“Những hình ảnh xấu xí, hành động người Việt trộm cắp... đã báo động về thực trạng du lịch outbound (du lịch nước ngoài) nhưng Hiệp hội Du lịch Việt Nam muốn tiên phong trong việc kêu gọi mọi người ứng xử với nhau thân thiện hơn, để người Việt đẹp từ những bước chân du lịch đến hình ảnh, thái độ ứng xử khi ra thế giới. Có như thế du lịch Việt Nam mới trở thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước.”
Đó là những trăn trở của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam tại Diễn đàn "Du lịch Outbound Việt Nam - Cơ hội và thách thức" trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2019.
[Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2019: Cùng ‘mổ xẻ’ những vấn đề 'nóng']
Diện mạo hoạt động du lịch outbound
Theo ông Đoàn Ngọc Xuân, Vụ Trưởng Vụ Văn hóa Xã hội (Ban Kinh Tế Trung ương), cùng với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hàng năm, lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng tăng trưởng liên tục 2 con số. Nếu như năm 2016, khoảng 6,6 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài thì đến năm 2018, con số này tăng lên 10 triệu lượt người.
“Do khả năng chi trả cao, người Việt Nam không chỉ quan tâm đến thị trường Đông Nam Á mà đang dần quan tâm đến thị trường Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông. Việc người Việt Nam có điều kiện đi du lịch nước ngoài là đáng mừng, thể hiện mức sống dân cư ngày một tăng, các công ty du lịch cũng tăng trưởng về doanh số,” ông Đoàn Ngọc Xuân cho hay.
Về tiềm năng của mảng du lịch outbound ở Việt Nam, Trưởng phòng Du lịch outbound Công ty Saigontourist chi nhánh tại Hà Nội, bà Nghiêm Ái Phương nhận định, hiện có nhiều đường bay quốc tế thuận tiện, thủ tục làm visa thuận lợi nên nhiều công ty du lịch thiết kế các gói sản phẩm outbound và coi đây là một trong những thế mạnh để phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Việt ngày càng cao khiến mảng outbound sôi động, tạo sức cạnh tranh hấp dẫn cho thị trường.
Minh chứng cho thấy du lịch outbound đang được khách trong nước ưa thích là ngay ở Hội chợ VITM Hà Nội 2019, rất nhiều công ty lữ hành như Vietravel, Saigontourist, TransViet, Hanoitourist... tung ra những gói tour outbound giảm giá cực “sốc.” Các quầy hàng của các công ty du lịch đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên... và xa hơn là Nga hay các nước châu Âu cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách.
Tuy nhiên, trong thực tế quản lý nhà nước về outbound của Việt Nam hiện chưa rõ ràng nên hoạt động này chưa được đánh giá tương xứng với tiềm năng. Vì thế, lãnh đạo ngành du lịch cũng như các chuyên gia nhận định, việc xem xét lại hoạt động du lịch outbound đang là vấn đề cấp thiết của ngành du lịch.
Theo ông Vũ Thế Bình, du lịch được cấu thành bởi 3 loại hình là du lịch inbound, du lịch outbound và du lịch nội địa. Nhưng do nhiều nguyên nhân, hoạt động outbound chưa đi vào nề nếp, còn nhiều bất cập như như việc 700 khách Việt Nam bị bỏ lại Bangkok (năm 2013), 52 khách Việt Nam trốn lại đảo Jeju của Hàn Quốc (năm 2016) và gần đây nhất là sự việc 152 khách Việt trốn lại Đài Loan khi vừa đến sân bay (2018)… Liên tiếp những sự việc xảy ra nhưng rốt cuộc đều bị “chìm xuồng,” thể hiện rằng chúng ta chưa thực sự quan tâm và có những biện pháp quản lý tốt nhất đối với hoạt động này.
"Từ năm2015 đến năm 2018, lượng người Việt du lịch nước ngoài tăng nhanh, trung bình 10-12%. Du lịch outbound có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế. Phải đưa loại hình du lịch outbound ra xem xét một cách rõ ràng hơn để được xã hội thừa nhận. Từ đó, hình thành chính sách quản lý, hỗ trợ, để hoạt động du lịch outbound lành mạnh hơn, người Việt đi đến đâu cũng được chào đón, hình ảnh người Việt được tôn trọng," ông Bình nêu quan điểm.
Những nút thắt khiến outbound chưa thể 'cất cánh'
Bà Nghiêm Ái Phương cho rằng, trong hoạt động outbound của Việt Nam có nhiều trở ngại khách quan như việc khách du lịch tìm cách ở lại nước ngoài bất hợp pháp, hay tình trạng vi phạm pháp luật của khách Việt khi đến nước sở tại khiến nhiều nước hạn chế cấp visa cho người Việt Nam, đưa ra những chính sách, thủ tục rườm rà.
Ngoài ra, theo bà Phương, tình trạng chậm, hoãn chuyến bay của các hãng hàng không cũng khiến các công ty du lịch phải bồi hoàn cho khách do thay đổi thời gian, lịch trình và biến động về tỷ giá ngoại tệ cũng là bất lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty du lịch...
Về phía trở ngại chủ quan, thực tế cho thấy một số tour chỉ tập trung vào chi tiêu thực sự của khách hàng mà không tập trung vào xây dựng những sản phẩm có chất lượng, những danh lam thắng cảnh đáp ứng nhu cầu tham quan trải nghiệm của du khách; Khách hàng bị đưa vào điểm mua sắm (shopping) bắt buộc; Việc cạnh tranh phá giá, giảm giá, cắt giảm các dịch vụ tràn lan, không được kiểm soát, làm cho khách hàng mất lòng tin vào các tour du lịch outbound.
Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng vụ việc khách du lịch Việt “bỏ trốn” khi ra nước ngoài không chỉ gây bức xúc cho ngành du lịch mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
“Nhiều khách du lịch có hành vi ứng xử chưa thật sự văn minh ở những nơi công cộng do thói quen sống. Tình trạng du khách nói chuyện to, vứt rác bừa bãi, lãng phí đồ ăn, đi muộn giờ… thường xuyên xảy ra. Bản thân TransViet và các công ty du lịch phải sàng lọc để loại bỏ các đối tượng lợi dụng du lịch rồi trốn lại bất hợp pháp. Nhưng điều đáng buồn là những vi phạm này chưa được xử lý nghiêm, rất ít vụ việc bị đưa ra pháp luật hoặc chịu hình phạt nặng” ông Đạt bày tỏ.
Còn theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist, hoạt động outbound hiện nay chưa được quản lý chặt chẽ khiến khách du lịch khó nhận biết doanh nghiệp nào được tổ chức outbound, doanh nghiệp nào không.
Với những du khách lợi dụng du lịch outbound ở lại nước ngoài bất hợp pháp, khi phát hiện sự việc thì quy trình báo cáo, giải quyết chưa rõ ràng và không dễ cho các công ty du lịch thực hiện. Ngay cả việc làm sao để hỗ trợ khách, bảo đảm quyền lợi cũng như hỗ trợ an toàn cho khách khi tới những điểm du lịch nhạy cảm cũng thiếu những quy định cụ thể.
Giải pháp nào?
Tại diễn đàn, nhiều đại diện của công ty lữ hành cho rằng, để quản lý tốt hoạt động outbound, ngoài việc bảo đảm các cơ chế, chính sách, quyền lợi cho du khách thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có chế tài xử lý nghiêm tình trạng trục lợi du lịch để đưa người lao động ra nước ngoài trái phép.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần sự chung tay của cộng đồng trong việc thể hiện ứng xử văn minh, thanh lịch nơi công cộng, góp phần nâng cao hình ảnh của người Việt Nam khi ra nước ngoài.
Theo Vụ trưởng Đoàn Ngọc Xuân, cần có góc nhìn toàn diện về hoạt động kinh doanh du lịch outbound trên các mặt như: số lượng, mức chi tiêu, sản phẩm tour, điểm đến, luật pháp quốc tế và luật pháp nước sở tại, cấp phép cho các công ty du lịch hay là các vấn đề như lịch trình bay, tỷ giá ngoại tệ…
“Cần hoàn thiện chiến lược, chính sách, cơ chế đủ mạnh, từ đó mới kỳ vọng phát triển du lịch nói chung và hoạt động outbound bền vững trong tương lai,” ông Đoàn Ngọc Xuân nói.
Trong khi đó, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận, trong nhận thức và tư duy và ngay trong chỉ đạo của công tác quản lý nhà nước thời gian vừa qua cũng nặng về hoạt động inbound, chứ chưa quan tâm tương xứng tới hoạt động outbound. Việc tập hợp thông tin số liệu và đề ra cơ chế chính sách với dòng khách này chưa thực sự được quan tâm, còn nhìn nhận phiến diện về loại hình du lịch này.
Lãnh đạo ngành du lịch còn bày tỏ việc có tư tưởng cực đoan cho rằng khách outbound làm "chảy máu" ngoại tệ. Ngay trong báo cáo thường niên của Tổng cục Du lịch và giải thưởng du lịch hàng năm cũng chưa dành quan tâm thích đáng đối với hoạt động outbound.
“Cần điều chỉnh lại tổ chức để có các bộ phận chuyên trách quản lý du lịch inbound, du lịch outbound và du lịch nội địa. Cần rà soát cấp phép, quy định các điều kiện, trước mắt phải tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về outbound; cần định hướng thị trường, đảm bảo quyền lợi của du khách; tổ chức, đẩy mạnh phong trào nâng cao văn hóa ứng xử của người Việt Nam khi du lịch nước ngoài,” ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh./.
Nguồn bài viết : FOOTBALL VIDEOBÓNG