứu khoa học…

Giữ nếp nhà

Vì cụ ông là con trưởng của dòng họ nên 1 năm gia đình 4 thế hệ này có 7 cái giỗ chính phụ khác nhau. Mỗi lần nhà có công việc hay tụ tập là tất cả các thành viên đều sum họp đầy đủ.

Đại gia đình quây quần bên nhau

“Các con cháu luôn tự hào về gia đình “tứ đại đồng đường”; với truyền thống học hành, nếp nhà riêng. Thành viên nào cũng luôn cố gắng phát huy truyền thống và có ý thức bổ sung vào gia phả gia đình”, ông Hào Hùng nói.

Từ khi các con còn nhỏ, gia đình luôn duy trì bữa cơm chung với ngày 3 bữa ăn tại nhà. Theo bà Nguyễn Thanh Tần: “Gia đình chúng tôi không bao giờ ăn ngoài. Các con tôi từ ngày bé đến khi trưởng thành chưa khi nào mang đồ ăn sáng đến trường. Mà đã nấu cơm tại nhà, chúng tôi cũng không xuề xòa, qua loa. Mâm bát được đặt cân đối và các món ăn phải đa dạng đẹp mắt. Đặc biệt, tất cả mọi người cùng ngồi vào bàn ăn một lúc, chứ không kẻ ăn người không ăn”.

Khi có con dâu, cụ Quỳ luôn dạy: nhà đông người nên ai cũng phải thẳng thắn chia sẻ và giao tiếp nhã nhặn với nhau. Bản thân cụ chính là tấm gương để các nàng dâu noi theo khi luôn yêu thương con dâu như con gái và đối xử công bằng với họ.

Cụ luôn đối xử công bằng với các con, không phân biệt con dâu hay con gái

“Lúc các con dâu mới về nhà này, chúng cũng lạ nước lạ cái lắm. Vì thế, tôi cứ hướng dẫn và dạy các con theo đúng nếp nhà mình. Với những khuyết điểm nhỏ của con thì xuê xoa và lờ đi, coi như không thấy. Nhưng nếu con có khuyết điểm lớn thì nói trực tiếp hoặc gián tiếp cho con hiểu. Đặc biệt, mẹ chồng nàng dâu có gì không vừa ý, tôi thường nói luôn và không bao giờ phải thông qua con trai”, cụ Quỳ tâm sự.

Theo các thành viên, nếp nhà của gia đình 4 thế hệ đã ăn sâu vào mỗi người và trở thành thói quen khó bỏ. Chẳng hạn như đức tính tiết kiệm khi chi tiêu. Bởi thế, dù họ có những lúc thiếu thốn nhưng cũng không ai hay biết. Hay khi họ có cũng không bao giờ lãng phí, phòng lúc cơ nhỡ, ốm đau.

An Vinh

Nguồn bài viết : XSMN

Top