Bùng nổ truyền hình OTT giá rẻ, cước truyền hình trả tiền ngày càng thấp hơn

2025-01-17 19:23:11
ictnews Việc ông lớn truyền hình như VTVcab, VTV nhảy vào phân khúc truyền hình OTT sẽ khiến cho thị trường truyền hình vốn đã khốc liệt sẽ càng khốc liệt hơn, thuê bao bình quân (APRU) của truyền hình trả tiền vốn đã thấp sẽ có nguy cơ ngày càng thấp hơn.

Truyền hình chi phí mua nội dung đắt đỏ nhưng rất khó nâng giá thuê bao

Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay APRU của truyền hình trả tiền ở Việt Nam vào hàng thấp nhất trong khu vực, tầm 4USD/thuê bao/tháng, trong khi các nước ASEAN từ 10-30 USD/thuê bao.

Đối với ngành truyền hình những năm gần đây, giá bản quyền nội dung truyền hình, nhất là bản quyền các chương trình quốc tế ngày càng đắt đỏ, giá bản quyền các giải đấu thể thao mùa sau cao hơn mùa trước gấp đôi, thậm chí gấp ba, bốn lần. Trong khi phát triển thuê bao khá chật vật, giá thuê bao dịch vụ lại liên tục giảm.

Một nguồn tin của ICTnews xác nhận, đối với dịch vụ truyền hình cáp, chi phí bản quyền nội dung chiếm tới hơn 50% chi phí của dịch vụ truyền hình trả tiền. Khi cung cấp nội dung sang nền tảng OTT, các nhà cung cấp truyền hình cáp sẽ trả phí bản quyền OTT theo kiểu “mua bia kèm lạc”, tức là mua bản quyền trên một nền tảng rồi thì mua thêm giá sẽ dễ chịu hơn. Chứ nếu OTT mua độc quyền trên một nền tảng thì chi phí cũng khá đắt đỏ. Các đơn vị truyền hình OTT có lợi thế là không phải đầu tư hạ tầng, mà triển khai dịch vụ dựa trên nền tảng Internet, tuy nhiên lợi thế trong cung cấp dịch vụ truyền hình phải là sức mạnh về nội dung, điều này cần các nhà khai thác dịch vụ phải đầu tư rất lớn vào việc mua bản quyền hoặc phải tự sản xuất nội dung.

Theo ông Phan Thanh Giản, CEO ClipTV, vì có nhiều nhà cung cấp dịch vụ cạnh tranh nên để thu hút khách hàng, nên các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải hạ giá thuê bao xuống. Cũng vì nhiều nhà cung cấp dịch vụ nên đơn vị bán bản quyền nội dung cũng tăng giá làm sao có lời nhất. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp truyền hình nói chung cũng như ClipTV nói riêng. Vì vậy tuỳ vào điều kiện, nền tảng công nghệ và sản phẩm, mỗi công ty sẽ tối ưu tối đa chi phí để thu hút càng nhiều thuê bao càng tốt. Để kinh doanh được ClipTV phải tập trung vào tối ưu sản phẩm, tập trung vào chăm sóc khách hàng trên những nội dung mình có được để thu hút khách hàng.

Hiện nay Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đang bàn bạc với Hiệp hội Truyền hình trả tiền để có giải pháp nâng được APRU lên ngang với mặt bằng giá thuê bao trung bình của các nước trong khu vực ASEAN, thế nhưng xu thế các dịch vụ OTT giá rẻ bắt đầu ra thị trường cho thấy việc nâng giá các dịch vụ truyền hình cáp, vệ tinh là rất khó xảy ra và xu hướng APRU sẽ ngày càng giảm xuống.

Ông Phan Thanh Giản cho rằng: “Thật tốt nếu có khung giá chung cho thị trường, tuy nhiên với xu hướng cạnh tranh hiện nay trong lĩnh OTT trên thế giới, thì việc định giá cả là do doanh nghiệp tự đưa ra dựa trên kế hoạch kinh doanh làm sao hiệu quả nhất. Giá APRU rẻ xuống đồng nghĩa với việc phát triển thuê bao phải tăng lên mới có thể tiến đến điểm hoà vốn, hoặc nếu tăng APRU lên thì dịch vụ phải có nội dung thật đặc sắc, độc quyền”.

Truyền hình OTT giá rẻ sẽ khiến thị trường truyền hình trả tiền ngày càng khốc liệt hơn

Việc VTVcab ON chính thức tham chiến thị trường truyền hình OTT, VTV cũng đang xin cung cấp dịch vụ truyền hình trên Internet được giới chuyên môn nhận định là sẽ khiến thị trường truyền hình trả tiền vốn đã khốc liệt, sẽ càng khốc liệt hơn. Bởi vì VTV và VTVcab đều là đơn vị sản xuất nội dung lớn nhất cả nước, khó có một doanh nghiệp nào có thể đọ được sức mạnh về nội dung.

So sánh về giá cả, hiện tại gói thuê bao dịch vụ truyền hình rẻ nhất trên thị trường là 30.000 đồng (do Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) cung cấp), tuy nhiên là dịch vụ cung cấp trên hạ tầng truyền hình số mặt đất có số lượng kênh hạn chế, không có dịch vụ VOD và bị phụ thuộc vào vùng phủ sóng của AVG.

VTVcab ON đưa ra mức giá khá cạnh tranh, gói cước cho khách hàng cá nhân là 66.000 đồng/tháng. Gói cước dành cho hộ gia đình là 88.000 đồng/tháng. Nhưng VTVcab ON có lợi thế có thể xem được trên 1 hoặc 2 thiết bị cùng lúc, sử dụng trên 4 nền tảng khác nhau Smart TV, web, Mobile, Android Box, phù hợp với nhu cầu giải trí của những người hay di chuyển, xem mọi lúc mọi nơi của người dùng.

So với mức cước dịch vụ truyền hình OTT khác thì VTVcab ON có mức giá cước khá hấp dẫn. Hiện dịch vụ FPT Play có phí thuê bao khoảng từ 150.000 – 240.000 đồng/thuê bao, Clip TV có gói gia đình 50.000 đồng/tháng, My K+ Now là 125.000 đồng/tháng.

Thế mạnh của VTVcab ON đáng kể nhất phải là sức mạnh về nội dung. Cùng với việc cung cấp gần 200 kênh truyền hình trực tuyến, VTVcab ON có kho nội dung từ 25 kênh truyền hình do VTVcab tự sản xuất, cùng với dữ liệu nội dung khổng lồ mà VTVcab đã sản xuất từ 25 năm qua. Kho nội dung được tích lũy từ nhiều năm không phải các nhà cung cấp dịch vụ OTT nào cũng có được. Bên cạnh đó, VTVcab còn mua bản quyền khá nhiều các giải đấu thể thao trong nước và tự sản xuất rất nhiều chương trình bằng thiết bị hiện đại như trường quay ảo, trường quay 3D... Trên VTVcab On có thể trực tiếp nhiều sự kiện độc quyền cùng lúc không giới hạn và khán giả có thể chọn xem bất cứ lúc nào.

Những gói nội dung cao cấp để đáp ứng nhu cầu giải trí cao cấp hơn của lớp khách hàng "nhà giầu" cũng là một thế mạnh của OTT mà các dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình mặt đất, vệ tinh không có được. Không chỉ cung cấp nội dung của riêng mình, VTVcab ON còn là một nền tảng mở để các nhà cung cấp nội dung khác cùng khai thác, bán các gói nội dung chuyên biệt trên nền tảng này. Hiện tại VTVcab ON đã phân phối gói phim DANET, sắp tới VTVcab ON sẽ có thêm chùm kênh truyền hình quốc tế do Q.net độc quyền phân phối ở Việt Nam. DANET mạnh về cung cấp phim lẻ và phim châu Á, còn Q.net sẽ hấp dẫn các đối tượng chuộng phim Mỹ. VTVcab cũng đang đàm phán với Tencent để hợp tác khai thác kho phim Trung Quốc với hàng triệu giờ phim mà Tencent đang nắm giữ bản quyền. Việc cho dùng chung hạ tầng để cùng khai thác dịch vụ sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng đối tượng khách hàng giúp cho OTT tăng sức cạnh tranh hơn.

Nguồn bài viết : GIẢI Đá gà Tre MỚI nhất

Top