Một mẫu smartphone gần đây được chú ý nhiều là OnePlus 7 Pro, nhận được đánh giá khá tích cực. Trong nhiều tính năng cao cấp, cảm biến vân tay dưới màn hình là một thứ rất được yêu thích ở sản phẩm này vì thời gian mở khóa chỉ tốn 0,2 giây. Có không ít ý kiến cho rằng, OnePlus 7 Pro là cảm biến tốt nhất hiện nay trong số các máy có cùng loại công nghệ. Huawei P30 Pro, Oppo Reno, Vivo NEX Dual Display Edition, hay kể cả "người ngoài" Galaxy S10 cũng đều không bằng.
Cảm biến vân tay dưới màn hình đã từng là điều viễn tưởng trong quá khứ, giờ xuất hiện rất phổ biến
Trong khi Samsung sử dụng công nghệ siêu âm của Qualcomm (module cảm biến vân tay do O-Film và GIS lắp ráp) trên dòng S, dòng A tầm trung dùng cảm biến quang học của EgisTec (chất lượng kém). Các công ty Trung Quốc kia đều có chung một đơn vị cung ứng. Thành lập năm 2002, có trụ sở ở Thâm Quyến, Goodix tạo nên cảm biến vân tay cho tất cả các hãng Huawei, LG, Dell, Xiaomi, Lenovo,... Trong nhiều năm đó là loại điện dung nhúng dưới phím nguồn hoặc một vùng cố định. Nhưng năm ngoái, cảm biến vân tay của họ đã "chìm" xuống dưới màn hình, tạo nên bước đột phá công nghệ cho phép các khách hàng thu nhỏ phần viền sản phẩm.
Nhiều năm chinh phục
Goodix không phải hãng đầu tiên thành công trong việc đặt cảm biến xuống dưới màn hình hoàn toàn. Công nghệ này được chú ý từ khi giới công nghệ rỉ tai nhau cuối năm 2016, Samsung hợp tác với Synaptics (Mỹ) để đặt cảm biến quang học "Clear ID" xuống dưới màn hình Galaxy S8. Cùng năm đó thì Apple cũng sẽ ra mắt iPhone mới kỷ niệm 10 năm (chính là iPhone X). Lúc này, người hâm mộ của cả hai không ngớt tranh cãi, một mực tin rằng hãng yêu thích sẽ là kẻ tiên phong đưa cảm biến vân tay xuống dưới màn hình.
Giải pháp đến từ Synaptics, tên là "Clear ID"
Nhưng cuối cùng chẳng có ai biến ước mơ của người dùng thành hiện thực. Apple vén màn công nghệ Face ID, trong khi iPhone 8 vẫn dùng loại điện dung lỗi thời ở phím home. Samsung thì chuyển qua hợp tác với Qualcomm để tìm kiếm giải pháp mới hoàn toàn. Sau một năm tinh chỉnh, Clear ID được Synaptics gửi gắm cho Vivo và đưa lên sản phẩm tại CES 2018, khiến không chỉ ifan và samfan "ngã ngửa", mà cả giới công nghệ phải trầm trồ.
Cũng trong cùng khoảng thời gian đó, Goodix tiến gần đến việc hoàn chỉnh công nghệ vân tay quang học dưới màn hình của riêng họ. Cảm biến sẽ chụp lại dấu vân tay chứ không phải con chip như Synaptics, David Zhang, sáng lập của công ty đã cố thuyết phục Vivo kiên nhẫn chờ đợi. "Tôi nói với Vivo rằng công nghệ này chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc thương mại hóa, nó cần thêm thời gian để tinh chỉnh" - Zhang cho biết. Nhưng rồi công ty vẫn nóng lòng muốn thu hút ánh nhìn của cả thế giới, và họ đồng ý với giải pháp của công ty Mỹ.
Cảm xúc lẫn lộn với Vivo X21, vừa háo hức vừa bực bội
Nhưng, Zhang đã đúng: hai thiết bị đầu tiên của Vivo dùng công nghệ Synaptics có mặt trên thị trường tháng Tư, năm 2018. Mặc dù rất nhiều lời ca ngợi vì họ đã tiên phong công nghệ này, tất cả đánh giá đều cho thấy cảm biến chạy kém ổn định, tốc độ chậm. Sau đó, Vivo thừa nhận công nghệ của Goodix tốt hơn và chuyển qua, họ giới thiệu mẫu Vivo NEX. Hiệu quả được chứng minh tức thì, sau đó các hãng khác cũng nhanh chóng tìm đến Goodix để đặt hàng cảm biến vân tay dưới màn hình. Công ty Mỹ đã phải chấp nhận thua cuộc, bây giờ họ không còn phát triển cảm biến vân tay nữa mà chuyển qua IoT.
Goodix giờ gần như độc quyền cung cấp cảm biến này, có nhiều khách hàng như Huawei, Xiaomi, Oppo, Meizu, Lenovo và OnePlus. Doanh thu họ tăng lên 535 triệu USD trong năm 2018, với 434 triệu USD đến từ các cảm biến. Phần còn lại đến từ kinh doanh tấm nền cảm ứng, sử dụng trong Amazon Kindles, Google Homes và nhiều sản phẩm Bluetooth. Thế nhưng, rõ ràng là họ cung cấp cho tất cả, tại sao OnePlus 7 Pro lại vượt trội hơn các đối thủ kia?
Cảm biến quang học của OnePlus 7 Pro khi JerryRigEverything mổ xẻ trên Youtube
Phó chủ tịch phụ trách R&D của Goodix, Carson Ye, nêu quan điểm. Đầu tiên, OnePlus là hãng ưu tiên tốc độ lên hết thảy mọi thứ. Do vậy họ tối ưu phần mềm theo hướng tận dụng tối đa tài nguyên để cán đích sớm nhất. Thứ hai, đơn giản là mẫu cảm biến của họ mới hơn các đối thủ kia.
Ánh sáng chạy thi với âm thanh
Vậy công nghệ quang học của Goodix và sóng âm của Qualcomm, cái nào tốt hơn?
Về lý thuyết, cảm biến siêu âm bảo mật cao hơn, vì các đường sóng âm va chạm với bề mặt ngón tay sẽ dội lại, vẽ nên bản đồ 3D các rãnh vân tay. Trong khi loại quang học chỉ chụp lại hình rãnh vân tay, dạng 2D. Đây là điều các bạn đã được tuyên truyền rất nhiều.
David Zhang, CEO và nhà sáng lập công ty Goodix
Nhưng theo Zhang, ông phản đối cho rằng "cảm biến siêu âm bảo mật hơn quang học". Vì không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy điều đó, trong khi cảm biến của Galaxy S10 cũng đã bị đánh lừa. Hay nói đúng hơn, nếu thực sự có kế hoạch tấn công nhắm vào điện thoại của bạn, dù công nghệ phòng thủ là siêu âm hay quang học thì cũng như nhau, với kẻ xấu. Zhang nhấn mạnh đã là bảo mật sinh trắc học, nó tất phải có điểm yếu. Điều mà nhiều chuyên gia bảo mật đã chia sẻ từ lâu, bất kể công nghệ dựa trên tĩnh mạch lòng bàn tay, mống mắt, vân tay hay khuôn mặt.
Ông dẫn chứng thêm rằng Google cũng tin tưởng giải pháp của Goodix. Họ làm việc cùng nhau để các cảm biến này đáp ứng được tiêu chuẩn bảo mật của Google, và được sử dụng cho thanh toán Google Pay.
Thử nghiệm các giải pháp khác nhau của Goodix, Qualcomm và EgisTec
Thực tế trả lời ra sao?
Trong bài kiểm tra thực tế, reviewer Ben Sin xác nhận rằng OnePlus 7 Pro có tốc độ vượt mặt Galaxy S10. Nhiều người khác cũng xác nhận với anh. Và theo quan điểm của Ben, công nghệ của Goodix vẫn tốt hơn, kể cả trong nhiều hoàn cảnh như dính nước, dính dầu mỡ, qua một tấm kính bảo vệ.
Tính đến hiện tại, có khoảng 41 mẫu smartphone đang dùng công nghệ của Goodix. Cả về chi phí, hiệu quả giải pháp đến từ công ty Trung Quốc đều được ưa chuộng hơn. Chúng ta sẽ còn thấy nó được áp dụng phổ biến hơn nữa trong năm nay, năm sau,... Mới đây có tin đồn Apple sẽ "hồi sinh" cảm biến vân tay nhưng là hình thái dưới màn hình, biết đâu họ cũng chọn giải pháp của Goodix?
Ambitious Man (Theo Forbes)
Nguồn bài viết : Chiến thuật bắn cá