Cần làm rõ các khoản thu chi trong nhà trường TH Trần Tế Xương?

2025-01-17 19:21:32

Đây là ý kiến của bà Phạm Kim Hòa – Kế toán Phòng GD&ĐT thành phố Nam Định khi trao đổi với phóng viên (PV) báo Thời Đại chiều ngày 27/10/2015. Được biết, Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định có văn bản số 1020/SGDĐT-KHTC ngày 08/9/2015, về việc chấn chỉnh việc lạm thu năm học 2015 – 2016, có đoạn viết: “Thời gian qua hầu hết các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện các khoản thu, chi theo hướng dẫn. Tuy vậy, vẫn còn một số cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng, cần chấn chỉnh”.

Văn bản số 1020/SGDĐT-KHTC ngày 08/9/2015 văn bản số 1020/SGDĐT-KHTC ngày 08/9/2015

Để có thông tin chính xác, khách quan đến tiến trình, kết quả thực hiện các khoản thu trong nhà trường năm học 2015 – 2016 theo các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, PV đã liên hệ làm việc với Trường Tiểu học Trần Tế Xương, TP Nam Định.

Chiều ngày 22/10/2015 làm việc với PV về nội dung nêu trên có bà Vũ Thị Thúy Vân – Hiệu trưởng, bà Vũ Thị Minh Nguyên – Phó Hiệu trưởng, bà Dương Thị Hải – Nhân viên Y tế nhà trường. Tại buổi làm việc, bà Thúy Vân cung cấp cho PV tờ trình số 29/TTr-THTTX ngày 25/9/2015 của Nhà trường về việc thu các khoản đóng góp thỏa thuận năm học 2015 – 2016; Biên bản họp chi hội phụ huynh nhà trường ghi ngày 25/9/2015.

Bà Vân cho biết: “Nói chung là vấn đề thu chi là nhà trường thực hiện theo các văn bản hướng dẫn. Tiền tăng cường cơ sở vật chất tiểu học thu 200.000đ/hs/năm, nhà trường thu xong là đi nộp vào kho bạc nhà nước của Thành phố. Đến thời điểm hiện tại trường có 452 em học sinh, tháng 10 này trường bắt đầu thu tiền theo tờ trình”.

Bà Vũ Thị Thúy Vân – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Tế Xương, TP Nam Định

PV hỏi khoản thu hộ chi hộ là tiền nuôi ăn và phục vụ bán trú nhà trường ghi chép thế nào, có lên báo cáo tài chính năm nộp cho Phòng Tài chính kế hoạch không?

Hiệu trưởng Thúy Vân cho biết: “Tiền nuôi ăn và phục vụ bán trú trường thu 23.800đ/hs/1ngày đối với lớp 1 và 2, thu 25.000đ/hs/1ngày đối với lớp 3 và 4, trường có khoảng 300 em học sinh ăn bán trú. Tiền nuôi ăn phục vụ bán trú nhà trường có ghi chép vào sổ kế toán. Bọn chị (trường TH Trần Tế Xương – PV) là Phòng Giáo dục quản lý, cho nên mỗi một quý là báo cáo lên Phòng Giáo dục, còn Phòng Tài chính mình (trường TH Trần Tế Xương – PV) không báo cáo”.

Về việc thu bảo hiểm y tế học sinh (BHYT), bà Dương Thị Hải cho hay: “Đến nay nhà trường đã thực thu tiền BHYT là 423 em học sinh. Thời gian thu là 15 tháng từ tháng 10/2015 đến hết tháng 12/2016, không có học sinh nào nộp tiền BHYT 3 tháng, 6 tháng”. Vậy Trường Tiểu học Trần Tế Xương thu tiền BHYT học sinh 15 tháng có đúng với hướng dẫn tại văn bản số 1018/SGDĐT ngày 08/9/2015 của Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, về việc tăng cường triển khai BHYT HSSV năm học 2015 – 2016?!

Văn bản số 1018/SGDĐT ngày 08/9/2015 của Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định

Theo đó, văn bản 1018/SGDĐT ngày 8/9/2015 có đoạn viết: “Đối với các trường hợp chưa tham gia BHYT thực hiện theo 3 đợt như sau: đợt 1 từ thời điểm hiện tại đến hết tháng 12/2015, mức thu là 36.225 đồng/tháng/hs. Đợt 2 thu 6 tháng tính từ tháng 01/2016 đến hết tháng 6/2016, mức thu là 217.350đồng/hs. Đợt 3 thu 6 tháng tính từ tháng 7/2016 đến hết tháng 12/2016, mức thu là 217.350đồng/hs”.

Chiều ngày 27/10/2015 làm việc với PV liên quan đến các khoản thu nêu trên của trường Tiểu học Trần Tế Xương, ông Lê Xuân Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT TP Nam Định cho biết: “Việc trường thu tiền tăng cường cơ sở vật chất (CSVC), hỗ trợ bảo vệ và vệ sinh là thực hiện theo văn bản hướng dẫn của cấp trên; Hướng dẫn số 1103/HD-SGDĐT-STC ngày 02/12/2011 của liên Sở GD&ĐT và Sở Tài chính; văn bản số 971/SGDĐT-KHTC ngày 26/8/2015 của Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định”.

Văn bản số 971/SGDĐT-KHTC ngày 26/8/2015 của Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định về việc hướng dẫn tạm thời thu chi đầu năm học 2015 - 2016 gửi Phòng GD&ĐT các huyện thành phố...(trang 2)

PV hỏi việc trường Tiểu học Trần Tế Xương thu tiền tăng cường CSVC 200.000đ/hs/năm, thu tiền hỗ trợ bảo vệ, vệ sinh…15.000đ/hs/tháng có đúng quy định tại điểm b, khoản 4, điều 10 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT không? Trưởng phòng Xuân Tiến cười, không trả lời đúng hay không đúng mà nói: “Cái đấy chúng tôi chỉ thực hiện theo hướng dẫn của cấp trên”?!

Theo đó, tại điểm b, khoản 4, điều 10 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT có quy định: “ Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường…”.

Tờ trình số 29/TTr-THTTX ngày 25/9/2015 của trường Tiểu học Trần Tế Xương, TP Nam Định

Về việc trường tiểu học Trần Tế Xương thu nộp tiền tăng cường CSVC vào kho bạc nhà nước thành phố có phù hợp và đúng với quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân?

Ông Xuân Tiến giải thích: “Trường Tiểu học thu được tiền tăng cường CSVC xong nộp toàn bộ vào kho bạc nhà nước, trong đó có 80% để điều tiết xây dựng sửa chữa chung cho các trường Tiểu học của TP Nam Định, còn lại 20% nhà trường được sử dụng để chi phục vụ sửa chữa thường xuyên công trình phụ trợ, phòng học”. Tuy nhiên, tại điều 5 của Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân không quy định việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ như lời giải thích của ông Xuân Tiến?!

Trường Tiểu học Trần Tế Xương, TP Nam Định

Về vấn đề thu chi, hoạch toán báo cáo tài chính khoản tiền nuôi ăn và phục vụ bán trú, bà Phạm Kim Hòa – Kế toán Phòng GD&ĐT TP Nam Định cho biết: “Tất cả các khoản thu liên quan đến tiền nuôi ăn phục vụ bán trú học sinh, nhà trường đều phải ghi sổ kế toán, lên báo cáo tài chính năm. Trường Tiểu học Trần Tế Xương phải nộp báo cáo tài chính năm cho phòng Giáo dục và phòng Tài chính kế hoạch”.

“Theo nguyên tắc quy định từ cấp trên, tức là phòng Tài chính kế hoạch không làm việc trực tiếp với các nhà trường, mà làm việc trực tiếp với phòng Giáo dục, cho nên tất cả các báo cáo tài chính các trường nộp lên cho chị (kế toán Phòng GD&ĐT – PV) sau đó chị tổng hợp cùng với báo cáo chi tiết nộp cho phòng Tài chính” bà Kim Hòa giải thích. Vậy, lời giải thích này của bà Kim Hòa có đúng với quy định tại quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hay không?

Để minh chứng cho lời mình nói, bà Kim Hòa cho PV xem Báo cáo tài chính năm 2014 của trường tiểu học Trần Tế Xương đã nộp, theo quan sát của PV không thấy Phòng Tài chính có đóng dấu ghi ngày tháng nhận báo cáo tài chính?! Về việc này bà Kim Hòa phân minh “chị nộp trực tiếp nên không có dấu”?!

Văn bản số 1103/HD-SGDĐT-STC ngày 02/12/2011 của Sở GD&ĐT và Sở Tài chính tỉnh Nam Định, hướng dẫn quản lý các khoản thu ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Tỉnh ủy quản lý từ năm học 2011-2012 đến năm học 2014-2015 (trang 4)

Được biết còn một số trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn Tỉnh Nam Định có tờ trình thu các khoản như: tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ bảo vệ, vệ sinh, quỹ tiền điện nước, ủng hộ chi trả lương giáo viên hợp đồng…có đúng với quy định tại điểm b, khoản 4, điều 10 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT không?!

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc.

Tại Điều 5 - Quản lý và sử dụng các khoản tài trợ quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân:

1. Cơ sở giáo dục lập Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ, trong đó xác định rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi; cách thức tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện; chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm, công trình kèm dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, định mức hiện hành. Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc để lấy ý kiến đóng góp của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh và nhà tài trợ.

2. Quá trình thực hiện Kế hoạch phải tuân thủ đúng mục đích đã đề ra, đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn, định mức quy định, tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng và mua sắm đấu thầu. Cơ sở giáo dục phải lập báo cáo quyết toán công việc hoàn thành và niêm yết công khai để người học và xã hội giám sát, đánh giá.

3. Các sản phẩm, công trình hình thành từ các nguồn tài trợ phải được sử dụng đúng mục đích và được bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để phát huy hiệu quả sử dụng, không để thất thoát, lãng phí.

4. Các khoản tài trợ đột xuất cho cơ sở giáo dục để khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, hỗ trợ cán bộ, nhân viên, học sinh mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Minh Sơn

Nguồn bài viết : XSMT hôm qua

Top