Nếu không để ý, bạn sẽ dễ dàng đi qua một nhà máy tại Austin, Texas. Không có biển hiệu, gần như chẳng có chiếc xe nào ở bãi đỗ, và cửa ra vào cùng cầu thang chẳng có gì đặc sắc, giống như cửa sau của một siêu thị.
Thế nhưng chỉ cần đi vào một chút, bên trong nhà máy hơn 800 m2 này là một trong những robot thú vị nhất trên thế giới: Daisy.
Với chiều dài hơn 10 m và 5 cánh tay robot, Daisy có thể tháo rời từng linh kiện một của 15 mẫu iPhone gần nhất, từ iPhone 5 năm 2012 tới iPhone XS năm 2018. Công suất của nó là 200 máy/giờ. Nhìn ngắm nó làm việc giống như xem một điệu nhảy vậy: Daisy nhanh nhẹn tháo rời màn hình, pin, từng con ốc, cảm biến, mạch điện ra khỏi chiếc iPhone, và chỉ để lại phần khung nhôm.
Daisy, robot tái chế iPhone của Apple có thể tháo rời các bộ phận trong những chiếc iPhone với công suất 200 máy/giờ. Ảnh: Cnet. |
Phóng viên Ian Sherr của Cnet đã được Apple mời tới nhà máy và phòng thí nghiệm có tên Material Recovery Lab của hãng để chứng kiến các nỗ lực của Apple trong việc tái chế iPhone. Năm 2018, Apple giới thiệu Daisy như một công cụ để tái chế, thu hồi các vật liệu trong iPhone một cách hiệu quả hơn.
Giờ đây họ đang mời những nhà khoa học và các công ty khác tìm hiểu rõ hơn về Daisy. Apple muốn chia sẻ những thành quả của mình để giúp các công ty khác trong quá trình tái chế sản phẩm.
“Mục đích của chúng tôi là làm tất cả những sản phẩm của mình từ các nguyên liệu tái chế. Chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như cần rất nhiều sự đột phá”, bà Lisa Jackson, phó chủ tịch về môi trường, chính sách và xã hội của Apple chia sẻ.
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, lượng rác thải điện tử trên toàn thế giới năm 2016 lên tới 44,7 tiệu tấn. Trong số đó, chỉ có 20% được tái chế.
Hầu hết thiết bị điện tử như laptop, màn hình, máy in được tái chế bằng cách phá hủy, đập nát để lấy lại các nguyên liệu bên trong. Quá trình này thường khiến cho các chất bị lẫn với nhau, làm giảm giá trị của chúng. Những người tái chế chỉ chọn và lấy đi những gì giá trị nhất, phần còn lại trở lại làm rác thải.
Apple muốn thay đổi quá trình này. Họ cho rằng nếu những người tái chế có thể tháo rời thiết bị dễ dàng hơn, họ sẽ thu lại được nhiều nguyên liệu hơn. Đây là mục đích họ tạo ra những robot tái chế.
Bà Liam Jackson, Phó chủ tịch về môi trường của Apple là một chuyên gia về chính sách môi trường. Ảnh: Getty. |
Sau hơn 10 năm, đã có gần 1,5 tỷ chiếc iPhone được bán ra. Số lượng iPhone này đủ để xếp vòng quanh Trái đất 13 vòng. Đồng thời, nó cũng tạo ra nhu cầu lớn với hàng loạt chất liệu như nhôm, đồng, cobalt, vàng, nhựa…
“Ai cũng cần những chất liệu này, và nhu cầu đang tăng lên nhanh chóng”, bà Callie Babbitt, giáo sư tại đại học Rochester nhận xét. Bà cho rằng một số chất sẽ không còn đủ để cung cấp trong vòng 50 năm nữa.
Nền công nghệ hiện đại cũng luôn khuyến khích người dùng nâng cấp thiết bị. Lúc dó, thiết bị cũ thường được cất hoặc bỏ đi. Đôi khi nó được đem tới cơ sở tái chế, nhưng thường thì trở thành rác. Khi mà các thiết bị ngày càng khó tháo rời để sửa chữa, áp lực đối với những người tái chế cũng tăng lên.
Kyle Wiens, trưởng bộ phận hướng dẫn sửa chữa trực tuyến tại iFixit là 1 trong những người đi đầu trong phong trào kêu gọi các công ty làm thiết bị dễ sửa chữa hơn. Ông cho rằng cần đưa ra “quyền được sửa chữa” cho người dùng, và các công ty cần phải cung cấp tài liệu, công cụ giúp người dùng tự sửa chữa thiết bị của họ.
“Văn hóa bí mật của Apple là một thách thức”, ông Wiens nhận xét. Quả táo luôn cố gắng giữ bí mật trong mọi hoạt động, từ kế hoạch sản phẩm tương lai tới cách sửa chữa các thiết bị. Điều đó khiến cho người ngoài rất khó đánh giá những nỗ lực của Apple là thực lòng hay chỉ là quảng cáo.
Daisy được tạo ra để tháo rời những chiếc iPhone đã hết vòng đời hoặc bị đổi trả. Chi phí để làm mới những chiếc máy này và bán theo dạng “hàng tân trang” quá cao, nên chúng được đưa vào Daisy nhằm lấy ra những chất có thể tái chế như đồng, nhôm, cobalt… Các chất này sau đó có thể sử dụng để làm các thiết bị mới.
Theo Apple, trong số 9 triệu iPhone mà khách hàng trả lại cho Apple trong năm 2018, có 7,8 triệu máy được tân trang và bán lại, còn 1,2 triệu máy được đưa vào Daisy xử lý.
Robot tái chế được Apple giới thiệu năm 2016 khiến nhiều người ngạc nhiên khi có thể tự động tách rời các bộ phận của một chiếc iPhone. Ảnh: Apple. |
Tất nhiên, chi phí phát triển và vận hành Daisy không hề thấp. Chỉ một nhà sản xuất lớn, với lợi nhuận hàng tỷ USD mỗi quý như Apple mới có thể đầu tư vào những công nghệ hiện đại như vậy. Do vậy họ muốn đóng góp chung cho ngành tái chế bằng nhiều cách.
Họ mua những máy dập thường được sử dụng trong tái chế, đặt chúng tại phòng nghiên cứu để những người tham quan có thể hiểu được cách tích hợp công nghệ mới vào các quy trình cũ. Apple cũng có kế hoạch bán bản quyền sử dụng công nghệ của Daisy cho các bên.
“Có trên 100 vật liệu trong mỗi chiếc iPhone, và chúng tôi đang tìm cách đưa chúng trở lại quy trình sản xuất. Cơ hội đối với các công ty tái chế là họ có thể đến với Apple, nói về quy trình tách cobalt hay tách tungsten ra, và Apple sẽ trả tiền để có quy trình đó”, bà Lisa Jackson cho biết.
Mục tiêu cuối cùng của Apple là để cho mọi thiết bị cũ đều được đưa vào vòng tái chế. Những thiết bị có thể tân trang sẽ được tân trang và bán ra, phần còn lại sẽ được đưa vào tái chế để lấy vật liệu làm các thiết bị mới.
Apple đã bắt đầu gửi pin từ iPhone do Daisy lấy ra tới những công ty tái chế để thu về cobalt nhằm làm pin mới. Họ cho biết 100% thiếc sử dụng để hàn mạch cho 11 sản phẩm là tái chế. Toàn bộ vỏ nhôm của những mẫu Macbook Air mới cũng là nhôm tái chế.
Ngoài Apple, chỉ có một vài công ty khác đang quan tâm đến lĩnh vực này. Dell cho biết họ sử dụng nhựa tái chế từ biển để đóng gói sản phẩm. HP thì dùng giấy và nhựa tái chế, và khẳng định laptop của họ thuộc dạng rất dễ sửa chữa.
Lenovo, công ty sản xuất máy tính lớn nhất thế giới đang tăng dần tỷ lệ nhựa tái chế trong sản phẩm. Samsung cũng cho biết họ đã tái chế tới 28,3 triệu tấn vật liệu trong các sản phẩm như TV, tủ lạnh. Mục tiêu của Samsung cũng là một vòng tái chế khép kín cho các sản phẩm trong tương lai.
Nỗ lực tái chế có thể giúp những thiết bị cũ không biến thành rác thải. Ảnh: Getty. |
Trong tương lai, thậm chí các nhà sản xuất có thể nghĩ đến việc cho chúng ta “thuê” sản phẩm và sử dụng, thay vì bán như hiện nay. Ông Jim Pucket, giám đốc tổ chức giám sát tái chế Basel Action Network cho rằng hành động này có thể giúp giảm rác thải, và ông sẵn sàng gửi lại Apple những chiếc iPhone cũ sau khi nâng cấp.
Daisy không phải là robot tái chế đầu tiên của Apple. Cách đây 3 năm, họ từng giới thiệu trong một sự kiện của công ty. Bà Liam Jackson, một chuyên gia về chính sách môi trường, từng là người đứng đầu ủy ban bảo vệ môi trường dưới thời Tổng thống Barrack Obama. Những nỗ lực của Apple đều tỏ ra rất nghiêm túc.
“Câu hỏi được đặt ra là liệu Liam, Daisy hay Apple có thể thực sự tạo nên điều khác biệt hay không. Tôi hi vọng là họ làm được”, phóng viên Ian Sherr chia sẻ.
Nguồn bài viết : tỷ số bóng đá