Tháng 11/2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao (lên đến 93,36%). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó quy định rõ về các quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: quyền được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến người lao động; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Người lao động nhận được nhiều hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. |
Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, chế độ và quyền lợi khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật;
Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế;
Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký Hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc Hiệp định tránh đánh thuế hai lần...
Một điểm tựa khác cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Cách đây 11 năm, trước tình hình bất ổn tại Libya, người lao động Việt Nam làm việc tại quốc gia này phải về nước trước hạn. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan chức năng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đầu tiên đã tích cực triển khai hiệu quả việc đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước.
Quyết định 40/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiều mức hưởng có lợi hơn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. |
Đặc biệt, vai trò của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước phát huy tác dụng mạnh mẽ trong hoàn cảnh ấy. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để mua vé máy bay cho người lao động đối với những trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định, tất cả lao động Việt Nam làm việc tại Libya phải về nước trước hạn trong năm 2011 được hỗ trợ ban đầu ngay khi về nước với mức 1 triệu đồng/người.
Đối với người lao động đi làm việc theo “Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ thêm 50% so với mức quy định trên. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Bên cạnh đó, người lao động có thời gian làm việc tại Libya từ đủ 6 tháng trở xuống (tính đến ngày 15/02/2011) được hỗ trợ thêm ở các mức khác nhau tùy thuộc vào thời gian lao động. Cụ thể: thời gian làm việc từ đủ 1 tháng trở xuống - mức hỗ trợ là 8 triệu đồng/người; trên 1 tháng đến đủ 2 tháng - 6 triệu đồng/người; trên 2 tháng đến đủ 4 tháng - 4 triệu đồng/người; trên 4 tháng đến đủ 6 tháng - 2 triệu đồng/người.
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động được phép đưa lao động đi làm việc tại Libya cũng được nhận hỗ trợ 50% tổng số tiền môi giới doanh nghiệp phải hoàn trả cho người lao động theo quy định từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Trên đây là minh chứng cho thấy ý nghĩa quan trọng của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước trong việc hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài không may gặp rủi ro. Đáng lưu ý, theo Quyết định 40/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 21/2/2022), mức đóng góp của người lao động vào Quỹ vẫn không đổi (100.000 đồng/người/hợp đồng) nhưng mức hưởng của người lao động lại tăng lên.
Đơn cử, nếu trước đây một lao động gặp rủi ro, bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài thì mức hỗ trợ cho thân nhân của người lao động là 10 triệu đồng/trường hợp thì nay mức hỗ trợ lên tới 40 triệu đồng/trường hợp. Tương tự, trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật không đủ sức khoẻ để tiếp tục làm việc và phải về nước trước thời hạn, theo quy định cũ mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trường hợp, còn quy định mới mức hỗ trợ tối đa lên tới 30 triệu đồng/trường hợp.
Quyết định 40 còn mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ để bao hàm được nhiều hoạt động hỗ trợ trong bối cảnh xu thế dịch chuyển lao động quốc tế và phòng ngừa các rủi ro có tính chất đặc biệt (như thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế...); hỗ trợ mở rộng các thị trường lao động mới, ngành nghề công việc mới; duy trì phát triển các thị trường đã có.