10 năm Ươm mầm hữu nghị: Chương trình giàu tính nhân văn, có sức lan toả sâu rộng |
Mỗi năm sẽ có thêm khoảng 100 sinh viên Campuchia được nhận đỡ đầu |
Xây dựng cuộc sống hạnh phúc
Tối 22/12/2022, như thường lệ, Pu Thia (31 tuổi, quê ở Soài Riêng, Campuchia, cựu lưu học sinh Campuchia tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội) lại gọi điện cho bố nuôi người Việt là ông Phạm Tuyến - nguyên Trưởng đoàn chuyên gia thanh niên Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979 - 1989. Pu Thia tâm sự về việc con của mình đang bị ốm phải nằm viện ở Thủ đô Phnôm Pênh. Đầu máy bên này, ông Tuyến không ngừng dặn dò Pu Thia các cách chăm con nhỏ mùa thời tiết thay đổi.
Pu Thia và vợ con ở Phnom Penh (Nguồn: NVCC). |
Pu Thia được ông Tuyến nhận đỡ đầu từ tháng 5/2014, khi anh đang là sinh viên khoa Điện tử - Viễn thông trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhờ gia đình cha nuôi, Pu Thia đã hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, được trau dồi tiếng Việt.
Chàng sinh viên năm nào giờ đã thành thầy giáo môn Điện tử - khoa Dạy nghề, Trường cấp ba Rota, tỉnh Kandal (Campuchia). Pu Thia chia sẻ: “Tôi muốn đem kiến thức đã học được ở Việt Nam truyền lại cho các em nhỏ ở Campuchia”.
Cũng giống như Pu Thia, Sopha Chouk (24 tuổi, ở Phnom Penh, Campuchia) cũng là cựu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam.
Sopha Chouk bên mẹ đỡ đầu, bà Huỳnh Ngọc Vân, trong lễ nhận bằng tốt nghiệp (Nguồn: NVCC). |
Đầu tháng 12/2022, Sopha Chouk sang Việt Nam nhận bằng tốt nghiệp ngành Thiết kế công nghiệp tại Đại học Kiến trúc TP.HCM. Sopha Chouk là một trong số ít sinh viên bảo vệ luận văn xuất sắc nhất của trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Anh đang làm thiết kế đồ họa cho Chip Mong Group - một tập đoàn tại Campuchia với thu nhập tương đối tốt.
Không chỉ có Pu Thia, Sopha Chouk thành công trong công việc, nhiều bạn trẻ Campuchia sau khi học tập tại Việt Nam trở về nước đã có công việc ổn định, cuộc sống tốt như: Ath Sreyneang (25 tuổi, ở Kampong Cham), cựu lưu học sinh Campuchia tại Đại học Nông lâm TP.HCM; Chey Vothy (ở Phnom Penh, Campuchia), cựu lưu học sinh Campuchia tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam…
Tiếp tục lan tỏa tình hữu nghị
Năm 2013, khi đang học tập tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Chey Vothy (Phnom Penh, Campuchia) được bà Nguyễn Thị Thảo - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhận đỡ đầu.
Chey Vothy (hàng 3, thứ hai từ trái sang) trong ngày cưới (tháng 3/2019) (Nguồn: NVCC). |
Vào thời điểm tuyệt vọng nhất, mẹ Thảo đã giúp anh có niềm tin vào cuộc sống. Đó là vào nửa đêm 30/4/2013, Chey Vothy bị sốt virus nặng, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Lúc đó, người anh nhớ tới và gọi điện gửi gắm tâm tư là bà Thảo. Anh xin được nhận bà là người mẹ thứ hai. Chey Vothy nói rằng nếu có chuyện gì xin bà hãy đưa anh về với bố mẹ đẻ bên Campuchia. Không thể đến bệnh viện vì đang trên đường ra sân bay đi châu Âu, bà Thảo vẫn luôn nhắn tin động viên Vothy và liên tục liên hệ với bệnh viện để nhờ hỗ trợ và theo dõi tình trạng sức khỏe của con nuôi. May mắn, Vothy đã vượt qua trận ốm thập tử nhất sinh.
Sau thời gian đó, Chey Vothy và mẹ Thảo thường xuyên trò chuyện, tâm sự về cuộc sống.
Sau khi tốt nghiệp, Vothy về nước làm việc cho một công ty liên doanh Việt Nam - Campuchia. Cuối tháng 3/2019, Vothy vô cùng hạnh phúc khi bố mẹ đỡ đầu lặn lội sang Siem Reap dự đám cưới của mình. Hiện nay, Chey Vothy đã có một bé trai và giành được học bổng sau đại học của New Zealand. Chey Vothy chia sẻ câu chuyện về gia đình ở Việt Nam tới nhiều bạn bè, đồng nghiệp của mình tại Campuchia.
Năm 2019, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài nhận đỡ đầu Ath Sreyneang (25 tuổi, ở Kampong Cham, Campuchia), lúc đó là lưu học sinh Campuchia tại Đại học Nông lâm TP.HCM. Đưa ra quyết định này bởi bà thương cô bé gầy gò, yếu ớt và phải xa gia đình.
Ath Sreyneang diện bộ áo dài mẹ Vân tặng (Nguồn: NVCC). |
Cuối năm 2020, do dịch Covid-19, Ath không thể về nước ăn Tết. Lúc này, mẹ Vân đưa Ath vào làm việc ngắn hạn tại Bảo tàng Áo dài để có tiền trang trải cuộc sống. Thời điểm dịch diễn biến phức tạp, Ath thường xuyên được mẹ Vân dặn dò cách phòng dịch và được gửi đồ ăn thức uống, thuốc men vào ký túc xá.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM, Ath trở về Campuchia và làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng Chanh Kun. Đây là một công ty Việt Nam đóng ở Thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Ath chia sẻ: "Tôi muốn thử sức mình, đồng thời có cơ hội để lo cho bố mẹ. Tôi luôn ghi nhớ, biết ơn mẹ Vân - mẹ Việt của tôi".
Theo ông Lê Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” ra đời từ năm 2012 trong bối cảnh quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Qua 10 năm, chương trình được tổ chức dưới nhiều hình thức, trên nguyên tắc tự nguyện, thiết thực và hiệu quả. Từ 12 gia đình nhận đỡ đầu cho 34 sinh viên Campuchia học tập ở Hà Nội và Thái Bình, đến nay Chương trình đã phát triển ở hầu hết các tỉnh, thành phố có sinh viên Campuchia theo học với sự tình nguyện tham gia của trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân với gần 500 sinh viên được nhận đỡ đầu. Cũng trong 10 năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp các cấp, ngành, địa phương tổ chức hàng trăm hoạt động, hỗ trợ hàng ngàn lượt sinh viên dưới những hình thức như khen thưởng, tặng quà, trao học bổng, tổ chức gặp gỡ, giao lưu hữu nghị… giúp đỡ sinh viên an tâm học tập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. “Thành công bước đầu của Chương trình là hầu hết các bạn sinh viên đều tự tin và có kết quả học tập tốt, đạt loại khá, giỏi, xuất sắc trong các kỳ thi tốt nghiệp. Các bạn sau khi về nước đều có việc làm ổn định, phù hợp với chuyên ngành đào tạo và có nhiều cơ hội phát triển, có bạn đã học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Các bạn vẫn thường xuyên liên lạc, tâm sự, chia sẻ vui buồn với tập thể, gia đình, cá nhân đỡ đầu ở Việt Nam như những người thân trong gia đình”, ông Lê Tuấn Khanh cho biết. |
“Đỡ đầu lưu học sinh Campuchia như một lẽ tự nhiên” |
Nơi ươm những mầm xanh hữu nghị |