Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động |
Cha mẹ nên làm gì để bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục trên mạng? |
Quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục luôn được cộng đồng quốc tế quan tâm bằng việc xây dựng khung pháp lý chắc chắn. Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) có những qui định, chỉ dẫn cụ thể trong việc tôn trọng, thực thi các quyền con người của trẻ em, trong đó có việc bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng và bóc lột tình dục.
Đầu tiên là quyền được bảo vệ khỏi bất kì hình thức bạo lực về thể chất và tinh thần (Điều 9 CRC), và quyền được bảo vệ khỏi bóc lột tình dục (Điều 34 CRC). Đây được coi là quyền cơ bản của trẻ em, là sự bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo vệ về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, đặc biệt là sức khoẻ sinh sản. Tuy nhiên, hằng năm ước tính có 2 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 tuổi đến 15 tuổi tham gia hoặc bị ép buộc vào con đường mại dâm.
Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) có những qui định, chỉ dẫn cụ thể trong việc bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng và bóc lột tình dục (Ảnh minh họa). |
Thứ hai, quyền được tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin (Điều 13 CRC). Bất kỳ trẻ em nào cũng có quyền được giáo dục về các kĩ năng sống, hiểu biết về sức khoẻ sinh sản, tránh các hành vi có tính chất xâm hại tình dục hoặc lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn tình trạng không quan tâm hoặc phủ nhận quyền tiếp cận giáo dục sức khoẻ sinh sản và cách thức tự bảo vệ khỏi các hành vi bị xâm hại hay lạm dụng tình dục, mang thai ngoài ý muốn, ngăn ngừa bệnh tật lây truyền qua đường tình dục của trẻ.
Thứ ba, quyền được tiếp cận chăm sóc sức khoẻ (Điều 24 CRC). Trẻ em và trẻ vị thành niên ở nhiều nơi hiện nay khi tìm đến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục thường bị các cơ sở y tế từ chối vì chưa kết hôn hoặc chưa đủ tuổi. Các qui định của pháp luật hoặc cơ quan chăm sóc sức khỏe thường yêu cầu có sự đồng ý của cha mẹ hoặc trong trường hợp các bé gái kết hôn sớm phải có sự cho phép của chồng thì mới được tiếp cận dịch vụ đó.
Thứ tư, quyền được tiếp cận tiêu chuẩn cao nhất về chăm sóc sức khoẻ (Điều 24 CRC). Thiếu các điều kiện chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thông tin là nguyên nhân gây ra khoảng 330 triệu ca lây nhiễm qua đường tình dục mới hằng năm, ít nhất một nửa trong số này từ 15-24 tuổi. Trẻ em gái vị thành niên có nguy cơ tử vong do mang thai và sinh nở cao gấp đôi so với phụ nữ ở độ tuổi 20.
Trên cơ sở Công ước CRC, các quốc gia thành viên đã nội luật hoá và ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện của quốc gia mình.
Liên minh châu Âu đang dự thảo một số qui định mới liên quan đến việc phòng ngừa và ngăn chặn hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, đặc biệt trên không gian mạng. Trong đó, có nhiều điểm tích cực và cụ thể hoá thêm các điều ước quốc tế về quyền con người của trẻ em, đặc biệt là Hiệp ước về bảo vệ trẻ em khỏi bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục (the Lanzarote Convention) cả trực tiếp và trực tuyến.
Ở Na Uy, năm 2010, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 1902 về các tội liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, quốc gia này đã điều chỉnh hình phạt nghiêm khắc hơn so với tội phạm giết người, tội bạo lực và lạm dụng tình dục thông thường khác. Hàn Quốc ban hành Luật bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên khỏi lạm dụng tình dục năm 2010 với các trình tự thủ tục đặc biệt để bảo đảm những quyền và lợi ích chính đáng tốt nhất cho trẻ em.
Điều 37 Hiến pháp năm 2013 qui định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng về quyền trẻ emtrong các hoạt động tố tụng, hành chính, dân sự liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến quyền của trẻ em khi qui định mức hình phạt cao nhất là tử hình đối với các tội phạm xâm phạm trẻ em, cụ thể: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) và Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147). Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng qui định những thủ tục đặc biệt khi trẻ em là người bị hại để tránh ảnh hưởng đến tâm lý tiêu cực cũng như danh tính của trẻ để bảo đảm không tác động quá nhiều đến việc phát triển tâm sinh lý sau này.
Luật bảo vệ trẻ em năm 2016 đề cập trực tiếp đến bảo vệ quyền của các em tránh bị xâm hại tình dục: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục” (Điều 25); “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức” (Điều 4). Cùng với đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã củng cố hoàn thiện các qui định trong hệ thống pháp luật về xử lý các hành vi xâm hại hoặc lạm dụng tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại: Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ giải thích cụ thể những hành vi nào xâm hại tình dục trẻ em như: trẻ em bị hiếp dâm, trẻ em bị giao cấu, trẻ em bị dâm ô; Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 16/5/2017, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em; …
Việt Nam luôn quan tâm, và tăng cường nhiều biện pháp, nhất là củng cố hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ khỏi các các hành vi lạm dụng tình dục trẻ em (Ảnh minh họa). |
Đầu tiên là cần mở rộng phạm vi đối tượng bảo vệ trẻ em để phù hợp với pháp luật quốc tế. Theo Công ước CRC, trẻ em là người dưới 18 tuổi nhưng Luật trẻ em năm 2016 qui định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Pháp luật Việt Nam chưa qui định đối với trường hợp nạn nhân bị xâm hại tình dục là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà chỉ coi như người trưởng thành. Cần coi những trường hợp này là trẻ em hoặc là tình tiết định khung hay tăng nặng để có thể bảo vệ nhóm đối tượng này tốt hơn.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hoá quyền của trẻ em trong tiếp cận nguồn chăm sóc sức khoẻ tốt nhất, đặc biệt là điều trị tâm lý khi các em là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Trẻ em có quyền tiếp cận thông tin, chăm sóc sức khoẻ tốt nhất, được giáo dục bảo vệ bản thân trước các hành vi xâm hại tình dục. Tuy nhiên, nhiều trẻ em không nhận thức được điều này, cảm thấy xấu hổ không dám bày tỏ hoặc bị các đối tượng khống chế, dụ dỗ… khiến tỉ lệ ẩn của tội phạm vẫn còn cao. Mặt khác, còn tồn tại sự “dè chừng” của cha mẹ trong việc đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý do sợ ảnh hưởng đến tương lai của con, tạo ra rào cản trong việc phát hiện biểu hiện tâm lý bất thường, thậm chí là bệnh “tâm thần” ở trẻ khi trưởng thành.
Ngoài ra, cần tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trong việc thực hiện thủ tục pháp lý khi trẻ em là người bị hại trong vụ án xâm hại tình dục như: hoàn thiện hệ thống Tòa gia đình và người chưa thành niên với thủ tục tố tụng đặc thù riêng; có cách thức lấy lời khai đặc biệt, không để trẻ em có tâm lý tiêu cực hay áp lực, cán bộ điều tra cần có kiến thức về tâm lý trẻ em khi tiến hành nhận dạng, giám định…; điều chỉnh pháp luật theo hướng phòng ngừa từ xa như mô tả hành vi “chăn dắt tình dục” như qui định của một số quốc gia như Na Uy, các nước châu Âu, Hàn Quốc.
Đồng thời cần tiến hành đồng bộ các biện pháp khác như: phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về xâm hại tình dục trẻ em; hỗ trợ về mặt xã hội đối với các gia đình có trẻ em là nạn nhân; tiến hành thu thập, khảo sát để có hướng phòng ngừa cá biệt; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường; đưa chương trình giáo dục trẻ em trở thành môn học hoặc kĩ năng để nâng cao nhận thức cho trẻ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao cảnh giác xã hội trước phương thức, thủ đoạn của tội phạm này.
Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân về hình sự, hôn nhân gia đình, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại tình dục cần sự chung tay, phối hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, cần tuyên truyền rộng rãi các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng thực hiện tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để gia đình và chính các em có thể nâng cao nhận thức, sức đề kháng và biết cách thức phòng ngừa và ứng xử trước các hành vi xâm hại.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 9 tháng năm 2022, đã phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với 1.806 trẻ; Uỷ ban Châu Âu cho biết, chỉ tính riêng năm 2021, trên mạng có tới 85 triệu hình ảnh và video được phát tán có liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em trên khắp thế giới. |
Cần liều “vaccine số” bảo vệ trẻ em Một cuộc khủng hoảng đang âm thầm diễn ra trong thế giới số nhưng tác hại của nó lại đang rất hiện hữu, không chỉ với người trưởng thành. Thế giới của những đứa trẻ đang được mở ra rộng lớn hơn nhưng cũng rủi ro và đầy thách thức với nỗ lực bảo vệ các quyền của trẻ em ở tất cả các quốc gia, trong đó Việt Nam. |
Xâm hại trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém trong đời thực Xâm hại trẻ em qua môi trường mạng đang ngày càng trở nên nguy hiểm bởi những nội dung, hình ảnh, clip được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ. |