Giáo dục Thủ đô: Bước chuyển mạnh cả về lượng và chất

2025-01-17 19:21:30

Kết quả đạt được trong năm qua tiếp tục khẳng định tính bền vững về chất lượng của giáo dục Thủ đô, vị thế “đầu tàu” của giáo dục cả nước.

Bớt “nóng” về chỗ học

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các nhà trường là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục Hà Nội trong nhiều năm qua. Tính đến năm học 2016-2017, Hà Nội có gần 2.700 trường học với hơn 1,8 triệu học sinh các cấp học, tăng hơn so với năm học trước 42 trường và 95 nghìn học sinh.

Giờ vui chơi của học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng, quận Cầu Giấy. (Ảnh: Thái Hiền)

Bố trí chỗ học ra sao để học sinh không chỉ có chỗ học, mà còn được học có chất lượng, được hưởng thụ các điều kiện giáo dục tốt nhất nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô học sinh ngày càng gia tăng là một bài toán khó. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, trước thực trạng thiếu trường, lớp, nhiều trường học xuống cấp do xây dựng đã lâu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chủ động tham mưu với lãnh đạo thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã ưu tiên dành quỹ đất xây dựng, mở rộng trường, lớp. Việc rà soát mạng lưới trường học đã được triển khai tại tất cả các địa bàn, đặc biệt là tại các khu đô thị, nơi tập trung đông dân cư.

Năm 2017, thành phố đã đầu tư 244 tỷ đồng xây dựng 7 trường THPT và hơn 4 tỷ đồng chống xuống cấp cho các nhà trường. Cũng trong giai đoạn này, 20 dự án đầu tư xây dựng trường học được tích cực triển khai với tổng mức đầu tư hơn 850 tỷ đồng. Đây cũng là năm học toàn ngành tập trung cho việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp với hơn 3.700 phòng học được xây mới để thay thế các phòng học tạm, học nhờ. Tỷ lệ phòng học kiên cố là hơn 92%.

Để giải quyết bài toán về thiếu chỗ học, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, việc phân tuyến tuyển sinh hợp lý là giải pháp được các địa phương chủ động triển khai căn cứ trên quy mô học sinh thực tế. Quận Hai Bà Trưng có số lượng trẻ mầm non ra lớp tăng cao, nhờ việc phân tuyến của 30 trường mầm non được thực hiện chi tiết đến từng tổ dân phố nên không xảy ra tình trạng nơi quá tải, nơi đìu hiu. Đơn cử, phường Vĩnh Tuy có hai trường mầm non, trong đó Trường Mầm non Lạc Trung nhận các bé ở tổ 2 đến tổ 13; Trường Mầm non Vĩnh Tuy đón các bé ở các tổ dân phố còn lại. Tại quận Tây Hồ, Trường Mầm non Quảng An cách đây chừng 5 năm từng có tình trạng phụ huynh xếp hàng từ đêm để nộp hồ sơ, nay việc tuyển sinh đã đi vào nền nếp. Toàn thành phố không còn “điểm nóng” trong mùa tuyển sinh.

Vững vị thế “đầu tàu” về chất lượng

Sự quan tâm, đầu tư thiết thực của thành phố và những nỗ lực của thầy, cô giáo, học sinh đã góp phần khẳng định vị thế “đầu tàu” của giáo dục Thủ đô. Giáo dục mầm non duy trì tốt phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi giảm hơn 1% so với năm học trước. Chất lượng giáo dục tiểu học, trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, tỷ lệ học sinh xếp loại văn hóa khá, giỏi tăng. Các trung tâm giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp dù có sự thay đổi về cơ chế quản lý (chuyển về các quận, huyện, thị xã) song đã nỗ lực vượt khó khăn, đa dạng hóa hình thức và nội dung học tập.

Hà Nội chủ trì tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh: Infonet)

Đây cũng là năm Hà Nội chủ trì tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia - kỳ thi đầu tiên các địa phương được giao quyền chủ trì toàn bộ mọi khâu của kỳ thi. Với hơn 72 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, Hà Nội có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt gần 99,4%; 46 nghìn thí sinh đạt điểm trên sàn (gần 85%). PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội nhận định: Qua quá trình tham gia phối hợp với Hà Nội trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, thấy rõ ý thức trách nhiệm, tinh thần nghiêm túc, bám sát cơ sở của UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành và sự nỗ lực của mỗi nhà trường trong việc tổ chức kỳ thi. Sự phối hợp trong công tác coi thi giữa các giảng viên đại học và giáo viên phổ thông đã giúp các trường đại học thêm tin tưởng vào kết quả đạt được của kỳ thi, yên tâm sử dụng kết quả thi để xét tuyển.

Tại các cuộc thi quốc gia, quốc tế năm nay, học sinh Hà Nội tiếp tục đạt thành tích ấn tượng. Trong kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải với 146 giải, trong đó có 11 giải nhất. Tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh THPT giành 21 giải và huy chương; học sinh cấp tiểu học và THCS giành được 160 huy chương. Mới đây, trong tháng 7, học sinh Đinh Anh Dũng (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) đã xuất sắc giành 2 huy chương vàng tại Olympic vật lý Châu Á và Olympic vật lý quốc tế.

“Những kết quả đạt được là nền tảng vững chắc để ngành Giáo dục Hà Nội tập trung triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018 với tinh thần tự tin, ý chí quyết tâm cao hơn nữa, xứng đáng với vị thế và niềm tin của chính quyền và nhân dân Thủ đô dành cho ngành” - ông Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Theo Hà Nội mới

Nguồn bài viết : BG Trực Tuyến

Top