Văn hóa - Xã hội - Môi trường

[Ảnh] Tòa Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp - nơi ghi dấu ngoại giao nhân dân và tình yêu đất nước của kiều bào

2024-12-21 11:40:40

[Ảnh] Tòa Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp -

nơi ghi dấu ngoại giao nhân dân và tình yêu đất nước của kiều bào

Ngôi nhà số 62 ở phố Boileau thuộc quận 16 tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) là công trình có tính biểu tượng không chỉ của mối quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp, những nỗ lực của Đảng và nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng nền ngoại giao nhân dân, mà còn ghi dấu tình yêu quê hương đất nước của kiều bào tại Pháp.

---------------------

Tối 19/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức buổi gặp mặt kiều bào nhân dịp chiếu phim tư liệu “Cây Linden - Mùa xanh lá” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, kể về lịch sử hình thành của tòa Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Cũng nhân dịp 20/10, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng gửi tặng những bông hoa tươi thắm tới các bà, các chị kiều bào và cán bộ nữ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp.

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp không chỉ mang ý nghĩa quan trọng về mặt ngoại giao giữa hai quốc gia, mà còn là tình cảm sâu sắc của cộng đồng bà con kiều bào sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp. Với những nỗ lực thúc đẩy ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước, quá trình xây dựng tòa đại sứ không chỉ đón nhận tình cảm, mà có cả những hỗ trợ vật chất rất lớn của kiều bào tại nơi đây.

Tòa đại sứ được thiết kế trong bối cảnh cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước chưa kết thúc. Những bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, giấy phép xây dựng, cùng tài liệu giao tiếp giữa chủ khu đất và đại diện Đại sứ quán Việt Nam gợi nhớ nhiều ký ức xúc động về một thời kỳ lịch sử của ngoại giao Việt Nam, cũng như những đóng góp, cống hiến của kiến trúc sư, bà con Việt kiều và cán bộ cơ quan đại diện thời kỳ ban đầu.

Vốn nằm trên thửa đất thuộc con phố có nhiều di tích lịch sử và văn hóa, việc xây dựng tòa nhà Đại sứ quán, đồng thời là nơi sinh hoạt của cán bộ Cơ quan đại diện tại thời điểm đó, việc xin giấy phép của thành phố Paris gặp rất nhiều khó khăn.

Văn bản xin cấp phép xây dựng Tòa Đại sứ tại số 62 phố Boileau, được thiết kế bởi kiến trúc sư Việt kiều yêu nước Võ Thành Nghĩa, lần đầu tiên được gửi tới Tòa Thị chính thành phố Paris vào tháng 1/1973, nhưng đã bị từ chối. Các văn bản đề nghị sau đó vẫn tiếp tục vấp phải những yêu cầu chỉnh sửa từ phía chính quyền thành phố Paris. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Đại sứ Võ Văn Sung, Tổng Đại diện Việt Nam tại Pháp, cùng các cán bộ của phái đoàn và kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa đã dành ra hàng nghìn ngày làm việc để đáp ứng những yêu cầu của thành phố.

Mãi tới ngày 7/8/1975 mới có giấy phép xây dựng và ngay trong cuối tháng đó, những viên gạch đầu tiên của tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam đã được đặt xuống. Hằng ngày, bà con kiều bào từ những phụ lão, thương nhân, thanh niên, sinh viên, trí thức không chỉ ở Paris, mà còn từ các thành phố khác, cũng tới để giúp đỡ, hỗ trợ cho công nhân xây dựng công trình. Mọi sự đóng góp dù to, dù nhỏ của cộng đồng đều xuất phát từ tình yêu nước của người Việt Nam tại Pháp.

Ngày 29/4/1977, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp chính thức được khánh thành nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Thời bấy giờ, nước ta còn nghèo. Hội Công thương của những người làm chủ nhà hàng, kinh doanh buôn bán, cùng với những người xuất thân từ lính thợ hoạt động trong Hội Công nhân, đốc công tham gia xây dựng Tòa Đại sứ. Từ ý nguyện đến sự hình thành nên một căn nhà chung thiêng liêng của quê hương trên đất Pháp đòi hỏi rất nhiều mồ hôi, công sức của bà con kiều bào.

Từ trước tới nay, tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam tại con phố Boileau vẫn là điểm hội tụ của các hoạt động, ý tưởng, tình cảm của người Việt tại Pháp hướng về đất nước. Trong giai đoạn đất nước chưa hòa bình, mọi hoạt động hướng về Tổ quốc của kiều bào tại Pháp gặp không ít khó khăn. Nhưng không vì thế mà phong trào vì hoà bình cho Tổ quốc do Hội Công nhân, Hội Công thương và các trí thức Việt Nam liên hiệp tiến hành lại kém sôi động.

Trong ký ức của nhiều thế hệ cán bộ Đại sứ quán và bà con kiều bào tại Pháp, tòa nhà số 62 phố Boileau tại thành phố Paris như một nhân chứng lặng lẽ cho tình đoàn kết và sự lớn mạnh của cộng đồng.

Những lá cờ Tổ quốc do bà con Việt kiều may giấu tại nhiều nơi trên nước Pháp kể từ ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, đã tung bay rực rỡ sắc đỏ ngang hàng cùng quốc kỳ Pháp, trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân tới Paris theo lời mời chính thức của Chính phủ Pháp vào tháng 6/1946. Cho tới ngày 7/8/1975 khi Tòa Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp được cấp phép xây dựng, Tổ quốc vẫn nhận được nhiều tình cảm, đóng góp của bà con kiều bào. Đất nước Việt Nam vẫn nhận được sự mến thương của những người cộng sản và nhân dân Pháp.

Những nỗ lực của nền ngoại giao nhân dân đã có nhiều thành quả, mà thí dụ điển hình là sự thành công của Hiệp định Paris và sự hình thành của tòa nhà Đại sứ quán. Từ những năm 20 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia thành lập “Hội những người An Nam yêu nước” và trở thành nòng cốt của Hội với tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Trong những giai đoạn lịch sử sau đó cho tới ngày nay, các thế hệ cán bộ Cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp tiếp tục phát huy tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thúc đẩy sự yêu thương và kết đoàn giữa bà con kiều bào với Tổ quốc. (Trong ảnh: Cô Bùi Kim Tuyết và cô Bùi Kim Thúy, hai người cháu của kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa, chia sẻ về những ký ức tuổi trẻ bên bản thiết kế tòa đại sứ của người cậu ruột).

Đến nay, có hơn 35 hội đoàn hữu nghị với Việt Nam trên toàn nước Pháp. Ngôn ngữ tiếng Việt cũng được giảng dạy tại một số trường cấp ba và đại học ở nhiều địa phương của Pháp. (Trong ảnh: Cô Vanna Siriphaniphong, Chủ tịch Hội Công nhân lao động tại Pháp - hội nòng cốt của Hội Người Việt Nam trước đây, có nhiều đóng góp quý báu cả về vật chất và công sức để xây dựng tòa nhà trụ sở Đại sứ quán).

Cây Linden trong khuôn viên Tòa Đại sứ, vốn là cây di tích lịch sử-văn hóa của thành phố Paris, khi xưa là nơi nghỉ chân của nhà thơ Boileau viết nên những áng thơ đầy xúc cảm. Trong quá trình xây dựng tòa nhà và cả sau này, cây Linden vẫn được Đại sứ quán Việt Nam duy trì và chăm sóc. Cũng vì lẽ đó, cây Linden như một vật thể chứng kiến năm tháng hoạt động của cơ quan đại diện và sự lớn mạnh của cộng động người Việt tại Pháp.

Tòa Đại sứ Việt Nam tại Pháp đồng hành cùng đất nước và bà con kiều bào qua nhiều thiên biến của lịch sử, nay tới lúc bước sang trang mới, cần được thay đổi, nâng cấp để bảo đảm công năng sử dụng và phục vụ công tác ngoại giao và tiếp đón cộng đồng người Việt. Dẫu vậy tình cảm của bà con kiều bào đối với quê hương và những ký ức lịch sử về tình đoàn kết dân tộc vẫn sẽ mãi là di sản của đất nước và tiếp tục “xanh lá” vươn lên như cây Linden.

Theo Khải Hoàn - Minh Duy, Báo Nhân dân

https://nhandan.vn/anh-toa-dai-su-viet-nam-tai-phap-noi-ghi-dau-ngoai-giao-nhan-dan-va-tinh-yeu-dat-nuoc-cua-kieu-bao-post778562.html

Top