Nỗ lực vận động học sinh đến lớp trong mùa mưa lũ

2025-01-17 19:21:30

Sau thời gian nghỉ hè, các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học số 2 Nậm Xe, xã biên giới Nậm Xe, huyện Phong Thổ, Lai Châu trở lại với công việc giảng dạy trong tâm thế đầy lo lắng với việc duy trì sĩ số học sinh. Tại những bản vùng thuận lợi, hầu hết học sinh đã đến trường, song ở những bản vùng xa, các thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà dân để vận động học sinh ra lớp.

Phòng ở bán trú dành cho học sinh Trường PTDTBT Trung học cơ sở Dào San, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xuống cấp, không đảm bảo cho sinh hoạt của học sinh. (Ảnh: Quý Trung)

Dù đã nỗ lực, cố gắng nhưng do mưa lũ, các tuyến đường bị sạt lở, mực nước ở các sông suối dâng cao khiến nhiều bản bị cô lập tạm thời nên ảnh hưởng tới công tác vận động học sinh. Mặc dù các bậc phụ huynh rất muốn đưa con em mình tới trường, song do mưa lũ và giao thông sạt lở không thể qua được nên phải cho con em mình ở nhà.

Ông Lý Văn Lo, bản Mỏ, xã Nậm Xe cho biết: "Đường sá xa xôi, bình thường đi lại đã khó khăn rồi, giờ mưa gió, sạt lở, phụ huynh rất lo lắng cho tính mạng con em mình. Nguy hiểm thế, các em học sinh làm sao tự đi lại được. Chính vì thế, nhiều học sinh ở quanh đây tới trường cũng không được đồng đều".

Có thời điểm do nước suối dâng, chảy xiết, một số bản bị cô lập tạm thời như bản Nậm Xe. Do đó, nhằm vận động học sinh tới lớp, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học số 2 Nậm Xe phải qua suối bằng cách bám vào những săm lốp ô tô cũ để kéo qua hay bằng những bè tre tạm bợ.

Là năm dạy học thứ 4 tại trường, thầy giáo Đồng Văn Công, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học số 2 Nậm Xe đã thấm thía cảnh vận động học sinh vùng sâu, vùng xa. Đi bộ, mưa gió sạt lở đất đá, đường sá bùn lầy phải khiêng xe qua dốc vực là tình huống thường thấy khi làm công tác vận động học sinh tới lớp mùa mưa lũ nơi đây.

Phòng ăn tạm bợ của Trường PTDTBT Tiểu học Ta Gia, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) không đảm bảo trong những ngày mưa gió. (Ảnh: Quý Trung)

Thầy Đồng Văn Công chia sẻ: “Các thầy cô giáo đi vận động là phải lội suối hoặc dùng bè, săm lốp ô tô để kéo sang bờ suối bên kia. Khi đón được các em, các thầy cô đã mạo hiểm cõng các em, lội qua suối. Còn một cách nữa là phải đi đường vòng nhưng như thế cả đi và về phải mất vài trăm cây số. Biết là rất nguy hiểm nhưng vì tâm huyết với em học sinh, chúng tôi không ngại ngần đi vận động học sinh đến trường, đến lớp”.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học số 2 Nậm Xe có 23 lớp học ở điểm trường trung tâm và 5 điểm bản, với tổng số 369 học sinh là con em đồng bào dân tộc Dao, Dáy, Thái và Mông. Hàng năm, nhà trường đảm bảo 100% huy động trẻ ra lớp. Để làm được điều đó, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, các bản trong việc huy động trẻ ra lớp; Đồn Biên phòng địa bàn kết nối với các nhà từ thiện cho sách vở, quần áo, xây dựng các phòng học lắp ghép cho nhà trường. Ngoài ra, nhà trường cử các thầy giáo khỏe mạnh tham gia gia cố các lối đi đến các điểm bản đưa học sinh về học bán trú.

Theo TTXVN

Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2024

Top