Thực trạng sử dụng nhựa và thải nhựa
Đất nước Canada có diện tích lớn với nhiều cộng đồng dân cư, mật độ dân số thưa, 3 thành phố có hơn 1 triệu dân, 51 thành phố từ 100 nghìn đến 1 triệu dân và 233 thành phố có từ 10 nghìn dân đến 100 nghìn dân. Trong năm 2010, Canada đã thải gần 8.000 tấn chất thải nhựa từ đất liền vào đại dương. Rác thải biển và vi nhựa được tìm thấy tại cả 3 vùng bờ biển và các hệ thống nước ngọt, bao gồm cả các hồ trong nhóm Ngũ đại hồ.
Hiện Canada đã có hạ tầng quản lý chất thải rắn và các biện pháp hạn chế thải rác ra bãi chôn lấp, hệ thống pháp lý quản lý chất thải tại cấp liên bang và bang bổ sung lẫn nhau, có hệ thống quy định đặt cọc cho vỏ chai, hộp đồ uống làm bằng nhựa, trách nhiệm mở rộng của người sản xuất và chương trình giám sát. Tuy nhiên, Canada có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm như rác, sự cố tràn dầu, các hoạt động thủy sản; năng lực tái chế, phục hồi không đồng đều trên phạm vi liên bang; dữ liệu về các sản phẩm lâu bền còn hạn chế.
Ngành công nghiệp nhựa trị giá 29,2 tỷ đô la tại Canada. Các sản phẩm lâu bền như đồ điện tử và sản phẩm không lâu bền như bao bì đóng gói, sản phẩm nhựa dùng một lần. Phần lớn nhựa được sử dụng trong ngành đóng gói với 39%, xây dựng 33% và sản xuất ô tô 14% với 20-25% bao bì bằng nhựa được tái chế và có tới 89% rác thải nhựa được chuyển tới bãi chôn lấp hoặc các lò đốt. Các sản phẩm nằm trong chương trình giám sát có khả năng thu gom và tái chế lớn, trong đó khoảng 66% chất thải nhựa thu gom để tái chế được xử lý.
Hướng tới loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa
Ngày 23/11/2018, các Bộ trưởng Môi trường liên bang, bang và vùng lãnh thổ, thông qua Hội đồng Bộ trưởng về môi trường Canada đã thông qua chiến lược toàn Canada nhằm hướng tới loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa.
Chiến lược được xây dựng dựa trên các chương trình hiện có về giảm lượng rác thải tại bãi chôn lấp và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất để tận dụng nhựa trong nền kinh tế, nhưng loại bỏ nhựa ra khỏi môi trường. Sử dụng phương pháp tiếp cận vòng đời sản phẩm để giải quyết các khâu từ ngăn ngừa và thiết kế, thu gom và làm sạch, cũng như phục hồi giá trị sản phẩm. Chiến lược phản ánh các ưu tiên của hệ thống quản lý chất thải; vận động nhiều ngành và đối tác cùng tham gia để loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa. Về mặt thị trường, đưa sản phẩm đến những khu vực có thể tái chế và nhựa dùng một lần cũng có thể tái chế.
Chiến lược loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa toàn Canada xác định 10 nội dung ưu tiên gồm thiết kế sản phẩm, nhựa dùng một lần, hệ thống thu gom, năng lực tái chế, nhận thức của người tiêu dùng, các hoạt động thủy sản, nghiên cứu và giám sát, làm sạch và hành động toàn cầu. Các bước tiếp theo là phối hợp giữa các bên liên quan ở cấp liên bang với chính quyền cấp bang và vùng lãnh thổ để xác định giải pháp và thống nhất hành động cụ thể, gọi là kế hoạch hành động. Sau đó là việc thực hiện quy định, cam kết tự nguyện của doanh nghiệp, giáo dục và đầu tư.
Bà Jacinthe Seguin, Giám đốc Sáng kiến về nhựa, Bộ Tài nguyên và Biến đổi khí hậu Canada nhấn mạnh: Ở cấp liên bang, chính quyền đang xem xét tất cả các công cụ và đòn bẩy tiềm năng để thúc đẩy chương trình nghị sự loại bỏ hoàn toàn chất thải nhựa. Nhiều cơ quan liên bang đã thực hiện sáng kiến để giảm thiểu chất thải nhựa, đặc biệt quan tâm đến vật liệu sử dụng cá nhân, đưa ra hướng dẫn, sáng kiến cấp liên bang để loại trừ, giảm thiểu mức độ sử dụng nhựa, tạo nền tảng để sử dụng nhựa bền vững hơn.
Canada ban hành, thực thi luật pháp và quy định để bảo vệ vùng nước và hệ sinh thái tại Canada khỏi các nguồn gây ô nhiễm khác nhau; hỗ trợ sáng kiến địa phương và dự án cộng đồng như làm sạch bờ biển Canada và thông thái đại dương. Đến tháng 1/2018, các sản phẩm vệ sinh có chứa vi nhựa như sữa tắm, sản phẩm vệ sinh cơ thể, làm sạch da, kem đánh răng đã bị cấm. Lệnh cấm hoàn toàn sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2019.
Trung tâm vì Chính phủ xanh và Chiến lược Chính phủ xanh của Canada bao gồm những cam kết mới để tới năm 2030, giảm ít nhất 75% chất thải nhựa trong các hoạt động của Chính phủ, thông qua giảm chất thải đưa đến bãi chôn lấp; giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của Chính phủ, các cuộc họp, sự kiện; mua sắm các sản phẩm nhựa bền vững có hàm lượng tái chế, tân trang lại.
Công tác khoa học và nghiên cứu về rác biển cũng được quan tâm, thông qua quỹ nghiên cứu liên quan đến hệ sinh thái, các nguồn thải và phân tán chất thải nhựa, tác động của chất thải nhựa, vi sợi, nhựa có khả năng phân hủy; sản xuất nhựa, thị trường, chất thải, phục hồi giá trị như tái chế và công nghệ. Sáng kiến ngăn ngừa ô nhiễm cho các nguồn lợi thủy sản; giảm thất thoát ngư cụ, xử lý tàu thuyền và các cơ sở thủy sản không còn được sử dụng. Canada tài trợ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thông qua quỹ Thách thức đổi mới sáng tạo nhựa nhằm khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm các giải pháp xử lý rác thải nhựa. Quỹ này dành cho 7 thách thức đã được khởi xướng từ ngày tháng 10/2018 gồm đóng gói bao bì thực phẩm, chất thải xây dựng, phân loại rác nhựa, tái chế nhựa được gia cố bằng sợi thủy tinh, loại bỏ và kiểm soát ngư cụ không còn được sử dụng và rác đại dương, đánh bắt bền vững và thiết bị chăn nuôi thủy sản, tăng cường khả năng phân hủy tự nhiên của nhựa sinh học.
Đối với các hoạt động đầu tư quốc tế, Canada đã đầu tư 20 triệu đô la hỗ trợ quỹ Thách thức đổi mới G7, 65 triệu đô la hỗ trợ thông qua Ngân hàng thế giới và 6 triệu đô la thông qua Diễn đàn kinh tế thế giới để hỗ trợ năng lực cho các nước đang phát triển tìm kiếm giải pháp đối phó với vấn đề rác thải nhựa.
Bài 3: Quản lý chất thải nhựa biển ở Việt Nam
Nguồn bài viết : EvoPlay Điện Tử