Miền Tây năm nay thưa mùa nước nổi, cá linh đi mãi chưa về!

2025-01-17 19:21:32

Nghe nói ở một quán trên đường Lê Hồng Phong có bán cá linh là sáng mắt. Ba chân bốn cẳng đàn đúm nhau kéo đến. Vì đã muộn rồi, hơn nửa tháng 10 rồi…

Năm nay miền Tây không có mùa nước nổi. Một người bạn thạo tin ở chợ than: “Cả tháng rồi mà ngoài chợ Tân Bình không thấy cá linh”. Đó cũng là một trong những dấu chỉ rằng nước ở hồ Tonlé Sap không về như mọi năm. Đến tháng 10 mọi hy vọng về một mùa lúc lỉu cá linh coi như tan mây.

Nhớ con cá linh béo ngậy

Lần thứ nhất chúng tôi tìm đến cái quán Đồng Đội gọi món cá linh kho lạt. Người bán hàng cho biết cá linh lúc này đã hơi già. Và họ cố tuyển cho chúng tôi những con cá đẹt nhất trong đám. Vẩy bạc lấp lánh của cá và màu vàng nhớ mãi của bông điên điển làm ký ức mùa nước nổi lô xô đổ về. Quán dọn dĩa cá kho lạt đặt trên một cái bếp cồn. Kèm theo nào bông điên điển, bắp chuối, rau sống các loại. Một đũa rau nhúng nước cá kho lạt, một miếng nước kho cùng một con cá lua vào miệng nóng hổi làm nhớ đến những cơn gió giật ở vùng tứ giác, tận miền Trà Sư, An Giang. Buồn thay những con cá linh của lần này không béo như những con cá trong sâu thẳm ký ức của mùa nước nổi năm 2011.

Một ông bạn đồng bàn bình luận: “Hay là nước sông Mekong đã không còn phù sa?” Một ông bạn khác cãi: “Chắc tại mớ cá này rộng lâu quá rồi, nên ốm nhách”.

Nhận định sau đúng. Vì lần thứ hai trở lại quán cách độ một tuần sau, những con cá linh đã béo hơn. Cái béo ngọt như con thuyền đưa ta ngược dòng đến những miền nước bát ngát ở An Giang mùa nước nổi. Vào thời khắc mà cá linh mải rong chơi xuôi dòng theo con nước đổ về các cánh đồng. Nhưng An Giang đã xây nhiều tường thành theo kiểu trị thuỷ thời Sơn Tinh Thuỷ Tinh đầy tai hại mấy chục năm nay. Kiểu trị thuỷ nước lên đê chắn nước cao thêm đã đánh mất cái bát ngát, cái ngồn ngộn phù sa theo con nước đổ vào những cánh đồng thênh thang.

Những con cá linh bề ngang cỡ ngón tay, theo luật là không được phép đánh bắt. Vì nếu thượng tôn luật pháp về độ rộng của mắt lưới, cỡ cá đó không đóng lưới bao giờ. Nhưng đến mùa nước nổi, luật này cũng hơi du di. Và những chợ cá bên những bến sông miệt An Giang mới có cái để họp từ 3 – 4 giờ sáng, để mua gom cá chở đi những vùng xa hơn. Như ở cái chợ Voi thuộc xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên mà chúng tôi có dịp ở lại cách đây bốn năm trong những ngày cá linh nhộn nhịp về xuôi vào đầu tháng 9.

Loài cá mải đi đi về về

Cá linh tên tiếng Anh là siamese mud carp. Tên cho thấy gốc gác nó bên Thái. Có lẽ người ta tìm thấy lớp cá này lần đầu tiên trên dòng Chao Phraya. Cũng như những con cá kêu eng éc mang tên là cá heo, cá linh cũng là loài cá phiêu cư theo mùa nước và mực nước. Lâu nay, người ta thường nghĩ rằng chúng chỉ đi xuôi dòng vào mùa nước nổi rồi trôi ra biển để… thôi rồi Lượm ơi!

Nhưng cá linh di hành theo hai mùa. Những cuộc lữ này xuất phát từ sự thay đổi của mực nước. Khi nước rút cá linh di chuyển từ vùng nước ngập về lại những kênh sông chính, như dòng Mekong. Nhiều ngư dân ở dưới thác Khone bên Lào cho biết thời kỳ cao điểm của chuyến lữ hành ngược dòng của cá linh diễn ra một tuần truớc khi rằm.

Bên trên thác Khone, những cuộc di ngư xuất hiện ít bị ảnh hưởng bởi kỳ trăng hơn. Một số ngư dân ở đoạn từ Kratie đến thác Khone tại Campuchia có thể xác định tốc độ di chuyển dựa trên thời gian diễn ra giữa hai làng ven sông. Họ ước tính tốc độ đó vào khoảng 16km mỗi ngày.

Bên dưới thác Khone, trên dòng Mekong, cá linh di chuyển xuôi dòng từ tháng 5 – 9 khi mực nước bắt đầu dâng. Thời gian này tương ứng với việc người ta quan sát thấy trứng trong cá. Có thể nói giai đoạn cao điểm sinh đẻ của cá diễn ra vào tháng 5 – 6. Và, những chuyến di chuyển ngược dòng xảy ra từ tháng 11 – 2.

Ngữ Yên - TGTT

Nguồn bài viết : Xổ số Max 3D Pro

Top