Khai giảng khoá tập huấn tiếng Việt cho 60 giáo viên đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ |
Plan International Việt Nam bàn giao công trình Điểm trường tiểu học Cu Tiêng (Quảng Trị) |
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư Phạm - Đại học Quốc Gia Hà Nội, chị Nguyễn Thị Liên sau 12 năm giảng dạy THPT tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh đã sang Malaysia cùng gia đình. Tại đây, chị có cơ hội được tiếp tục công việc yêu thích của mình ở một vai trò mới là giáo viên tiếng Việt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Việt.
Trong suốt 8 năm từ 2016 đến nay, chị Liên là người đóng vai trò chính trong việc vận động phụ huynh, tập hợp học sinh; tổ chức các lớp học, phân công công việc cho các thành viên; tổ chức hoạt động giảng dạy, hoạt động ngoại khóa… của Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia.
Từ các lớp học miễn phí đầu tiên ở Kuala Lumpur, đến nay Câu lạc bộ tiếng Việt không ngừng mở rộng, thu hút nhiều học sinh là con em trong cộng đồng người Việt Nam ở khắp các bang: Johor, Penang, Kuan Tan, Selangor.
Lớp học Tiếng Việt ở Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: TTXVN phát). |
Sau gần 7 năm hoạt động, lớp học đã hoàn thiện hơn trong khâu tổ chức. Số lớp đã tăng lên 9 lopws với khoảng 30 học sinh, trong đó có 3 lớp học trực tiếp tại Đại sứ quán và 6 lớp học trực tuyến. 2 cô giáo thay nhau dạy các lớp học này. Lớp Tiếng Việt đang hoạt động ổn định và luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia cũng như các phụ huynh.
Chia sẻ về kỷ niệm khó quên, cô Liên xúc động kể lại, học sinh nhỏ tuổi nhất mà cô từng dậy là bé Glory, 3 tuổi. Anton Nguyễn là bố của Glory, anh từng làm việc tại Đức, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới, hiện anh sống và làm việc tại Malaysia. Lo lắng con gái không thể nói tiếng Việt và bản thân cũng không biết phải dạy con thế nào cho đúng phương pháp, do vậy anh đã thiết tha xin cho con nhập học lớp tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur.
Trước đề nghị của ông bố trẻ, cô Liên đã rất ngập ngừng vì Glory còn nhỏ quá. Thế nhưng, với lòng yêu nghề và có trách nhiệm với sứ mệnh cao cả được Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia giao phó, cô Liên đã nhận kèm riêng Glory. Bằng kinh nghiệm sư phạm, cô Liên biết rằng với Glory cô sẽ phải bắt đầu dạy tiếng Việt bằng một cách khác với những anh chị lớn tuổi hơn. Những bài hát ngắn, gắn với chủ đề gia đình đã được cô chọn riêng cho Glory.
Đồng hành cùng cô trò, mặc dù bận bịu với công việc, song anh Anton Nguyễn chưa bao giờ làm lỡ một buổi học nào của con suốt 2 năm qua. Không quản nắng mưa, đường xa, cuối tuần nào anh cũng đưa đón con đi học, trong khi đợi con học, anh kết hợp giải quyết công việc, lúc thì hẹn đối tác đến làm việc dưới sảnh nhà cô giáo, lúc thì mang theo máy tính, tài liệu theo đọc... Hai năm trôi qua, giờ bé Glory đã đọc, viết, thành thạo, kể chuyện và hát bằng tiếng Việt cho ông bà nội đang sống ở Đức.
Cô giáo Nguyễn Thị Liên. (Ảnh: NVCC). |
Không chỉ động viên các thành viên trong Câu lạc bộ tiếng Việt tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, chị Liên còn tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí truyền thông, dẫn chương trình… nhằm hỗ trợ công tác chuyên môn và công tác xã hội hiện đang đảm nhận.
Năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở Nước ngoài phát động cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả Tiếng Việt ở nước ngoài. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm thí sinh là người yêu Tiếng Việt trên khắp thế giới. Vượt qua hàng trăm thí sinh dự thi, cô Liên đã trở thành 1 trong 5 sứ giả đại diện cho châu Á được nhận giải thưởng.
Việc xét thưởng dựa trên 3 tiêu chí gồm: Năng lực Tiếng Việt; Vốn tri thức về đất nước và con người Việt Nam; Hoạt động cộng đồng, tôn vinh và phát triển Tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân cô giáo mà còn là niềm tự hào của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
Bên cạnh công việc giảng dạy, chị Liên đang là Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia. Với tâm nguyện lan tỏa các giá trị văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt trong các hoạt động cộng đồng, chị luôn gương mẫu trong việc tổ chức các hoạt động kỉ niệm các ngày lễ lớn trong năm như: Tết Nguyên đán, ngày Giỗ Tổ, ngày Quốc khánh 2/9, ngày 8/3, 20/10… nhằm tạo cơ hội kết nối, giao lưu cho chị em phụ nữ trong cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia.
Chị đã góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa văn nghệ dành cho thiếu nhi và công cuộc gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, như tập hợp, dẫn dắt các cháu trong Câu lạc bộ Tiếng Việt đóng góp xây dựng Hợp xướng online “Hello Vietnam” trong dịch Covid-19, hướng dẫn các cháu trong Câu lạc bộ Tiếng Việt tập tiết mục múa võ “Dòng máu Lạc Hồng” chuẩn bị cho Lễ giỗ Tổ Hùng Vương...
Bên cạnh đó, chị cùng các chị em thường xuyên tổ chức và trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện của Hội phụ nữ Việt Nam tại Malaysia trong cộng đồng người Việt, cũng như các hoạt động hướng về quê hương, nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Gần 100 giáo viên tiếng Việt chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tại nước ngoài Đây là nội dung của buổi tọa đàm trực tuyến “Tình hình dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” diễn ra vào ngày 15/7 với sự tham gia của gần 100 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tiếng Việt tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. |
Lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực Việt trên đất nước Thái Lan Đối với cộng đồng người gốc Việt tại Thái Lan, doanh nhân Hồ Văn Lâm (tên Thái là Thong Kunthangvawat) không phải cái tên xa lạ. Ông là Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt - Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng ông được biết đến nhiều hơn với tư cách là chủ của hệ thống chuỗi cửa hàng VT Namnueng nổi tiếng ở Thái Lan, với "đại bản doanh" là Trung tâm Thương mại VT Namnueng đặt tại tỉnh Udon Thani, nơi giờ đây đã trở thành một địa chỉ quảng bá văn hóa ẩm thực Việt ở đất nước Chùa Vàng. |